Xét xử lưu động, giữ hay bỏ?

Phan Thương
Phan Thương
08/04/2018 09:59 GMT+7

Dù luật sư bào chữa cho bị cáo đã đề nghị không xét xử lưu động vì cho rằng không phù hợp, nhưng tòa vẫn quyết định đưa vụ án ra xét xử lưu động, để rồi phiên tòa phải tạm hoãn dù mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất.

Ngày 28.3, TAND H.Củ Chi (TP.HCM) đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý gây thương tích” liên quan đến 2 bị cáo N.V.C (37 tuổi), H.T.S (30 tuổi). Phiên tòa xét xử lưu động tại cụm Nhà văn hóa xã An Nhơn Tây, H.Củ Chi. Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất với đầy đủ thiết bị, bàn ghế và lực lượng hỗ trợ tư pháp bảo vệ phiên tòa; các bị cáo, nhân chứng đến đầy đủ theo lệnh triệu tập của HĐXX... Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ trưa, phiên xử mới... bắt đầu và chủ tọa ra thông báo do có 2 luật sư xin hoãn nên phiên tòa lưu động sẽ hoãn lại.
Trước đó, ngay sau khi nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử lưu động, luật sư bào chữa cho bị cáo N.V.C đã đề nghị HĐXX không tổ chức xử lưu động vì bị cáo kêu oan một phần, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; mặt khác Chánh án TAND tối cao từng thông tin sẽ xem xét bỏ việc xét xử lưu động...
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo TAND H.Củ Chi cho rằng hiện chưa có văn bản chính thức nào thể hiện việc dừng xét xử lưu động nên thẩm phán áp dụng là không sai. Hơn nữa, việc xét xử lưu động là phục vụ nhu cầu chính trị của địa phương; địa bàn H.Củ Chi khá rộng nên nếu xét xử tại tòa sẽ khó khăn cho người dân đi lại, đến tòa dự khán.
Chi phí lớn, hiệu quả giảm dần
Trước đó, trong cuộc họp báo đầu năm do TAND tối cao tổ chức cuối tháng 1.2018, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ báo cáo và đề nghị Quốc hội cho dừng việc tiến hành các phiên tòa lưu động. Lý do, theo ông Bình là tác dụng tuyên truyền, phổ biến pháp luật của phiên tòa lưu động giảm dần, kinh phí tổ chức quá lớn, khoảng 70 tỉ đồng/năm. Trong khi đó, công tác bảo vệ phiên tòa hết sức khó khăn, căng thẳng cho địa phương khi phải đưa cả bị cáo, người bị hại, người làm chứng… ra nơi công cộng. Ngoài ra, ông Bình cho hay nhiều phiên tòa lưu động tại VN chưa đảm bảo tính nghiêm túc.
Một điển hình, tháng 11.2017, TAND H.Đăk Mil (Đắk Nông) phải hoãn phiên xét xử lưu động tại UBND xã Đắk Sắk đối với 3 bị cáo T.H.H (32 tuổi), N.Đ.P (20 tuổi), T.P.L (22 tuổi) bị cáo buộc tội “cố ý gây thương tích”, vì 3 người bị hại, 7 nhân chứng trong vụ án không đến phiên tòa. Đặc biệt, dù là phiên tòa lưu động xét xử công khai nhưng không có người dân nào đến dự, kể cả đại diện UBND xã nơi phiên tòa diễn ra. Chỉ có một người ngồi ghế dự khán là... tài xế của luật sư. Chủ tọa phiên tòa lý giải: “Tòa đã thông báo rộng rãi cho người dân theo kế hoạch, nhưng không hiểu lý do vì sao không có ai dự. Có lẽ do người dân địa phương đang vào mùa thu hoạch cà phê nên bận việc, không đến tòa”.
Đừng để tâm lý “chưa xử đã buộc tội”
Theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, xét xử lưu động chỉ có điểm lợi duy nhất là tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Nhưng cách tuyên tuyền bằng hình thức “triển lãm tội phạm” này đã không còn phù hợp. Hơn nữa, phương thức này còn dẫn đến tâm lý vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội theo tố tụng hình sự. “Một khi đưa ra xét xử lưu động là các cơ quan tố tụng, đặc biệt là tòa án đã ngầm kết tội bị cáo trước khi xét xử. Từ đó, mới đưa vụ án xét xử lưu động để mọi người chứng kiến, rút kinh nghiệm và được giáo dục pháp luật. Nó mâu thuẫn với tinh thần của pháp luật hình sự là không ai bị coi là có tội nếu chưa có bản án có hiệu lực của tòa”.
Trong khi đó, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đức Sáu cho rằng xử lưu động ngoài ảnh hưởng đến tội danh, hình phạt của bị cáo, còn ảnh hưởng rất nhiều đến danh dự của người thân bị cáo khi họ phải chứng kiến cảnh người nhà bị đưa ra xét xử ở phạm vi, mức độ công khai quá rộng, rồi phải chịu sự dè bỉu, bêu riếu, chỉ trỏ (nếu có) của hàng xóm hoặc của những người chưa từng quen biết. “Có nhiều cách tuyên truyền pháp luật, như thông qua báo chí, các tổ chức đoàn thể... Vì vậy, nên dừng xét xử lưu động để đừng làm nỗi đau của bị cáo, gia đình họ phải nhân đôi. Hơn nữa, khi xét xử lưu động, nếu phát sinh tình tiết mới phải dừng phiên tòa thì chi phí bỏ ra tổ chức, huy động lực lượng bảo vệ phiên xử là một lãng phí lớn”, ông Sáu nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.