CEO Volkswagen: Công nghiệp ô tô Đức nguy cơ sa vào ‘vết xe đổ’ của Detroit

Hoàng Cường
Hoàng Cường
18/10/2018 17:24 GMT+7

Giám đốc điều hành Volkswagen - ông Herbert Diess vừa đưa ra cảnh báo về những tác động tiêu cực có thể ảnh hưởng xấu đến ngành công nghiệp ô tô Đức, sau khi Liên minh châu Âu (EU) ban hành quy định mới về tiêu chuẩn khí thải cũng như lệnh cấm ô tô dùng động cơ diesel cũ.

Theo ông Herbert Diess, người đang nắm giữ cương vị Giám đốc điều hành Volkswagen, các hãng ô tô Đức chỉ có 50% cơ hội sống sót khi buộc phải chuyển đổi hoạt động, điều chỉnh chuỗi cung ứng sản phẩm để đáp ứng các quy định mới của EU.
Trước đó, các nhà sản xuất ô tô đã phàn nàn về các quy định mới của EU, bao gồm lệnh cấm lưu hành đối với ô tô dùng diesel cũ ở các thành phố của Đức cũng những biện pháp để cắt giảm lượng khí thải đối với xe hơi.
Các nhà sản xuất ô tô đối mặt với khó khăn trước quy định mới của EU
Bàn về vấn đề này tại Hội nghị dành cho các nhà cung cấp ô tô vừa được tổ chức tại Wolfsburg, Đức. Ông Herbert Diess đã nhắc lại sự sụp đổ của những thành phố vốn nổi tiếng về sản xuất ô tô như Detroit hay Turin… để cảnh báo một viễn cảnh đen tối có thể xảy ra với ngành công nghiệp ô tô Đức trong tương lai.
"Nếu bạn nhìn vào các “pháo đài” cũ của ngành công nghiệp ô tô thế giới như Detroit, Oxford-Cowley hoặc Turin, bạn sẽ hiểu điều gì xảy ra với các thành phố vốn nổi tiếng trong ngành sản xuất ô tô, khi các tập đoàn, công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp này ngừng hoạt động". - ông Herbert Diess chia sẻ.
Cơ hội dành cho ngành công nghiệp ô tô Đức tiếp tục nằm trong top nhà sản xuất ô tô hàng đầu trong 10 năm tới là 50:50, theo ông Herbert Diess
Trước đó, Hội đồng bộ trưởng của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quy định giảm 35% lượng khí thải xe hơi vào năm 2030, sau khi một báo cáo của Liên hợp quốc kêu gọi thế giới nỗ lực để làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, theo Hiệp hội ngành công nghiệp ô tô VDA Đức, biện pháp mà EU áp dụng đặt ra thách thức lớn cho các nhà sản xuất ô tô khi buộc phải cắt giảm sản phẩm dùng động cơ đốt trong để chuyển sang sản xuất các dòng xe chạy điện. Một số nhà sản xuất có thể bị đẩy ra khỏi chuổi cung ứng sản xuất. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi này sẽ khiến hàng ngàn lao động ở Đức bị có nguy cơ bị ảnh hưởng.
"Để đáp ứng được các quy định về việc cắt giảm lượng khí thải 30% trên ô tô theo quy định của EU vào năm 2030, Volkswagen cần nâng tỷ lệ ô tô chạy hoàn toàn bằng điện lên 30% trong tổng doanh số xe bán ra, hoặc ít nhất là một nửa trong trường hợp cắt giảm 40%", ông Herbert Diess cho biết.
Sự thay đổi cấu trúc một cách nhanh chóng này, theo Herbert Diess sẽ là một “vấn đề khó khăn” ở Đức, nơi vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá để sản xuất điện. Bên cạnh đó, hàng ngàn lao động tại các nhà mấy sản xuất ô tô sẽ có nguy cơ mất việc làm, bởi theo phân tích của Diess, việc sản xuất một chiếc xe điện sẽ tốn ít thời gian, công đoạn hơn so với một chiếc xe thông thường.
Volkswagen đang tiến hành cải tổ bộ phận sản xuất linh kiện nội bộ với chi phí đầu tư ước tính khoảng 197 tỉ USD
Hiện tại, theo các các chuyên gia trong lĩnh vực chế tạo ô tô ở Đức, một chiếc xe chạy bằng động cơ đốt trong trung bình có khoảng 1.400 chi tiết, linh kiện cấu thành động cơ, hệ thống truyền động… trong khi pin và động cơ của một chiếc xe điện chỉ có 200 linh kiện. Tính đến nay các nguồn cung cấp pin điện cho việc sản xuất ô tô của các hãng xe Đức chủ yếu đến từ các công ty châu Á như LG Chem, Samsung SDI.
Từ quan điểm này, Herbert Diess nhận định: “Cơ hội dành cho ngành công nghiệp ô tô Đức tiếp tục nằm trong tốp những nhà sản xuất ô tô hàng đầu trong 10 năm tới là 50:50”.
Theo Diess, hiện nay các thương hiệu ô tô Đức như BMW, Audi và Mercedes-Benz đang nắm giữ khoảng 90% thị phần phân khúc xe hơi cao cấp. Tuy nhiên, để vừa tiếp tục gia tăng vị thế cạnh tranh, đồng thời đáp ứng các quy định mới của EU, các hãng xe này phải rất nỗ lực giảm lượng khí thải trên các dòng sản phẩm có công suất động cơ lớn.

tin liên quan

Ngành công nghiệp xe hơi và cuộc khủng hoảng niềm tin
Khi người tiêu dùng bỏ tiền ra mua một chiếc xe hơi, họ không chỉ mua thiết kế, sức mạnh, tiện nghi mà còn mua cả niềm tin vào thương hiệu đó nhưng một số nhà sản xuất dường như lại không chú ý đến điều này.

Về phía Volkswagen, thương hiệu này đã phải vật lộn để vượt qua vụ bê bối gian lận khí thải trong suốt những năm qua. Riêng thương hiệu xe sang Audi, mới đây bị phạt 800 triệu euro, tương đương 926 triệu USD vì vi phạm các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn khí thải trên một số dòng xe hơi.
Volkswagen đang tiến hành cải tổ bộ phận sản xuất linh kiện nội bộ với chi phí đầu tư ước tính khoảng 197 tỉ USD dành cho việc mua sắm, phát triển và xây dựng các day chuyền sản xuất hơi tại 56 địa điểm trên toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.