Xem "Chuyện của Pao": Ngôi nhà đá có ô cửa nhỏ và vạt hoa cải vàng

17/08/2006 20:05 GMT+7

Dần xa, dần xa, cánh diều tuổi thơ đã bay vút vào khung trời xanh thẳm và mãi mãi chẳng quay về… Thế nhưng, một phần ký ức của tuổi thơ về quyển tiểu thuyết đồng hành cùng mình trong những năm tháng cô độc chợt ùa về khi nhìn thấy những ánh đuốc thắp sáng đêm đen miền núi trong Chuyện của Pao.

Chợt như nhìn thấy ông già người dân tộc hiền hậu nào ngày xưa đã cưu mang hai con bé người Kinh lạc bước trong tiểu thuyết ấy. Chợt nghĩ rằng hình như nhà quay phim Cordelia Beresford với tuổi thơ tôi có một mối giao cảm lạ lùng.

***

Kìa là mảnh vườn chênh vênh trên sườn núi có vạt hoa cải vàng và những cánh bướm mỏng manh trong gió. Kìa là ngôi nhà đá nhỏ có ô cửa cũng nhỏ xíu. Nơi đó, trong truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ đá của Đỗ Bích Thúy, người đọc thấm cả nỗi niềm của những thân phận phụ nữ, của khát vọng tình yêu trong sâu thẳm. Dang dở mà buồn.

Có bóng dáng cô Mỵ nào trong chiều cổ tích xa xôi ngồi quay sợi bên đống lửa buồn mà hát khúc ca tìm người yêu rằng:

Ngày 18/8/2006, Chuyện của Pao được công chiếu tại TP.HCM.
- Đạo diễn, kịch bản : Ngô Quang Hải
- Diễn viên: Đỗ Hải Yến, Nguyễn Như Quỳnh, Ngô Thế Quân...
- Hãng sản xuất: Phim truyện I
- Thể loại: Tâm lí
- Giải thưởng: Cánh Diều Vàng 2005
* Dự tranh tài lại liên hoan phim quốc tế Montreal, Canada hạng mục Phim đầu tay gồm 24 phim của 19 nước.

Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu…
Hát rằng:
Anh ném pao em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi…

Có không gian miền núi nào với những trang phục đặc trưng của người dân tộc. Là màu chàm, màu xám, màu đen khi lên nương rẫy, là những sắc màu tươi vui trong phiên chợ tình…

Tiếng sáo gọi bạn tình nào dặt dìu để cô Pao  biết chạy theo tình yêu và quyết tâm đến khác thường để sống cho tình yêu. Lòng tự giả sử rằng, giá đạo diễn để cô Pao mỏng manh kia cứ đau đớn với mối tình dang dở thì hóa lại day dứt hơn nhiều chứ không phải là cái "kết cục tươi vui" kia.

Thương nhất trong phim phải là mẹ Sim vì dẫu sao mẹ già cũng thấy an ủi. Mẹ già được chăm lo hai đứa con. Mẹ già được bình yên quãng đời cuối khi sống bên người mà mẹ già yêu thương.

Còn mẹ Sim? Chút hạnh phúc muộn mằn cũng chẳng có được. Mẹ Sim yêu người ấy hay yêu bố Pao? Chẳng ai biết được. Chỉ thấy cái dáng thất thểu ấy sao mà tội, cái hành động chăm sóc người đang lay lắt như đèn treo trước gió ấy sao mà cảm động quá đi thôi. Không hiểu sao, tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi ánh mắt của mẹ Sim. Ánh mắt nhẫn nhịn, cam chịu. Ánh mắt của người phụ nữ bước ra từ truyền thuyết năm mươi con xuống biển năm mươi con lên non ngàn xưa. Ánh mắt đau bởi hoàn cảnh sao mà cay nghiệt thế? Mẹ Sim mới là người đáng thương nhất trong câu chuyện này. Nhìn cái dáng liêu xiêu khắc khoải từng bước chân rời khỏi nhà mà xem? Thương lắm, thương lắm một thân phận con người!

Bỏ qua sự lỏng lẻo trong cấu trúc, bỏ qua sự rườm rà trong chi tiết, bỏ qua phần xen thêm phóng sự người thật việc thật vào cuối phim vô duyên kỳ cục, bỏ qua cái giọng Kinh chua the thé của Hải Yến, bỏ qua nét duyên dáng kinh kỳ trong nhan sắc cô diễn viên này… Chuyện của Pao vẫn còn lại một vẻ đẹp đến nao lòng…

Rời khỏi rạp rồi, ngôi nhà nhỏ có vạt cải vàng vẫn còn ám ảnh mãi. Một ngôi nhà, mấy số phận và nỗi niềm chất chứa. Có thể, Pao sẽ có hạnh phúc với người cô yêu. Có thể, rồi đây những ký ức về ngôi nhà đá có ô cửa nhỏ sẽ chìm vào quá khứ, sẽ chỉ là quá vãng. Nhưng trong giấc mơ của cô, giấc mơ có vạt hoa cải vàng vẫn còn chập chờn.

***

Xem phim, vẫn tiếc, vẫn trách cho đạo diễn kiêm tác giả kịch bản Ngô Quang Hải, một câu chuyện đẹp đến thế sao không làm cho sâu thêm nữa, đau thêm nữa, lắng thêm nữa để khán giả còn có cơ hội mà dõi lòng cùng những mảnh đời kia. Giá như nhà làm phim chịu tạo điểm nhấn, cho câu chuyện liền lạc. Giá như họ chịu khó lồng tiếng của một cô gái người H’Mông nào đó, lờ lợ hơn. Giá như họ chịu để cho các nhân vật đối thoại với nhau nhiều hơn. Giá như Hải Yến bớt ngúng nguẩy kinh kỳ đi; ánh mắt của nghệ sĩ Như Quỳnh trong vai mẹ già đừng sắc như thế; những cảm xúc và nỗi đau của mẹ Sim được chú tâm hơn nữa bằng những khung hình đặc tả. Giá như và giá như…

Trách là trách thế thôi nhưng có Chuyện của Pao, khán giả Việt có thể có chút tự hào về một không gian miền núi đẹp như mơ trong những khung hình, vẫn bâng khuâng khi rời rạp bởi trái tim ta hơn một lần rung cảm với nỗi buồn trong veo trong ấy.

Vinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.