6 bộ phim với chủ đề Crazy in Love (Điên vì yêu) đã được trình chiếu tại một câu lạc bộ điện ảnh mới ở TP.HCM. Hãy tưởng tượng giữa không khí thoáng mát của trời đêm Sài thành, với tầm nhìn từ trên cao nhìn xuống một con phố lấp lánh ánh đèn ngay trung tâm Q.1, xem những bộ phim tình yêu ở không gian này mang lại một cảm giác mới mẻ và đầy cảm hứng...
Xem những bộ phim tình yêu ở không gian trên cao mang lại một trải nghiệm đầy mới mẻ |
Mô hình những câu lạc bộ điện ảnh trình chiếu các bộ phim nghệ thuật trên các nóc nhà (rooftop cinema) khá phổ biến trên thế giới. Không quá cầu kỳ bài bản về kỹ thuật hay âm thanh như các rạp chiếu phim thương mại, những rạp chiếu phim trên các nóc nhà được ra đời từ những người đam mê điện ảnh và muốn thưởng thức các bộ phim trong một không gian hoàn toàn khác biệt. Lấy cảm hứng từ mô hình các bãi chiếu phim ngoài trời thời các cụm rạp cineplex chưa phát triển, rooftop cinema mang đến một không khí xem phim vừa đậm màu hoài cổ vừa lãng mạn. Có lẽ vì thế mà trong tuần khai trương, câu lạc bộ điện ảnh Bk6 Rooftop Cinema trên lầu 6 của một tòa nhà ở trung tâm Q.1 đã trình chiếu 6 bộ phim về đề tài tình yêu. Điểm khác biệt, đó là những câu chuyện tình yêu cuồng nhiệt, thậm chí là rồ dại thường chỉ thấy ở những người trẻ tuổi.
Betty blue (tên gốc tiếng Pháp là 37°2 le matin - 37) của đạo diễn Jean-Jacques Beineix từng là hiện tượng của điện ảnh Pháp lúc nó ra đời cách đây gần 30 năm: Thu hút hơn 3 triệu lượt người xem ở Pháp và chinh phục khán giả trẻ nhiều nước trên thế giới, trong đó có khán giả Mỹ và giành được đề cử Oscar cho phim nước ngoài hay nhất.
Bộ phim mở đầu với những cảnh bạo liệt giữa Zorg và Betty. Zorg là một nhà văn thất bại với những bản thảo nằm trong ngăn kéo. Anh kiếm sống bằng nghề lao động chân tay ở một khu bungalow tại một thành phố biển miền Nam nước Pháp. Betty là một cô gái với vẻ đẹp hoang dã và nồng nhiệt. Cuộc sống của họ dường như là những cuộc ái ân bất tận. Nhưng rồi không chịu nổi cuộc sống nhàm chán và công việc nhàm tẻ của Zorg, đặc biệt khi phát hiện ra bản thảo viết tay cuốn tiểu thuyết dang dở của anh mà cô cho là tác phẩm của một thiên tài, sau một cơn bốc đồng, Betty đốt căn bungalow mà Zorg ở thuê rồi cả hai kéo nhau lên Paris, tá túc trong một khách sạn ngoại ô của một người bạn. Câu chuyện cứ tiếp diễn trên màn ảnh với những điều ta không ngờ đến, đặc biệt là những hành động bốc đồng và đôi lúc cuồng loạn của Betty. Zorg, trong cơn say đắm tình yêu với cô gái rồ dại này, để mặc cô dẫn dắt cảm xúc của mình. Câu chuyện tình yêu này để lại một cái kết khiến ta lặng người, nhưng đồng thời cũng đem đến cho khán giả những cảm xúc mãnh liệt, dù xem nó sau hơn 30 năm. Những câu chuyện tình yêu như Betty blue dường như ngày càng vắng bóng trên màn ảnh.
Rooftop cinema mang đến một không khí xem phim vừa đậm màu hoài cổ vừa lãng mạn
|
Cũng như Betty blue, Sex and Lucia (tên gốc Lucia yel Sexo) là một bộ phim lãng mạn của Tây Ban Nha ra mắt năm 2001 với những cơn say đắm bất tận trong tình yêu tuổi trẻ và những tổn thất lớn về tâm hồn sau một cuộc tình tan vỡ. Bộ phim với bối cảnh chính là một hòn đảo ngoài khơi Địa Trung Hải tuyệt đẹp. Lucia, một cô hầu bàn trẻ làm việc trong một nhà hàng ở Madrid, sau cái chết của người bạn trai lâu năm đã rời bỏ thành phố để đến hòn đảo xa lạ tìm sự nương náu cho tâm hồn, để rồi cô khám phá ra những đam mê mãnh liệt lẫn những mặt tối trong mối quan hệ đã qua...
Trong khi đó, Vicky Cristina Barcelona lại diễn ra ở một thành phố du lịch nổi tiếng nhất của Tây Ban Nha. Vicky Cristina Barcelona cùng với Midnight in Paris là hai bộ phim thành công nhất trong các bộ phim có bối cảnh ở các thành phố du lịch nổi tiếng của châu Âu của đạo diễn Woody Allen. Đây đích thực là một bộ phim “điên vì yêu” với nghệ thuật tán tỉnh bậc thầy và các câu thoại trứ danh của đạo diễn kỳ cựu này. Thêm vào đó là sự diễn xuất rất ăn ý của bộ ba: Javier Bardem, Scarlett Johansson và Penelope Cruz. Dù nhiều khán giả đã xem bộ phim này, thậm chí hơn một lần, nhưng xem lại nó ở một không gian chiếu phim ngoài trời và trên nóc nhà của thành phố vẫn đem đến một cảm giác khác hẳn. Đôi khi chúng ta không lý giải được tình yêu, nhưng đôi khi tình yêu cũng không cần lý giải. Hay như câu thoại thú vị của tay sát gái Juan Antonio (do Javier Bardem đóng): “Tôi không biết cái tôi muốn. Tôi chỉ biết cái tôi không muốn!”.
Bộ phim cuối cùng trong tuần phim này là The perks of a being wallflower. Dù không hẳn là “điên vì yêu” khi đem so sánh với những tác phẩm ở trên, song với những người trẻ tuổi cô độc trong The perks of a being wallflower, tình yêu với họ đôi lúc là phương thuốc cho cuộc đời. Bộ phim do nhà văn Stephen Chbosky tự chuyển thể cuốn tiểu thuyết cùng tên rất thành công của mình và do chính ông đạo diễn (khá giống với trường hợp của nhà văn - đạo diễn Đài Loan Cửu Bá Đảo với You are the apple of my eye, dịch sang tiếng Việt là Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi). Cả hai bộ phim đều kể về tuổi trẻ, tình yêu và sự trưởng thành, nhưng nếu You are the apple of my eye trong trẻo hồn nhiên thì The perks of a being wallflower là chiếc máy nội soi rất tinh tế vào thế giới nội tâm cô độc và tổn thương của những người trẻ tuổi. Nhưng không ai khác, chính họ tự tìm thấy nhau, tự hàn gắn vết thương để trưởng thành. Tất nhiên, không có sự trưởng thành nào không chịu ít nhiều tổn thất, như câu thoại trong phim: “Mọi thứ đều thay đổi. Và những người bạn dần rời bỏ ta đi. Cuộc sống không dừng lại cho bất kỳ ai cả!”.
Cuộc sống không dừng lại cho bất kỳ ai cả. Và tình yêu cũng vậy.
Bình luận (0)