Xét xử “đại án” Phạm Công Danh: Tiếp tục triệu tập người liên quan vắng mặt

Hôm nay (20.7), VKS sẽ đọc cáo trạng dài 123 trang trước khi phiên tòa chuyển sang phần xét hỏi trong vụ 'đại án' Phạm Công Danh

HĐXX cho biết sẽ tiếp tục triệu tập những người liên quan vắng mặt để làm rõ sự thật khách quan của vụ án theo ý kiến của đại diện Viện KSND TP.HCM, các luật sư trong vụ “đại án” Phạm Công Danh.
Ngày 19.7, TAND TP.HCM bắt đầu phiên sơ thẩm kéo dài 1 tháng đối với bị cáo Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (gọi tắt VNCB), nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) cùng 35 bị cáo đồng phạm về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Các bị cáo bị đưa ra xét xử vì gây thiệt hại cho VNCB trên 9.000 tỉ đồng.
Để đảm bảo phiên tòa diễn ra bình thường, xuyên suốt như dự kiến, thẩm phán Phạm Lương Toản, Chủ tọa phiên tòa, cho biết đã gửi văn bản đến Liên đoàn LS VN yêu cầu tất cả 45 LS tham dự phiên xét xử không được vắng mặt với bất cứ lý do gì. Ngoài ra, HĐXX cũng thông báo, với 8 bị cáo bị tạm giam sẽ được phép gặp các LS bào chữa trong quá trình xét xử.
Trong ngày đầu tiên, HĐXX tập trung phần thẩm tra lý lịch các bị cáo, kiểm tra sự có mặt của 156 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được tòa triệu tập gồm đại diện các ngân hàng; đại diện hội đồng định giá tài sản của các địa phương; các cá nhân... Sau khi thẩm tra, HĐXX cho biết có mặt 98/156 tổ chức, cá nhân. Đối với những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt, HĐXX cho biết sẽ tiếp tục triệu tập để làm rõ sự thật khách quan của vụ án theo ý kiến của đại diện Viện KSND TP.HCM, các luật sư (LS).
Ngoài ra, một số LS đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung bởi Bộ Công an tách hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của Phạm Công Danh và các đồng phạm trong việc rút gần 7.000 tỉ đồng của VNCB, đem gửi tại 3 ngân hàng gồm: BIDV, Sacombank, TPBank rồi dùng số tiền này bảo lãnh cho 29 công ty của Danh vay tiền và hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của 4 bị can nguyên là thành viên Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB đã ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo Danh. Tuy nhiên, đại diện Viện KSND TP.HCM tham gia phiên tòa khẳng định việc tách 2 hành vi này không làm ảnh hưởng quyền lợi bị cáo Danh và một số bị cáo khác, vì cáo trạng truy tố Danh và đồng phạm tội “cố ý làm trái…” liên quan đến 7.037 tỉ đồng và tội “vi phạm quy định về cho vay…” liên quan đến hơn 2.000 tỉ đồng. Số tiền này không liên quan đến số tiền và hành vi mà Bộ Công an đã tách ra xử lý sau. Đồng tình, HĐXX cũng nêu, những lý do LS đưa ra không phải là căn cứ để trả hồ sơ vụ án và các vấn đề LS quan tâm sẽ được HĐXX làm rõ trong quá trình xét hỏi, tranh luận.
Tài liệu đóng dấu “MẬT” không đúng, Luật sư được phép sử dụng
Sau khi kết thúc phần thẩm tra lý lịch của HĐXX, LS Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Danh) đề nghị HĐXX giải mật tất cả các kết luận giám định của các hội đồng định giá tài sản. “Theo quy định pháp luật, các tài liệu này được thu thập theo thủ tục tố tụng công khai, được sử dụng công khai. Nếu đóng dấu “mật” là vi phạm nguyên tắc công khai xét xử”, LS Hoài nói.
Thay mặt HĐXX, Chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản cho biết đối với giám định tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Đà Nẵng, chủ tọa đã yêu cầu thư ký tống đạt cho LS Hoài, cho thấy đây là tài liệu được giải mật đầu tiên. Và để tiếp tục giải mật, HĐXX đã triệu tập tại phiên tòa tất cả hội đồng định giá tài sản của các địa phương để trả lời kết quả giám định công khai minh bạch tại phiên tòa.
Cũng theo chủ tọa, có thể trong quá trình ban hành văn bản, các cơ quan này đã quên khi đóng dấu “mật” vào kết luận định giá tài sản nên yêu cầu của LS Phan Trung Hoài là chính đáng. Chủ tọa phiên tòa nói trong quá trình tác nghiệp nghề nghiệp của mình, các LS được sử dụng, công bố tài liệu vụ án theo đúng quy định pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.