Những vụ tai nạn liên hoàn nghiêm trọng do nhiều xe không giữ khoảng cách an toàn đúng chuẩn diễn ra thường xuyên dường như vẫn chưa đủ sức nặng để cảnh tỉnh cho nhiều tài xế Việt.
>> Vụ tai nạn của Nissan Navara và bài học cho tài xế Việt
>> Tài xế Việt đầy thói quen xấu, đường phố khi nào văn minh?
>> Từ vụ tai nạn Mercedes, luận bàn chuyện an toàn xe hơi Việt
Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, nhất là tai nạn liên hoàn xuất phát từ việc lái xe không giữ khoảng cách an toàn với xe trước. Do chạy nối đuôi nhau quá gần, một khi xảy ra tình huống bất ngờ như xe trước phanh gấp, rẻ hay gặp va chạm… sẽ không có đủ thời gian để đưa ra phản ứng kịp thời, cũng không đủ quãng đường để phanh an toàn và dừng xe lại, tai nạn xảy ra là điều không thể tránh khỏi.
Những vụ tai nạn liên hoàn do không giữ khoảng cách an toàn diễn ra thường xuyên - Ảnh: Lê Tân
|
Ví dụ mới ngày 28.8 vừa qua, một vụ tai nạn liên hoàn đã xảy ra tại Km 14+400 trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chiếc Toyota Fortuner đang lưu thông thì mất lái dẫn đến va chạm với Toyota Camry và Toyota Corolla Altis, làm cả 3 xe hư hỏng nặng phần đầu lẫn đuôi, rất may không có thương vong về người. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn ban đầu xác định là do lái xe không giữ khoảng cách an toàn. Nếu theo dõi thường xuyên thông tin về giao thông, nhưng trường hợp tương tự như trên diễn ra liên tục, đặc biệt trên đường quốc lộ và cao tốc.
Quy định về giữ khoảng cách an toàn
Tại Điều 12 thông tư 91/2015/TT-BGTVT về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.3.2016, khoảng cách an toàn giữa hai xe được quy định cho các loại đường được quy định như sau:
• Đối với mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn ứng với mỗi mức tốc độ:
Tốc độ lưu hành (km/giờ)
|
Khoảng cách an toàn (m)
|
60
|
35
|
Trên 60 đến 80
|
55
|
Trên 80 đến 100
|
70
|
Trên 100 đến 120
|
100
|
• Nếu trời mưa, sương mù, đường trơn trượt, quanh co đèo dốc, người lái tự chủ động điều chỉnh khoảng cách lái xe an toàn phù hợp với xe chạy liền trước, và phải lớn hơn khoảng cách an toàn tối thiểu ghi trên biển báo hoặc quy định như bảng trên.
• Trong trường hợp điều khiển phương tiện chạy ở tốc độ dưới 60 km/giờ, trong khu vực đô thị, đông dân cư, người lái xe chủ động giữ khoảng cách phù hợp với xe liền trước sao cho an toàn nhất, khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện và tình hình giao thông thực tế.
Xử phạt hành vi điều khiển phương tiện không giữ khoảng cách an toàn
Hành vi vi phạm không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ, cụ thể:
• Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự có hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” trừ việc thực hiện hành vi vi phạm này trên đường cao tốc thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
• Trường hợp người điều khiển xe không tuân thủ quy định ghi trên biển báo hiệu về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Ngoài ra, nếu việc thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên gây tai nạn giao thông có người khác thì người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
• Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liến trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” thì bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng.
Nguyên tắc lái xe giữ khoảng cách an toàn
Dù lái xe có thành thạo đến đâu, thì việc giữ khoảng cách an toàn vẫn đặc biệt quan trọng, có như thế mới chủ động trong mọi tình huống, bình tĩnh xử lý một cách an toàn. Trong luật cũng đã quy định rõ về khoảng cách tối thiểu mà các xe cần giữ, nhưng khi di chuyển trong thực tế, người thiếu kinh nghiệm sẽ khó xác định đúng. Muốn biết khoảng cách giữa xe mình và xe trước có đảm bảo an toàn hay không, hãy nắm vững và áp dụng “quy tắc 2 giây”.
Nguyên tắc 2 giây được khá nhiều tài xế áp dụng
|
Nhìn vào xe phía trước đi tới một điểm cố định bên lề đường (cột điện, biển báo, cây xanh…), hãy đếm nhẩm “một-không-không-một”, “một-không-không-hai” (1-0-0-1, 1-0-0-2), nếu đọc xong mà xe chạy chưa tới hoặc vừa tới điểm mốc đó thì hai xe đang giữ khoảng cách an toàn. Tùy vào điều kiện đường xá và thời tiết, có thể nâng lên thành 3 hoặc 4 giây (đếm 1-0-0-1, 1-0-0-2, 1-0-0-3,…). Đặc biệt khi chạy xe lúc trời mưa, sương mù, ban đêm, khoảng cách nên giữ giữa hai xe cần phải đếm từ 3 giây trở lên, bởi lúc này khó ước lượng được khoảng cách và phát hiện nguy hiểm.
Điểm mấu chốt là tốc độ đọc vừa phải, sao cho đọc xong 1 cụm chữ số sẽ mất khoảng 1 giây, 2 cụm 2 giây. Hãy làm thử vài lần rồi so với đồng hồ để điều chỉnh tốc độ đếm, khi thành thói quen sẽ thực hiện chuẩn xác hơn, khi đó dù nhẩm đếm cũng không mất tập trung hay sao nhãng quan sát đường và điều khiển xe. Ngoài ra, người lái xe cũng nên chú ý giữ khoảng cách với xe phía sau, tuy việc đó không phải lúc nào cũng chủ động được. Nếu thấy xe sau đi quá gần, mà phía trước còn đủ rộng và tốc độ cho phép thì có thể đi nhanh hơn để giãn khoảng cách giữa hai xe. Nếu xe đó vẫn tiếp tục bám sát thì tốt nhất nên đi chậm lại và nhường đường để họ vượt hẳn lên.
Thế nhưng, nguyên tắc này khó có thể ứng dụng trên đường đô thị, bởi mật độ giao thông lớn, chỉ cần để lộ khoảng trống là xe khác đã chen vào, cự ly giữa hai xe thậm chí xuống còn 0,5 m. Trong tình trạng này, không nên ứng dụng cứng nhắc, mà phải linh hoạt và tập trung để làm chủ tay lái, sẵn sàng phản ứng với mọi trường hợp. Nói tóm lại, tình huống giao thông tại Việt Nam thì vô cùng phong phú, nguyên tắc nào cũng chỉ có tác dụng trong một số hoàn cảnh nhất định, kiến thức xử lý chỉ có thể tích lũy dần dần.
Bình luận (0)