Một chiếc Hyundai Grand i10 sedan hay còn gọi là Hyundai Xcent tại Ấn Độ có giá từ 8.300 USD, tương đương 192 triệu đồng. Khi được lắp ráp tại Việt Nam, mẫu xe này đến tay khách hàng với giá thấp nhất là… 350 triệu đồng.
Honda Brio sản xuất tại Indonesia chỉ có giá từ 140 - 191 triệu rupiah, tương đương 228 - 311 triệu đồng. Khi về Việt Nam theo diện ô tô hưởng thuế nhập khẩu 0%, mỗi chiếc Brio cùng thông số kỹ thuật, trang bị, máy móc… tương tự ở Indonesia nhưng giá bán lên tới… 418 - 452 triệu đồng.
|
Tại những quốc gia như Ấn Độ, Indonesia hay Malaysia… chiếc ô tô có giá thấp nhất chỉ vào khoảng 120 - 160 triệu đồng. Trong khi tại Việt Nam, KIA Morning có giá bán “sát sàn” cũng đã lên tới 299 triệu đồng.
Tròn hai năm kể từ khi thuế nhập khẩu ô tô từ các quốc gia trong khu vực ASEAN giảm về 0%, ô tô thương hiệu Việt xuất hiện… người Việt vẫn phải mua ô tô với mức giá cao hơn gấp nhiều lần so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Thực tế này cho thấy, ô tô giá rẻ vẫn như một giấc mơ. Có lúc, tưởng chừng đã ở rất gần nhưng đến nay vẫn xa vời với người dân Việt Nam.
|
Hy vọng mong manh…
Nói như vậy để thấy rằng, đã từng có thời điểm ô tô giá rẻ không phải là niềm hy vọng hoàn toàn viễn vong tại Việt Nam.
Hai năm trước, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước trong khu vực Đông Nam Á vào Việt Nam chính thức giảm về mức 0% theo nội dung Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã mở ra hy vọng với người dân Việt Nam. Từ ngày 1.1.2018 ô tô sản xuất ở các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á đạt tỉ lệ nội địa hóa nội khối theo quy định (trên 40%), sẽ trở thành mặt hàng “miễn thuế” nhập khẩu khi vào Việt Nam.
|
Với danh mục sản phẩm ô tô đang có ở Việt Nam, theo thống kê sẽ có không dưới 20 mẫu xe từ ASEAN đáp ứng tỉ lệ nội địa hóa nội khối theo quy định để được hưởng ưu đãi thuế. Cùng thời điểm đó, Chính phủ cũng ban hành chính sách giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô về 0% cho DN lắp ráp ô tô trong nước, đáp ứng đủ điều kiện sản lượng theo quy định của Nghị định 125/2017.
Tiếp đó, sự xuất hiện của thương hiệu ô tô Việt Nam - VinFast càng cũng cố niềm tin cho giấc mơ sở hữu ô tô giá rẻ của người Việt. Bởi chẳng nhìn đâu xa, tại Malaysia - một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Sự xuất hiện của những thương hiệu ô tô nội địa như Proton, Perodua... đã mang đến cho người dân Malaysia cơ hội sở hữu ô tô với những mẫu xe cỡ nhỏ, có mức giá chỉ từ 23.000 ringgit, tương đương khoảng 130 triệu đồng. Tỉ lệ sở hữu ô tô ở Malaysia trong giai đoạn 2012 - 2016 tăng lên mức 341 xe/1.000 dân theo số liệu công bố từ công ty tư vấn chiến lược Solidiance. Proton, Perodua cũng nhanh chóng trở thành hãng ô tô có doanh số dẫn đầu thị trường Malaysia…
|
Thuế nhập khẩu ô tô giảm, xe lắp ráp trong nước đứng trước nhiều ưu đãi cùng với việc xuất hiện ô tô thương hiệu Việt… Một viễn cảnh tươi sáng dần mở ra. Sau hàng chục năm chờ đợi, cơ hội sắm xe hơi giá rẻ của người Việt chưa bao giờ gần đến thế.
