100 năm Đông Kinh nghĩa thục

03/04/2008 22:16 GMT+7

(TNO) Nằm trong phong trào Duy Tân diễn ra tại nước ta vào đầu thế kỷ XX, Đông Kinh nghĩa thục cho đến nay đã trải qua một trăm lẻ một năm tuổi. Năm 2007 vừa qua, nhân kỷ niệm 100 năm ngày ra đời, hàng loạt hội thảo khoa học đã được tổ chức nhằm đem đến những hiểu biết sâu về sự kiện và giai đoạn lịch sử quan trọng này của đất nước.

Tập sách 100 năm Đông Kinh nghĩa thục vừa được NXB Tri Thức ấn hành chính là thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học hàng đầu của nước ta về vấn đề trên, đó là một số tham luận đã được trình bày và thảo luận trong những cuộc hội thảo.

Với những học giả tên tuổi như Hoàng Như Mai, Vũ Khiêu, Phong Lê, Trần Hữu Tá, Chương Thâu... tập sách đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về sự kiện có thể được xem "là một cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa tiến hành bằng phương tiện giáo dục" (Hoàng Như Mai).

Tuy ra đời và tồn tại trong một thời gian ngắn (tháng 3 - 12.1907), nhưng Đông Kinh nghĩa thục cũng kịp ghi lại dấu ấn đáng tự hào của mình trong giai đoạn giao thời của lịch sử Việt Nam; khi ấy những phong trào yêu nước đều gặp bế tắc do đứng trên quan điểm của hệ ý thức phong kiến, và Đông Kinh nghĩa thục đã vượt qua hình thức là một trường học tư thục để trở thành một phong trào truyền bá tư tưởng, tri thức sâu rộng.

Với sự lãnh đạo của Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Phan Châu Trinh và sự góp sức của những trí thức nổi tiếng đương thời, Đông Kinh nghĩa thục đã đem đến một luồng sinh khí mới cho sự phát triển của tư tưởng Việt Nam đầu thế kỷ XX. Chính từ đó, những triết gia khai sáng vĩ đại với tư tưởng dân chủ, khoa học như Voltaire, Montesquieu, Diderot, Rousseau... đã được phổ biến tại nước ta, đặt nền cho những biến động lịch sử to lớn sau này...

D.B

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.