Xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái: Con số thiệt hại không chính xác?

16/04/2008 23:58 GMT+7

Hôm qua 16.4, phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái của TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục với phần thẩm vấn công khai 13 bị cáo nguyên là cán bộ ngành bưu điện. Các bị cáo này đều đồng loạt kêu oan.

"Thái tự nguyện cho"

Bị cáo Nguyễn Văn Thịnh, nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Bình Định, vào thời điểm vụ án khởi tố thì bị cáo đã nghỉ hưu, bị cáo trạng quy kết đã cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 1 tỉ đồng, nói: "Hằng năm đều có cơ quan cấp trên về kiểm toán chấp thuận việc mua thiết bị, ở địa phương cơ quan thuế kiểm tra thường xuyên cũng không chỉ ra sai phạm, không ai nói mua giá cao nên tôi tin tưởng việc mình làm". Chủ tọa đột ngột hỏi: "Thái có gửi quà cáp gì cho bị cáo không?". Thịnh ngập ngừng: "Trong dịp nghỉ tết, Thái có cho tôi một gói quà trong đó có phong bì. Tổng cộng 2 lần được 15 triệu. Đây là Thái tự nguyện chứ không hề có thỏa thuận gì trước".

Đinh Công Bửu, nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Bưu điện tỉnh Bình Định, với vai trò tổ phó tổ xét thầu đã ký hai tờ trình đề nghị mua sắm camera, dụng cụ bưu chính, ký nháy một hợp đồng tổng giá trị hơn 247 triệu đồng, cộng với 7 lần tham gia xét chào hàng cạnh tranh đã gây thiệt hại gần 3 tỉ đồng. Được Thái cho 1 gói quà, trong đó có một áo sơ mi và 3 triệu đồng. Khi được chủ tọa hỏi, cũng khai: "Bị cáo nghĩ đây là việc làm hết sức bình thường trong thời buổi kinh tế thị trường. Do Thái tự nguyện, sau khi đã ký được hợp đồng, chứ không có thỏa thuận gì". Tương tự, bị cáo Nguyễn Văn Bằng, nguyên Kế toán trưởng bưu điện này, bị cáo bị buộc gây thiệt hại hơn 1,2 tỉ đồng, cũng thừa nhận: "Có 1 lần Thái tự kẹp phong bì 15 triệu đồng trong catalogue đưa cho bị cáo". Bị cáo Ngô Quang Thạch, nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Cần Thơ, cho biết: "Trong một lần gặp mặt, Thái để lại 1 phong bì có 30 triệu, bị cáo đã đưa cho kế toán và phòng kế hoạch lập biên bản đưa trả lại Thái".

Khi được hỏi tại sao đưa tiền, bị cáo Thái lớn tiếng: "Việc bồi dưỡng lâu rồi, tôi không nhớ".

Hai cách tính "thiệt hại"

Cũng trong phiên tòa hôm qua, có đến 33 bị cáo nguyên là lãnh đạo của 12 bưu điện tỉnh đã đồng loạt có đơn kiến nghị gửi lên Hội đồng xét xử xin xem xét lại số tiền thiệt hại mà cáo trạng quy kết. Đồng thời xin xem xét việc họ khắc phục hậu quả để miễn trách nhiệm hình sự.

Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Lê Thanh Hùng, nguyên Phó giám đốc (và đến tháng 10.2004 là Giám đốc Bưu điện Bình Định), cho rằng "việc tính thiệt hại của các cơ quan tố tụng có vấn đề". Bị cáo Hùng lý giải: "Cách tính thiệt hại là: thiệt hại = tổng giá trị hợp đồng có VAT trừ đi giá giám định + vận chuyển, lắp đặt có VAT. Cách tính như vậy là không phù hợp, vì VAT là thuế phải nộp cho Nhà nước, lại bắt bị cáo phải chịu trách nhiệm cho khoản này là ép bị cáo". Theo Hùng, "cách tính đúng" phải là: tổng giá trị hợp đồng không có VAT trừ đi giá giám định + vận chuyển, lắp đặt không có VAT. Và theo tính toán sơ bộ của bị cáo thì cơ quan tố tụng đã làm bị cáo phải chịu oan hơn 200 triệu đồng thiệt hại. "Thiệt hại trong vụ án này là quá lớn nhưng cách tính lại không có căn cứ. Không có giám định chuyên môn nên số thiệt hại đó không chính xác", Hùng bức xúc.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Văn Thịnh nói: "Cơ quan điều tra lấy tổng giá trị hợp đồng trừ đi giá hàng hóa do giám định cung cấp để tham khảo sẽ cho ra kết quả là số tham khảo. Lấy số tham khảo để truy tố chúng tôi thì quá oan". 

Hai bị cáo Phạm Hồng Khanh và Trần Văn Thịnh (nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Phú Yên) cũng xin Hội đồng xét xử "xác định lại thiệt hại cho chuẩn", bởi đây là mấu chốt của vụ án, nó quyết định đến trách nhiệm hình sự lẫn dân sự của các bị cáo. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Hoàng, nguyên Phó trưởng phòng Đầu tư xây dựng cơ bản - Bưu điện tỉnh Phú Yên, thì xin "đính chính" cho cáo trạng. "Bị cáo chỉ ký 7 tờ trình tổng trị giá 1,6 tỉ đồng chứ không phải hơn 2,3 tỉ đồng như cáo trạng cáo buộc", Hoàng nói.

Hôm nay 17.4, phiên tòa tiếp tục.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.