Nhiều ngày trước khi phiên tòa này diễn ra, người dân Cà Mau bàn tán rất xôn xao và ai cũng nhất quyết đi xem để được nhìn tận mặt đôi vợ chồng độc ác đã hành hạ dã man cháu Nguyễn Hoàng Anh (14 tuổi, tên thường dùng ở nhà là Hào Anh, Hào), gây thương tật 66,83%.
“Bà con chúng tôi chờ ngày này lâu rồi, cứ sợ mọi chuyện không được làm sáng tỏ. Nay thì kẻ ác sắp ra trước vành móng ngựa để đền tội, nên chúng tôi thấy yên tâm, không lo bị trả thù nữa”, cô Tám, một trong những người ở xã Ngọc Chánh (nơi xảy ra vụ việc) dám đứng ra tố cáo chuyện vợ chồng Giang - Thơm với chính quyền, nói.
Bài viết đầu tiên về vụ án
Nguyễn Hoàng Anh, ngày đầu nhập viện |
Các y, bác sĩ ở bệnh viện đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi thu thập tư liệu. Nhưng do vụ việc mới xảy ra nên các điều tra viên luôn túc trực và khá dè dặt khi chúng tôi xin được tiếp xúc với nạn nhân. Tiếp xúc với Hoàng Anh đã khó, tiếp xúc với người dân xung quanh trại tôm giống Minh Đức còn khó hơn, bởi ban đầu họ ngại bị trả thù. Chúng tôi phải nhờ chính quyền địa phương vận động, thuyết phục mãi bà con mới chịu tiếp xúc, nhưng đặt điều kiện phải tiếp xúc ở nơi kín đáo. Trong lúc chúng tôi mới thu thập được một phần thông tin cho số báo ngày mai từ phía người dân thì vào khoảng hơn 18 giờ cùng ngày, ông Đoàn Minh Chánh, Phó công an huyện Đầm Dơi đồng ý “phát ngôn” về vụ việc. Ngay đêm đó bài báo được chuyển về tòa soạn, sáng ngày hôm sau trên số báo Thanh Niên đã đăng tải ngay bài Một cháu bé bị chủ hành hạ dã man với đầy đủ thông tin chi tiết, gây xôn xao dư luận cả nước.
Những hành động dã man
Mặc dù là những người tìm hiểu và thông tin vụ án ngay từ đầu, nhưng chúng tôi vẫn rất bàng hoàng khi đọc bản cáo trạng. Một người bạn đồng nghiệp của chúng tôi đã rơi nước mắt khi đọc bản cáo trạng này.
Theo cáo trạng, vào tháng 10.2008, bà Phạm Thị Thoa (mẹ Hoàng Anh) đưa cháu đến làm thuê cho vợ chồng Giang - Thơm. Công việc của Hoàng Anh là đập ốc làm thức ăn cho tôm, nấu cơm, giặt đồ, chăm sóc con nhỏ cho Giang - Thơm và những công việc không tên khác với mức lương là 500 ngàn đồng/tháng. Trong thời gian Hoàng Anh ở làm thuê, vợ chồng Giang - Thơm luôn cho rằng Hoàng Anh lười biếng, chậm chạp, làm việc không vừa ý nên thay nhau đánh đập, hành hạ.
Trong một lần tiếp xúc với chúng tôi, Thơm bình thản kể: “Có lần thấy nó (Hoàng Anh) lau nhà không sạch, tôi bắt nó dùng lưỡi liếm; hay thấy nó dùng giấy chùi máu vết thương nên tôi bắt nó ăn giấy. Có một lần nó giặt quần áo bị rách bao tay và lau nhà không sạch, lại làm bể thau nhựa nên tôi bắt nó tự xé rồi nuốt miếng giẻ lau nhà, cắt nhỏ bao tay ra nuốt, nuốt cả những mảnh vỡ của thau nhựa. Vì tính tôi nóng quá nên mới thế, giờ thì tôi ân hận rồi...”.
Ngoài những cách hành hạ trên, cáo trạng còn ghi rõ trước đó, rất nhiều lần Giang - Thơm dùng tay, chân đánh Hoàng Anh; dùng dây treo hai tay Hoàng Anh lên dây xuyên ở trại tôm giống để phơi nắng. Lần khác, khi Hoàng Anh đứng ở mé sông, thấy “ngứa” mắt, Giang chạy đến đá Hoàng Anh té xuống sông. Không chỉ bị vợ chồng chủ trại tôm giống hành hạ, Hoàng Anh còn bị 2 người giúp việc là Lâm Lý Quỳnh, Lưu Văn Khánh “hưởng ứng tích cực”.
