Mục tiêu chọn được người giỏi
|
|
|
Mục đích của chúng tôi khi xây dựng đề án là tạo ra một lực lượng làm nghiên cứu thực sự, bổ sung cho các lực lượng nghiên cứu
|
|
|
PGS-TS TRẦN VĂN TỚP - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
|
|
|
Bộ GD-ĐT đã ký quyết định phê duyệt đề án thí điểm đổi mới tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2016 - 2021. Theo đó, trường này được phép xét tuyển (thay vì phải thi như quy định hiện hành) đào tạo trình độ thạc sĩ.
Theo PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng nhà trường, mục tiêu của đề án là muốn tạo một nguồn lực làm nghiên cứu có chất lượng, hội nhập mô hình đào tạo quốc tế, chứ không phải là một cách để làm tăng số lượng học viên.
Tuy nhiên, việc xét tuyển chỉ thực hiện ở mức độ thí điểm, nghĩa là áp dụng với ứng viên thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu (tức thạc sĩ khoa học) và với các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ đã được triển khai đào tạo thạc sĩ từ 10 năm trở lên. Đặc biệt, phải tổ chức đào tạo tập trung tại trường, nghĩa là trong thời gian học thạc sĩ, học viên phải làm việc toàn bộ thời gian tại trường. Với những học viên giỏi, được làm việc với các thầy có đề tài, có chương trình nghiên cứu thì các thầy còn có thể hỗ trợ kinh phí cho học viên yên tâm làm việc trong suốt thời gian được đào tạo thạc sĩ.
Ứng viên được xét tuyển phải đáp ứng các điều kiện như tốt nghiệp ĐH đạt loại khá trở lên không quá 3 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển, ngành đào tạo ĐH đúng với ngành ở trình độ thạc sĩ.
“Mục đích của chúng tôi khi xây dựng đề án là tạo ra một lực lượng làm nghiên cứu thực sự, bổ sung cho các lực lượng nghiên cứu. Từ mục tiêu đó mà cách thức phải phù hợp, làm thế nào để thuận lợi cho học viên nhất mà thầy cô lại chọn được những sinh viên giỏi nhất”, ông Tớp cho biết.
Thi tuyển là không cần thiết
|
|
Tiến tới công nhận văn bằng, tín chỉ của trường khác
Ông Tớp cho biết do hiện nay Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chưa công nhận văn bằng, tín chỉ của bất kỳ trường nào nên dù đề án cho phép xét tuyển sinh viên trường ngoài thì đây cũng là một khó khăn của trường. Hiện các trường khoa học kỹ thuật có hàng trăm chương trình đào tạo, nên trường không thể cùng lúc xem xét để công nhận hàng trăm chương trình đó. Vì thế, sắp tới có thể trường thực hiện đồng thời 2 giải pháp: Một là xét từng trường hợp cụ thể, từ đó sẽ công nhận chương trình mà ứng viên đó theo học ĐH. Hai là sẽ chọn ra một số chương trình của các trường ĐH đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật công nghệ như: Bách khoa Đà Nẵng, Bách khoa TP.HCM, Công nghiệp Hà Nội... để xem xét và công nhận.
|
|
|
Cũng theo ông Tớp, đề án được lập xong từ khá lâu và trường đã phải thuyết minh khá kỹ thì mới được Bộ GD-ĐT đồng ý phê duyệt. Thực chất đối tượng mà trường tìm kiếm là những người có năng lực và còn trẻ, chẳng hạn như sinh viên vừa tốt nghiệp ĐH, có thiên hướng thích làm nghiên cứu. Vì thế, thủ tục tưởng như có vẻ đơn giản (bỏ thi) nhưng quy trình xét tuyển chỉ thực sự thuận lợi với người trẻ và khá, giỏi. Vì thế mà chất lượng chỉ có tăng so với hiện nay, qua đó mà nhà trường nâng cao được chất lượng đào tạo thạc sĩ khoa học.
Ông Tớp phân tích: “Việc bắt những sinh viên này phải trải qua một kỳ thi (gồm các môn toán, ngoại ngữ, môn chuyên môn) là vô nghĩa nếu xét về mục tiêu tuyển chọn. Về chuyên môn và toán, sinh viên tốt nghiệp đạt loại khá giỏi đương nhiên phải khá giỏi các môn này. Về ngoại ngữ, như với sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chẳng hạn, sinh viên chỉ được nhận bằng tốt nghiệp khi đạt chứng chỉ B1 hoặc 450 điểm TOEIC”.
Trình bày đề cương trước hội đồng
Theo ông Tớp, căn cứ để xét tuyển trước hết là dựa vào hồ sơ. “Nói là hồ sơ nhưng thực chất là dựa vào từng người học cụ thể”, ông Tớp nói. Để chuẩn bị cho việc này, trường yêu cầu các giảng viên phải tạo nguồn, tức là phải dẫn dắt sinh viên đi theo mình trong công việc nghiên cứu từ khi sinh viên học năm 3 năm 4 và phải làm thế nào để đề tài nghiên cứu sẽ xuyên suốt từ ĐH cho đến sau ĐH.
Trong hồ sơ của các ứng viên phải bao gồm chương trình, đề cương nghiên cứu và gắn với một người thầy hướng dẫn cụ thể. Hồ sơ được nộp cho các đơn vị thẩm định, ban đầu đi từ bộ môn, sau đó lên khoa/viện rồi nhà trường. Nhà trường sẽ thành lập các tiểu ban để đánh giá tính khả thi của chương trình, đề cương. Ông Tớp nói thêm: “Cách xét tuyển này tương tự cách xét tuyển tiến sĩ mà trường thực hiện từ nhiều năm nay”.
Tuy nhiên, với tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ thì trường không lập riêng hội đồng cho từng ứng viên mà là lập một hội đồng để đánh giá các ứng viên của một đơn vị. Mỗi hội đồng 4 - 5 thầy cô, ứng viên phải trình bày chương trình, đề cương của mình trước hội đồng đó. Như vậy, nếu được chấp nhận trúng tuyển, khi nhập học thì học viên sẽ có ngay đề tài và được làm việc ngay với thầy. Điều này giống mô hình các nước tiên tiến.
Mô hình hiện tại trải qua thi tuyển nhưng ứng viên nhập học nhiều tháng sau mới tìm được thầy, mới nhận đề tài. “Với mô hình mà Bộ cho phép Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thí điểm, học viên được làm đề tài trong suốt 12 tháng. Thậm chí với cách tạo nguồn từ sớm, ứng viên đã được làm việc với thầy về đề tài đó từ lúc còn sinh viên, thành thử mỗi học viên thực chất sẽ được làm việc với thầy hai năm chứ không phải một năm. Đề tài sẽ thành mạch từ ĐH đến sau ĐH”, ông Tớp chia sẻ.
Trong thời gian thí điểm, trường vẫn vừa tổ chức xét tuyển song song với thi đối với thạc sĩ khoa học (định hướng nghiên cứu). Nếu trường hợp không đủ điều kiện xét tuyển thì phải thi. Thậm chí không qua được vòng xét tuyển thì có thể tiếp tục đăng ký thi. Còn riêng thạc sĩ kỹ thuật (định hướng ứng dụng) thì trường vẫn tổ chức thi và đào tạo theo mô hình hiện hành.
Bình luận (0)