Xét tuyển ĐH 2025: Những yếu tố quan trọng chọn ngành học

Hà Ánh
Hà Ánh
17/12/2024 09:55 GMT+7

Vào lúc 10 giờ hôm nay (17.12), Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến 'Chọn ngành học cho tương lai: Yếu tố quan trọng chọn ngành học'.

Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến 'Chọn ngành học cho tương lai: Yếu tố quan trọng chọn ngành học' diễn ra đồng thời ở các kênh: thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên.

Chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội, ra trường tìm được việc làm phù hợp và nuôi dưỡng những hoài bão của mình là mong muốn của tất cả học sinh sau khi hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông.

Xét tuyển ĐH 2025: Những yếu tố quan trọng chọn ngành học- Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024

ẢNH: NHẬT THỊNH

Năm 2025 là một năm khá đặc biệt với nhiều điểm mới thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. Bởi lẽ, đây là năm đầu tiên lứa học sinh chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tốt nghiệp THPT và bước vào giai đoạn xét tuyển ở bậc học cao hơn để chọn ngành học tương lai. Những thay đổi từ chương trình giáo dục phổ thông có dẫn đến sự khác biệt của học sinh trong lựa chọn ngành học học ĐH thời điểm này? Yếu tố quan trọng nhất trong lựa chọn ngành học với thí sinh trong năm tuyển sinh 2025 là gì? Làm sao để thí sinh biết được mình phù hợp với ngành nào, các bước chọn ngành cụ thể là gì?

Ngoài giải đáp các băn khoăn trên, từ kế hoạch tuyển sinh dự kiến năm 2025, chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH đưa ra lời khuyên cụ thể cho thí sinh tham gia xét tuyển năm nay. Cụ thể là việc chọn môn xét tuyển để phù hợp các ngành đào tạo.

Xét tuyển ĐH 2025: Những yếu tố quan trọng chọn ngành học- Ảnh 2.

Các chuyên gia tham dự chương trình tư vấn sáng nay

ảnh: lê thanh hải

Chương trình diễn ra từ 10-11 giờ, gồm các chuyên gia:

  • Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn;
  • Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM;
  • Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM;
  • Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Yếu tố quan trọng lựa chọn ngành học trong bối cảnh mới 

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, chia sẻ: ''Tôi nhớ cách đây 3 năm, đứng trước cột mốc tư vấn cho học sinh chọn tổ hợp vào lớp 10. Năm nay, học sinh chương trình giáo dục phổ thông 2018 có lứa đầu tiên tốt nghiệp THPT.

Xét tuyển ĐH 2025: Những yếu tố quan trọng chọn ngành học- Ảnh 3.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn

ảnh: lê thanh hải

Chắc chắn, việc lựa chọn ngành học sẽ có những khác biệt nhất định. Ngành học rất đa dạng phong phú, tính liên ngành rất lớn. Người học cần nhìn ngành học đó trong một tương lai rất rộng. Xu hướng các trường ĐH đều đào tạo theo hướng đa ngành, trong một trường đào tạo nhiều ngành ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện không còn khu biệt một trường đào tạo sâu một lĩnh vực cụ thể nữa.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, nêu quan điểm: ''Có sự khác biệt của học sinh trong lựa chọn ngành học năm nay. Hiện nay, ngay từ THCS học sinh đã phải có định hướng lựa chọn tổ hợp môn để phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau này. Cùng với đó, phụ huynh cũng đã phải tìm hiểu để định hướng nghề nghiệp cho con cái khi các em đang học lớp 8, 9. Ngay cả trường ĐH cũng có những thay đổi trong công tác hướng nghiệp, tư vấn hỗ trợ người học chọn được ngành học phù hợp trong bối cảnh nhiều thay đổi''.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhận định: ''Chắc chắn có sự thay đổi trong việc chọn ngành học của học sinh hiện nay nhưng theo hướng giúp học sinh có định hướng lựa chọn ngành nghề tốt hơn. Trong chương trình mới, môn học bắt buộc giảm đi và môn học tự chọn tăng lên, đặc biệt là các môn học mới. Do đó, học sinh có thể tự chọn nhiều môn học có thể giúp các bạn chủ động hơn trong việc lựa chọn ngành nghề. Cũng có thể thấy rằng, việc lựa chọn môn học có thể phản ánh việc các bạn phù hợp với bậc học nào sau khi tốt nghiệp THPT như học ĐH, học nghề''.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khuyên thí sinh: '' Sự điều chỉnh trong chương trình giáo dục phổ thông đòi hỏi học sinh cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Để lựa chọn một ngành học phù hợp trong năm tuyển sinh này, quan trọng nhất cần xác định được đâu là thế mạnh của mình. Nếu mình giỏi thường sẽ đi cùng với sự yêu thích và đam mê về lĩnh vực đó. Tuy nhiên, bạn cũng cần nắm bắt được xu thế thị trường lao động để xác định ngành học vừa phù hợp với bản thân vừa phù hợp với xu thế xã hội''.

