Hưởng lợi từ chính sách, ô tô ‘nội’ thêm quân số cạnh tranh xe nhập

Hoàng Cường
Hoàng Cường
03/08/2020 10:54 GMT+7

Hưởng lợi từ chính sách thuế, phí cùng với việc nhiều mẫu xe mới xuất hiện... tạo động lực thúc đẩy ô tô lắp ráp trong nước “thừa thắng xông lên” cạnh tranh, lấn át xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 cùng với những thay đổi về chính sách liên quan đang tạo ra những thay đổi trên thị trường ô tô Việt Nam. Một số mẫu mã ô tô nhập khẩu trước đây vốn hút khách dần chuyển sang lắp ráp để tận dụng chính sách ưu đãi, trong khi số lượng xe nhập nguyên chiếc đang có xu hướng giảm mạnh.

Thêm nhiều mẫu mã ô tô lắp ráp trong nước

Khép lại khoảng thời gian nửa đầu năm 2020, khi chính sách miễn thuế nhập khẩu một số mẫu mã khẩu kiện lắp ráp ô tô cũng như Nghị định 70 về việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước chính thức có hiệu lực (từ ngày 28.6)... Cũng là lúc thị trường ô tô Việt Nam lần lượt chứng kiến những màn xuất hiện của các mẫu mã ô tô mới được các hãng ô tô đầu tư dây chuyền lắp ráp, sản xuất trong nước.
Sau hơn 2 năm gặt hái nhiều thành công về doanh số bán hàng với Xpander, mới đây Mitsubishi Motor đã quyết định lắp ráp mẫu MPV 5+2 chỗ ngồi này tại Việt Nam. Trung tuần tháng 7.2020, những chiếc Mitsubishi Xpander “nội” đầu tiên được hãng xe Nhật Bản tung ra thị trường với mức giá tương đương giá xe Xpander nhập khẩu.

Mitsubishi Xpander “nội” tung ra thị trường với mức giá tương đương xe nhập khẩu

Ảnh: Trần Hoàng

Không lâu sau đó, đến lượt Trường Hải (THACO) trình làng mẫu SUV đô thị hoàn toàn mới KIA Seltos được hãng đầu tư dây chuyền lắp ráp tại nhà máy tọa lạc ở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Với mức giá từ 589 - 719 triệu đồng, KIA Seltos được xem đối thủ đe dọa sự thống trị của Hyundai KONA cũng như Ford EcoSport tại thị trường Việt Nam.
Mới đây, sau hơn 2 năm rời bỏ dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc, mẫu xe Honda CR-V thuộc bản nâng cấp của thế hệ thứ 5 chính thức trở lại để khoác cái mác “xe nội” ra mắt người tiêu dùng Việt Nam.
Như vậy, chưa đầy 2 tháng sau khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước cũng như miễn thuế nhập khẩu một số mẫu mã linh kiện dành để lắp ráp ô tô chính thức có hiệu lực, đã thu hút thêm nhiều mẫu mã ô tô lắp táp tại Việt Nam.
Bước đầu, dễ nhận thấy rằng giá bán Mitsubishi Xpander hay Honda CR-V “nội” vẫn chưa thể tạo lợi thế với xe nhập khẩu. Bởi thực tế, hiện tại chi phí sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam vẫn ở mức cao hơn khu vực... Tuy nhiên, việc mang cái danh “xe lắp ráp” giúp Mitsubishi Xpander hay Honda CR-V “nội” hay KIA Seltos phần nào thu hút khách hàng nhờ được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết năm 2020.

KIA Seltos KIA Seltos lắp ráp trong nước được hưởng chính sách giảm 50% phí trước bạ đến hết năm 2020

Bên cạnh đó, về lâu về dài nếu doanh số bán hàng tiếp tục gia tăng để đảm bảo cân đối giữa sản lượng và chi phí đầu tư, những mẫu mã như Mitsubishi Xpander hay Honda CR-V “nội” vẫn rộng đường giảm giá để cạnh tranh xe nhập khẩu.
Hiện tại, với sự góp mặt của Mitsubishi Xpander, Honda CR-V “nội” hay KIA Seltos... “đội quân” ô tô lắp ráp trong nước đang ngày càng hùng hậu. Theo thống kê, hiện có khoảng hơn 40 mẫu ô tô đang được lắp ráp trong nước, trong đó phần lớn là các mẫu mã thuộc các thương hiệu KIA, Hyundai, Mazda hay Toyota... Trong khi đó, nếu không tính các mẫu mã ô tô hạng sang, xe nhập khẩu thuộc phân khúc phổ thông hiện có khoảng 35 mẫu xe đang phân phối tại thị trường Việt Nam.

Ô tô lắp ráp trong nước tăng lực cạnh tranh, lấn át xe nhập

Không chỉ áp đảo về số lượng, việc hưởng lợi từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết năm 2020 đang tạo sức hút lớn cho ô tô lắp ráp trong việc hút khách, cạnh tranh đối các mẫu xe nhập khẩu.

Việc hưởng lợi từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết năm 2020 đang tạo sức hút lớn cho ô tô lắp ráp trong việc hút khách, cạnh tranh xe nhập khẩu

Ảnh: Trần Hoàng

Theo tính toán, lệ phí trước bạ giảm 50% giúp khách hàng mua ô tô lắp ráp trong nước tiết kiệm khoảng từ 15 - 298 triệu đồng tùy theo phiên bản, mẫu mã. Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại nhiều mẫu xe lắp ráp trong nước mang thương hiệu KIA, Mazda, Ford… cũng đang giảm giá bán thông qua các chương trình ưu đãi.
Trong khi đó, để thu hút khách hàng, cạnh tranh xe lắp ráp… ô tô nhập khẩu không còn cách nào khác ngoài việc giảm giá bán thông qua các chương trình ưu đãi, hỗ trợ lệ phí trước bạ từ phía nhà phân phối.
Thực tế trong những tháng qua, lượng xe nhập khẩu đang có xu hướng sụt giảm. Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 6.2020 chỉ có 3.552 ô tô nhập khẩu về Việt Nam giảm mạnh 27%, tương ứng 1.314 xe so với tháng 5.2020. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam sụt giảm. Cộng dồn cả 6 tháng đầu năm, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu các loại đạt 40.288 chiếc, giảm 45,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống chỉ đạt 30.605 xe, giảm tới 44,2%.

Nhiều mẫu mã ô tô nhập khẩu đang nỗ lực giảm giá để cạnh tranh

Ảnh: Trần Hoàng

Trong khi đó, dù cùng chịu ảnh hưởng khiến doanh số bán sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tình hình kinh doanh ô tô lắp ráp trong nước vẫn có vẻ khả quan hơn xe nhập. Cụ thể, theo số liệu từ Hiệp Hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán ô tô nhập khẩu đã giảm tới 21%.
Với việc nhiều mẫu mã ô tô vốn bán chạy đang chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp, kết hợp chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ… Ô tô lắp ráp trong nước đang nắm nhiều lợi thế để “thừa thắng xông lên” cạnh tranh với xe nhập khẩu. Theo dự báo của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm ô tô lắp ráp trong nước sẽ tiếp tục áp đảo về số lượng bán hàng so với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.