Bệnh nhân Nguyễn Thanh Tâm (sinh năm 1962, ngụ xã Mỹ Hội, H.Cao Lãnh, Đồng Tháp) có sỏi thận đến khám tại Bệnh viện (BV) Bình Dân (TP.HCM). Ngày 9.6, ông Tâm được chỉ định nhập viện để mổ lấy sỏi thận. Bác sĩ điều trị cho mổ bằng phương pháp lấy sỏi qua da vào ngày 15.6. Trong lúc mổ, bác sĩ đã làm thủng đại tràng bệnh nhân, đến ngày 28.6, bệnh nhân trở nặng và tử vong tại BV.
|
Người nhà ông Tâm là ông Nguyễn Đức Ngôn bức xúc khi phản ánh với PV Thanh Niên: “Bác sĩ mổ làm thủng đại tràng, buộc phải mổ lại lần nữa để giải quyết hậu quả, nhưng BV vẫn buộc bệnh nhân nộp tiền cho lần mổ này. Bác sĩ và lãnh đạo BV xem mạng sống của người bệnh thật rẻ rúng - mổ làm thủng ruột, bệnh nhân tử vong, nhưng không hề giải thích; không chia sẻ nỗi mất mát người thân của gia đình. Đến khi gia đình làm đơn phản ánh thì rất lâu sau đó, BV mới cử đại diện đến nhà thăm”.
Bác sĩ Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc BV Bình Dân, thừa nhận: “Bệnh nhân Tâm được bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng mổ bằng phương pháp mới “lấy sỏi qua da” vào ngày 15.6. Trong quá trình mổ có làm thủng một lỗ ở đại tràng xuống, lỗ thủng khoảng 1 cm. Các bác sĩ chuyển sang mổ hở, và có xử trí lỗ thủng bằng cách vá lại. Bệnh nhân được mổ lại lần hai hôm 21.6 để giải quyết biến chứng. Mấy ngày sau mổ, bệnh nhân tạm ổn. Nhưng rồi khoảng 3 giờ sáng 28.6, bệnh nhân trở nặng, suy tuần hoàn cấp, ê-kíp trực hồi sức cấp cứu nhưng không hiệu quả, bệnh nhân tử vong hơn 1 giờ sau đó”.
Bác sĩ Hùng lý giải: “Trong tất cả các kỹ thuật, kể cả tiêm chích cũng có thể xảy ra tai biến, cho dù bác sĩ có cẩn thận. Chúng tôi xử lý biến chứng như thế là phù hợp”. Chúng tôi đặt câu hỏi: “Về lý thuyết, tỷ lệ biến chứng có thể xảy ra đối với kỹ thuật mổ “lấy sỏi qua da” là bao nhiêu phần trăm; và bác sĩ có giải thích những nguy cơ cho người bệnh biết trước khi mổ?”, thì bác sĩ Hùng không trả lời được, mà nói để xem lại. Chúng tôi hỏi tiếp: “Ê -kíp cấp cứu có nghĩ đến việc bệnh nhân Tâm trở nặng và tử vong do nguyên nhân gì hay không?”, bác sĩ Hùng trả lời: “Diễn tiến trở nặng của bệnh nhân Tâm cấp thời có thể do biến chứng của ca mổ thủng đại tràng; hoặc có thể do vấn đề tim mạch có sẵn của người bệnh, điều này chưa rõ, vì không làm giải phẫu tử thi”. Tuy nhiên, trong một công văn trả lời gia đình bệnh nhân của BV Bình Dân do bác sĩ Nguyễn Chí Hùng ký có nêu: “Bệnh nhân tử vong đột ngột ngoài dự kiến. Căn cứ vào các dữ liệu và thông tin điều trị, bệnh nhân tử vong do sốc không hồi phục, nghĩ đến các nguyên nhân nhiễm trùng, suy thận, thiếu máu”. Theo các chuyên gia, “đại tràng xuống” chứa nhiều phân và vi trùng, do vậy, nếu làm thủng đại tràng xuống trong lúc mổ, phân và dịch sẽ xì ra ổ bụng khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng rất nguy hiểm.
Về việc gia đình bệnh nhân bức xúc: “Tại sao mổ lại lần hai để giải quyết hậu quả tai biến do bác sĩ gây ra nhưng buộc người bệnh phải đóng tiền?”, bác sĩ Hùng nói: “Chúng tôi ghi nhận phản ánh này từ phía gia đình. Chúng tôi sẽ gửi lại toàn bộ chi phí”. “Tại sao sau khi bệnh nhân tử vong, BV không giải thích, thăm hỏi gì, đợi đến khi gia đình phản ánh mới cử người đến thăm?”, bác sĩ Hùng nhìn nhận: “Chúng tôi xin lỗi gia đình, nhân viên chúng tôi chưa làm tốt công việc này”.
Bà Nguyễn Thị Ba (vợ bệnh nhân Nguyễn Thanh Tâm) nói: “Trước khi mổ, bác sĩ không giải thích gì; khi bệnh nhân chết, bác sĩ cũng không giải thích gì hết, trong lúc bối rối chúng tôi lo đưa người thân về chôn cất. Gia đình tôi làm nông, đâu đủ tiền để phẫu thuật chữa trị, ban đầu vợ chồng cứ nghĩ, mượn tiền mổ giải quyết cho dứt bệnh, anh Tâm về đi làm có tiền trả lại. Nhưng không ngờ mổ bị tai biến, phải mổ lần hai, tốn kém cho việc nằm viện, hai lần mổ gần 40 triệu đồng, nhưng cũng không qua khỏi. Tiếp tục vay mượn tiền làm mai táng cũng gần ngần ấy tiền nữa”. |
Thanh Tùng
Bình luận (0)