Cũng theo cáo trạng, do Hoàng Anh làm việc nhà chậm, Giang lấy dây gân kêu Lâm Lý Huỳnh buộc hai tay, hai chân Hoàng Anh căng ra, treo lên trần nhà, rồi lâu lâu đến dùng chân đá vào ngực, vào sườn của Hoàng Anh, khiến cháu vô cùng đau đớn. Ngoài ra, khi giặt đồ chậm, Hoàng Anh còn bị Giang lấy cây đập dập ngón chân; khi lau nhà chậm bị Thơm dùng bàn ủi nóng gí vào người hoặc tạt nước sôi. Còn chuyện bị đánh bằng ổ khóa, dây thắt lưng; bằng cây, ghế, búa... là chuyện thường ngày. Độc ác hơn, bọn chúng còn dùng đũa nóng gí vào má, đâm vào mắt, vào mũi hay bắt cởi quần dí đũa sắt vào dương vật, lấy lửa than ném vào người cháu. Chưa hết, Thơm còn bắt Hoàng Anh đứng im rồi dùng ổ khóa đánh vào mặt làm cháu bị gãy xương mũi; dùng kìm, cây bẻ gãy 5 cái răng. Tàn nhẫn hơn, có lần Giang cùng 2 người làm công đè trói Hoàng Anh lại, rồi lấy bông gòn nhét vào miệng, dán băng keo lại, sau đó Giang dùng nước formol đổ vào người. Thấy hình phạt chưa đủ dã man, Thơm còn dùng dao lam rạch vào lưng Hoàng Anh rồi lấy formol tạt vào vết thương...
Hoàng Anh bây giờ
Sáng 28.6, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau. Hoàng Anh thức từ sớm, 5 giờ 30 vệ sinh cá nhân rồi cùng các anh chị em trong trung tâm tập thể dục buổi sáng. Hiện sức khỏe của Hoàng Anh rất tốt, cháu đã thích nghi được với cuộc sống ở trung tâm và cháu đã bắt đầu ôn tập để bắt kịp kiến thức trước khi vào lớp 4. Hoàng Anh nói: “Con sống ở đây rất tốt, các mẹ, anh chị em rất thương con, nhất là các mẹ nuôi và ba nuôi trong trung tâm. Mới đây các mẹ còn dạy chữ lại cho con để chuẩn bị cho năm học sắp tới”.
Chị Vũ Kiều Oanh, một trong những người mẹ nuôi trực tiếp của Hoàng Anh trong trung tâm, cho biết: “Sau khi xem tivi thấy thông báo ngày xử vụ án, mấy ngày nay Hoàng Anh thay đổi tâm trạng, ít nói, ít cười, ngồi lầm lì, ăn uống chỉ qua loa”. Hoàng Anh nói: “Con nghe người ta bàn tán cậu Giang và mợ Thơm bị mức án rất nặng nên rất buồn khi nghĩ đến cảnh hai em (con của Giang - Thơm) phải sống cảnh thiếu cha thiếu mẹ. Con cũng sống thiếu cha mẹ từ nhỏ, nên con hiểu...”.
Các luật sư ở Cà Mau từ chối bào chữa cho Giang - Thơm Phiên tòa được khai mạc vào lúc 7 giờ ngày 29.6, tại Trung tâm Thông tin - Văn hóa Cà Mau. Chủ tọa phiên tòa: Thẩm phán Trần Trọng Nhân, Chánh tòa hình sự TAND tỉnh Cà Mau. Luật sư (LS) tham gia bảo vệ quyền lợi miễn phí cho Nguyễn Hoàng Anh: LS Nguyễn Thị Hồng Liên (Đoàn LS TP.HCM). LS Trần Quốc Khánh, Đoàn LS TP.HCM bào chữa cho bị cáo Huỳnh Thanh Giang; LS Hồ Đình Hoàng Minh, Đoàn LS TP.HCM bào chữa cho bị cáo Mã Ngọc Thơm. Trước đó, có thông tin gia đình của Giang - Thơm đã tìm đến một số văn phòng LS tại Cà Mau nhưng đều bị các LS tại địa phương từ chối bào chữa. |
Gia Bách
Bình luận (0)