Những thay đổi từ chính sách đang mở ra cơ hội giúp ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước gia tăng lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu, đặc biệt là các mẫu mã ô tô từ Đông Nam Á hưởng thuế nhập khẩu 0% khi vào Việt Nam.
Sau khi hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết năm 2020, theo nội dung Nghị định 70/2020. Ô tô “nội” đang đứng trước cơ hội giảm giá, khi thời điểm áp dụng thuế suất nhập thuế khẩu 0% đối với nhiều loại linh kiện để sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đang đến gần.
|
Theo đó, Nghị định 57/2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 10.7 với nội dụng sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122 ngày 1.9.2016 và Nghị định số 125 ngày 16.11.2017, sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước được hưởng lợi.
VIDEO: Giảm thuế nhập linh kiện, người Việt có thêm cơ hội mua ô tô giá rẻ
|
Cụ thể, Nghị định 57/2020 đã bổ sung Điều 7b về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn 2020 - 2024. Như vậy, từ ngày 10.7 tới đây, thuế nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu, vật tư, linh kiện dành để lắp ráp ô tô mà trong nước chưa sản xuất được sẽ giảm về mức 0%.
Đối tượng áp dụng bao gồm các DN sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô; các DN sản xuất, lắp ráp ô tô tự sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô.
|
Tuy nhiên, để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện lắp ráp ô tô mà trong nước chưa sản xuất được, các DN phải đáp ứng đủ các điều kiện như: Có hợp đồng mua bán sản phẩm CNHT ô tô với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công Thương cấp. Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nêu rõ mục tiêu dự án hoặc ngành nghề kinh doanh trong đó có sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác. Có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở sản xuất, gia công (lắp ráp) và máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất, gia công (lắp ráp) trên lãnh thổ Việt Nam.
|
Với các DN lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước, để được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu linh kiện các doanh nghiệp lắp ráp ô tô phải đáp ứng tiêu chí về sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu. Cụ thể, theo quy định mới DN lắp ráp ô tô trong nước phải đạt sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu lần lượt là 6.500 xe và 2.600 xe mỗi 6 tháng trong năm 2020, giảm 35% so với trước (10.000 và 4.000 xe) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19. Đối với các năm tiếp theo, doanh nghiệp có thể lựa chọn đăng ký theo tiêu chí sản lượng chung hoặc riêng cho mẫu xe và tiêu chí sản lượng quay về mức cũ.
Với quy định này, ngoài những doanh nghiệp đã đạt được chỉ tiêu sản lượng như Toyota Việt Nam, Trường Hải, TC Motor... sẽ có thêm các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô có sản lượng sản xuất thấp hơn cũng được hưởng ưu đãi thuế 0% khi nhập khẩu linh kiện.
|
Hiện tại, nhiều mẫu mã ô tô trước đây vốn được nhập khẩu đã được các DN chuyển sang lắp ráp trong nước nhằm đạt quy định về sản lượng để hưởng ưu đãi thuế 0% khi nhập khẩu linh kiện. Trong đó, Toyota đã lắp ráp trở lại mẫu SUV 7 chỗ - Fortuner. Bản nâng cấp của Honda CR-V thế hệ thứ 5 cũng đã được Honda Việt Nam lắp ráp và sẽ ra mắt vào cuối tháng 7.2020. Mitsubishi Việt Nam cũng đang chuẩn bị dây chuyền sản xuất để lắp ráp mẫu MPV bán chạy nhất của hãng – Xpander.
Trước đó, theo tính toán của các chuyên gia trong nghành, chi phí sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam vẫn cao hơn khoảng 15 - 20% so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tỉ lệ nội địa hóa một số mẫu xe ô tô du lịch dưới 9 chỗ tại Việt Nam cũng chỉ đạt mức từ 20 - 45%. Việc miễn thuế nhập khẩu đối với nhiều mẫu mã vật tư, linh kiện… về lâu dài sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, qua đó giúp ô tô lắp ráp trong nước cạnh tranh với các mẫu mã xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Bình luận (0)