Xếp hàng nghe chuyện… vũ trụ

15/07/2016 08:05 GMT+7

Giới trẻ VN không hoàn toàn thờ ơ với khoa học cơ bản. Khi được nhen nhóm sẽ có đông người trẻ quan tâm.

Sự kiện Gặp gỡ VN vừa diễn ra ở Bình Định, hay sự tham dự nhiệt thành của hàng ngàn người trẻ trong các buổi nói chuyện của GS vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận ở TP.HCM đã minh chứng điều đó.
Không thờ ơ
Sáng 13.7, dù đến 9 giờ buổi gặp gỡ với GS Trịnh Xuân Thuận (ĐH Virginia, Mỹ) mới chính thức diễn ra, nhưng đông đảo sinh viên, học sinh các trường ĐH và THPT tại TP.HCM đã có mặt ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Hội trường gần 1.000 chỗ ngồi chật kín người, nhiều bạn trẻ dù phải đứng xếp hàng nguyên buổi nhưng vẫn rất háo hức.
Trước đó, tại Quy Nhơn, Hà Nội, Đường sách Nguyễn Văn Bình, Trung tâm sách Kim Đồng, Viện Trao đổi văn hóa Pháp tại TP.HCM, những buổi nói chuyện của GS Thuận cũng thu hút rất đông người với không khí nồng nhiệt. Chiếm đa số trong dòng người xếp hàng trật tự vào nghe các buổi nói chuyện hay chờ ký tặng sách là những người trẻ, thậm chí còn ở tuổi thiếu nhi.
Chủ đề của các buổi nói chuyện không hề “nhẹ nhàng” chút nào, như về số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó, nguồn gốc vũ trụ, con đường đến vũ trụ… nhưng sinh viên, học sinh vẫn say sưa lắng nghe và liên tục đặt câu hỏi.
Tuy đã giải đáp nhiều trăn trở của bạn trẻ về khoa học, định hướng nghiên cứu nhưng 2 giờ nói chuyện tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM của GS Thuận vẫn chưa làm thỏa mãn người tham dự. Hàng loạt cánh tay còn giơ lên muốn được đặt câu hỏi dù buổi nói chuyện đã kết thúc.
Nhưng vẫn ít lựa chọn
Rõ ràng, sự quan tâm của giới trẻ VN đến khoa học cơ bản là có nhưng tại sao chưa nhiều người theo đuổi?
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhìn nhận: “Thực tế VN có rất nhiều học sinh, sinh viên có đam mê và năng khiếu về lĩnh vực khoa học cơ bản, bằng chứng là chúng ta giành được nhiều giải thưởng cao trên thế giới. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế xã hội đang trong giai đoạn phát triển nên cơ hội việc làm và sự đãi ngộ dành cho người theo đuổi con đường này chưa thực sự thuyết phục họ”.
PGS-TS Dương Anh Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng có nhận định tương tự khi cho rằng việc tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản rất khó khăn. “Số lượng thí sinh theo học ngành này không cần nhiều nhưng cần có chính sách thu hút để chọn được những người giỏi theo học”.
Thực tế này cũng được chính người trẻ thừa nhận. Một sinh viên từng đỗ đầu trường y cho biết bản thân đam mê ngành vật lý nhưng cuối cùng phải lựa chọn ngành học khác. Lý do là thực hiện ước nguyện của gia đình, phần khác là lo lắng học ngành cơ bản ra trường không biết sẽ làm việc gì.
Một giảng viên Việt kiều tại Mỹ nhiều lần về VN tổ chức các chương trình học thuật, tiến sĩ Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ), cho rằng giới trẻ VN tương đối thực dụng khi lựa chọn theo đuổi khoa học cơ bản vì muốn tìm được cơ hội đi du học nước ngoài.
Cần đầu tư dài hạn
Dù truyền đam mê cho biết bao người trẻ VN về vật lý thiên văn, nhưng GS Trịnh Xuân Thuận vẫn thừa nhận các trường ĐH ở VN chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ để giảng dạy lĩnh vực này.
GS Thuận cho rằng muốn dạy tốt người thầy phải tham gia quá trình khảo cứu và có sự đầu tư của nhà nước về cơ sở vật chất. Nếu không có phòng thí nghiệm thì không có nơi để các nhà khoa học từng học ở nước ngoài về nước có thể tiếp tục nghiên cứu. Với những người ở VN, nếu mức lương chi trả quá thấp, những người theo đuổi ngành khoa học cơ bản không đủ nuôi sống gia đình thì bắt buộc họ phải làm thêm công việc khác để kiếm sống.
Trong điều kiện thực tế hiện nay, GS Thuận cho rằng các trường cần tập trung cho đào tạo cơ bản. Bởi nếu không có những định luật lý thuyết trong nghiên cứu cơ bản sẽ không có tiền đề cho việc áp dụng thực tiễn trong lĩnh vực thiên văn. “Các trường ĐH không thể tồn tại được nếu không có khoa học cơ bản. Đừng nghĩ bỏ ra một số tiền thì một vài năm sau phải có kết quả. Sự đầu tư này cần có tầm nhìn xa khoảng từ 10 - 20 năm mới đủ để nâng tầm khoa học cơ bản”, GS Thuận nhấn mạnh.
Còn PGS-TS Dương Anh Đức cho rằng khoa học cơ bản cần sự đầu tư dài hạn. Thực tế những nước phát triển mạnh đều đầu tư mạnh cho lĩnh vực này. Vì vậy, VN cần có sự đầu tư đúng nghĩa và dài hạn. Trong giáo dục, khoa học cơ bản cần sự đầu tư ưu tiên với mức tối thiểu như ngành sư phạm để thu hút người thực sự giỏi.
Hiểu được tầm quan trọng của khoa học cơ bản nên trong buổi lễ khai mạc hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” tại TP.Quy Nhơn, Bình Định ngày 7.7 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chính phủ VN luôn xuyên suốt quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng, cần được chú trọng đầu tư. Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư chiến lược, cho nền móng, cho tăng cường tiềm lực quốc gia. So với năm 2000, ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học cơ bản năm 2015 tăng gấp 10 lần”.
Đi từ sức hút cá nhân
PGS-TS Mai Thanh Phong, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng để thu hút giới trẻ thì quan trọng người truyền đạt kiến thức khoa học cơ bản phải có sức hút. Nó phụ thuộc vào nhân cách, thành tựu, tấm gương... của người truyền đạt.
GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN, đưa ra 3 nguyên nhân mà các buổi nói chuyện của GS Thuận thu hút giới trẻ: Thiên văn học vốn có sự hấp dẫn hơn các ngành khác. GS Thuận là một nhà văn, viết sách bằng tiếng Pháp, trước bầu trời xinh đẹp, kỳ lạ, hùng vĩ, cảm hứng văn học đã thôi thúc ông viết những thành tựu vật lý thiên văn với con mắt của một nhà văn. Tất cả các tác phẩm của ông đều dịch sang tiếng Việt, giúp rất nhiều người có thể tiếp cận.
Từ câu chuyện này, theo GS Dương Nguyên Vũ, Giám đốc Trung tâm xuất sắc John Von Neumann, giải pháp chính là đầu tư cho người thầy. Khi người thầy có kiến thức phong phú, truyền đạt hấp dẫn thì dần dần sẽ thu hút được nhiều bạn trẻ đi theo con đường khoa học cơ bản.
Thạc sĩ Phan Quang Ấn, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, hiện đang làm luận án tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Cork (Cộng hòa Ireland), nhận định trong ngành khoa học cơ bản, người truyền đạt là rất quan trọng.
Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.