Xét tuyển ĐH 2025: Những yếu tố quan trọng chọn ngành học- Ảnh 4.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM

ảnh: lê thanh hải

Học bổng, học phí và yếu tố chọn ngành học công nghệ

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi gửi đến chương trình:

- Bạn đọc Thanh Trọng Nguyên gửi câu hỏi: ''Năm 2025 Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có học bổng tuyển sinh không?''. Thạc sĩ Cao Quảng Tư thông tin: ''Năm 2025 Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn sẽ tiếp tục duy trì các chương trình học bổng thường niên''.

- Bạn đọc Phan Anh đặt câu hỏi: ''Yếu tố nào để theo học ngành công nghệ thông tin?''. Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích giải thích: ''Ngành công nghệ thông tin hiện đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn khi theo học trong bối cảnh kỷ nguyên số, còn gọi là kỷ nguyên công nghệ. Làm sao để theo đuổi được ngành nghề này, ngoài kiến thức nghề nghiệp được nhà trường trang bị, bản thân người học cần có sự thích ứng. Trước hết người học ngành này cần có nền tảng kiến thức về toán, tiếng Anh, yếu tố công nghệ. Tuy nhiên, quan trọng nhất để học ngành này chính là sự liên tục cập nhật kiến thức của bản thân người học''.

- Bạn đọc Đào Lê gửi thắc mắc: ''Ngành truyền thông đa phương tiện có cơ hội việc làm cao không?''. Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn giải đáp: ''Một tiêu chí quan trọng trong tuyển sinh của nhà trường chính là tỷ lệ việc làm sinh viên sau khi ra trường. Do đó, các trường ĐH có nhiều hoạt động hướng đến việc giải quyết, hỗ trợ việc làm cho sinh viên. Với người học, muốn có việc làm tốt thì yếu tố đầu tiên là buộc phải tìm được một ngành học thực sự phù hợp với bản thân. Riêng ngành truyền thông đa phương tiện, những người có sự sáng tạo, thích quay phim chụp hình, có khả năng viết lách… là những yêu cầu khởi điểm để cân nhắc lựa chọn ngành học này''.


Xét tuyển ĐH 2025: Những yếu tố quan trọng chọn ngành học- Ảnh 5.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

ảnh: lê thanh hải

Tiêu chí chọn ngành học phù hợp

Một bạn đọc đặt câu hỏi: ''Em rất thích công việc liên quan đến viết lách, cơ hội được ra ngoài nhiều. Nhưng em khá nhút nhát, hướng nội thì phù hợp với ngành học nào? Em nghĩ ngành quan hệ công chúng không phù hợp, còn truyền thông đa phương tiện thì có phù hợp không?''.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn giải đáp: ''Sinh viên có thể học một ngành nhưng ra trường có thể làm những vị trí công việc khác nhau. Người sáng tạo, thích viết lách, có khả năng sử dụng ngôn từ thuần thục lưu loát thì phù hợp với 2 ngành học này. Sự khác nhau ở chỗ, quan hệ công chúng hướng đến truyền tải thông điệp thông tin nhiều hơn, ngược lại truyền thông đa phương tiện thiên nhiều hơn về ứng dụng trong giải trí, truyền hình nhiều hơn. Trong trường ĐH, ngoài việc cung cấp kiến thức còn chú trọng phát triển kỹ năng cho người học''.

Xét tuyển ĐH 2025: Những yếu tố quan trọng chọn ngành học- Ảnh 6.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

ảnh: lê thanh hải

Một thí sinh gửi câu hỏi đến chương trình: ''Ngành tâm lý học có nhiều trường đào tạo, sự khác nhau ra sao, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp có cao không?''. Thạc sĩ Trương Quang Trị giải đáp: ''Ngành tâm lý học trước đây thường được gọi là ngành học ‘ngách’, ít người lựa chọn. Nhưng trong những năm gần đây, ngành học này được nhiều người trẻ quan tâm lựa chọn và nhiều trường ĐH tham gia đào tạo. Các trường đào tạo theo hướng khác nhau, ví dụ ngành tâm lý học của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo theo 2 hướng: tham vấn trị liệu, tham vấn quản trị nhân sự. Đây là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học, người làm công việc tham vấn trị liệu là một trong các vị trí việc làm của người học tâm lý học''.

Bạn đọc Hằng Lê gửi câu hỏi: ''Xu hướng của ngành kinh doanh thương mại trong tương lai như thế nào?''

Giải đáp thắc mắc này, thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, cho biết: ''Ngành kinh doanh thương mại thuộc nhóm ngành kinh doanh quản lý. Sau tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhiệm vị trí chuyên viên kinh doanh, chuyên viên thị trường, chuyên viên marketing, lập chiến lược và kế hoạch… trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế. Ngoài cung cấp kiến thức chuyên ngành, Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM hướng đến đào tạo người học có kỹ năng ngoại ngữ, khả năng thích ứng cao nhất. Đặc biệt từ năm 2025, sinh viên phải sử dụng được AI và có một học phần học tại nước ngoài''.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.