Giấc mơ… không thành
Tuy nhiên, thực tế diễn ra trên thị trường hoàn toàn “không như là mơ”. Ngay cả khi thuế nhập khẩu ô tô từ các quốc gia trong khu vực ASEAN giảm về 0%, ô tô thương hiệu Việt xuất hiện… người Việt vẫn phải mua ô tô với mức giá cao hơn gấp nhiều lần so với các nước trên thế giới.
|
Nghị định 116 với những quy định mới về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô được triển khai cùng thời điểm miễn thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN vào Việt Nam khiến nhiều DN gặp không ít khó khăn trong thời gian đầu.
Suốt giai đoạn cuối năm 2018 đến hai tháng đầu năm 2019, một số mẫu mã ô tô nhập khẩu luôn trong tình trạng khan hàng. Cầu vượt cung cũng khiến giá xe nhập khẩu không những không giảm như kỳ vọng mà còn đội lên hành chục triệu đồng. Thậm chí, đến thời điểm ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam, áp lực nguồn cung dần được cân bằng so với nhu cầu thị trường… giá ô tô hưởng thuế nhập khẩu 0% tại Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực.
|
Trong khi đó, quy định giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô về 0% cho DN lắp ráp ô tô trong nước theo Nghị định 125/2017 được áp dụng nhưng số lượng DN, mẫu mã ô tô đạt sản lượng để được hưởng chính sách này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Các DN lắp ráp ô tô trong nước cho rằng, chi phí sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam vẫn cao hơn từ 15 - 20% so với các nước trong khu vực. Đây chính là lý do khiến xe nhập từ Thái Lan, Indonesia đang “bao sân” thị trường ô tô hạng trung tại Việt Nam.
Sự xuất hiện của những mẫu ô tô mang thương hiệu Việt Nam - VinFast, đặc biệt là mẫu xe cỡ nhỏ Fadil… dường như vẫn chưa thể biến giấc mơ “ô tô giá rẻ” của người Việt trở thành hiện thực. Mức giá của 395 - 429 triệu đồng mà VinFast áp dụng cho các phiên bản Fadil nhìn chung vẫn cao hơn các mẫu xe cỡ nhỏ cùng phân khúc như KIA Morning hay Hyundai Grand i10. Trong khi đó, hai mẫu VinFast Lux định vị ở phân khúc cao cấp hơn có giá lên đến 1 tỉ đồng.
|
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm Triển lãm ô tô Việt Nam, đại diện VinFast cho biết: “Với chính sách thuế, phí áp dụng với ô tô hiện nay, giá ô tô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam không thể giảm sâu hơn”. Thậm chí, giá bán xe của hãng đang chịu lỗ gần 300 triệu đồng cho mỗi chiếc Lux A2.0.
Thuế, phí chính là một trong những lý do khiến giá ô tô tại Việt Nam vẫn đang ở mức cao hơn gấp nhiều lần so với các nước trên thế giới. Hiện tại, mỗi chiếc ô tô đến tay người tiêu dùng Việt Nam đang phải “cõng” hơn 10 loại thuế, phí. Chỉ tính riêng 3 khoản thuế, (gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) đã chiếm từ 40 - 55% giá bán các mẫu xe có dung tích xi lanh từ 3.0 lít trở xuống. Đó là chưa kể, để lăn bánh tại Việt Nam, mỗi chiếc ô tô phải gánh thêm 10 - 12% lệ phí trước bạ và các loại phí khác. Bên cạnh đó, chính sách đối với ngành ô tô liên tục thay đổi, thiếu sự ổn định chính là lý do khiến nghành công nghiệp ô tô trong nước chậm phát triển.
|
Trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa thực sự lớn mạnh, giá bán ô tô trong nước vẫn phải gánh theo nhiều loại thuế, phí… Ô tô giá rẻ xem ra vẫn là giấc mơ xa vời đối với người Việt.
Bình luận (0)