Xét xử vụ ‘hô biến’ đất thuê

21/02/2014 01:58 GMT+7

Hôm qua 20.2, TAND TP.Phan Thiết (Bình Thuận) đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với Lê Duy Khiêm, nguyên Trưởng phòng Đăng ký đất đai (thuộc Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN-MT Bình Thuận).

Xét xử vụ ‘hô biến’ đất thuê
Bị cáo Lê Duy Khiêm tại tòa - Ảnh: Quế Hà

Do vắng mặt đại diện của chi nhánh 7 - Ngân hàng Agribank TP.HCM và bà Trần Thị Hoài Thanh, Giám đốc Công ty Hawaii (xã Hòa Thắng, H.Bắc Bình) nên các luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị phải hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, đề nghị này không được tòa chấp nhận.

Gọi ra đường nhận “sổ đỏ”

Trong ngày hôm qua, Hội đồng xét xử (HĐXX) tập trung làm rõ việc hình thành hồ sơ của Công ty TNHH Hawaii từ đất được nhà nước cho thuê (nộp tiền thuê hằng năm) sang hình thức đất giao có thu tiền một lần. Do dự án này là đất thuê nên ngân hàng không cho vay vốn. Ông Ngô Văn Phưởng (Phó giám đốc Công ty Hawaii, điều hành dự án du lịch Hawaii) đã nhờ cán bộ của Sở TN-MT Bình Thuận “điều chỉnh” sang thành đất giao, nhưng lại không muốn nộp tiền theo quy định (hơn 22 tỉ đồng). Giải thích vì sao có được đầy đủ bộ hồ sơ từ đất thuê sang đất giao có thu tiền và nhận 4 quyển “sổ đỏ” (tổng diện tích 98.000 m2) chỉ trong vòng một ngày (15.4.2011), ông Phưởng khai có một người tên Loan nói đang làm việc tại Sở TN-MT nhận “làm giùm”. Sau đó có một người gọi ra đường nhận “sổ đỏ” nhưng không biết người đó là ai.

Ông Phưởng còn khai, ngày 14.4.2011, ông có gọi điện nhờ bị cáo Khiêm và gọi Khiêm đến một khách sạn để bàn việc này. Khi đó có cả vợ ông Phưởng và là Giám đốc Công ty TNHH Hawaii Trần Thị Hoài Thanh, cùng anh Nguyễn Nam Thắng, cán bộ ngân hàng từ TP.HCM ra. Tuy nhiên, Khiêm bác bỏ lời khai này ngay tại tòa và cho rằng mình “không hề biết gì về việc này”. Khiêm chỉ thừa nhận việc mình có chữ ký trong hồ sơ giải quyết công việc của Công ty Hawaii xin chuyển từ đất thuê sang đất giao. “Tôi ký vì các phòng khác đã ký rồi, chứ tôi không hề biết hồ sơ đó từ đâu”, bị cáo nói.

Theo quy trình tại Sở TN-MT Bình Thuận thì hồ sơ của Công ty Hawaii ít nhất phải qua 5 “cửa”, mỗi “cửa” từ 2 đến 3 ngày. Thế nhưng, tất cả các “cửa” của Chi cục Quản lý đất đai (không riêng gì phòng của Khiêm) đều ký ngay trong ngày 15.4.2011. Thậm chí hồ sơ được công chứng ngay trong đêm 15.4.2011.

Ký ngay vì “sắp phải đi tiếp thứ trưởng”

Chiều qua, HĐXX thẩm vấn ông Lê Văn Bé, Phó giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận, người trực tiếp ký vào 4 “sổ đỏ” của Công ty Hawaii. Ông Bé xác nhận ngày hôm đó (15.4.2011) có một Thứ trưởng Bộ TN-MT vào làm việc, nên rất nhiều việc, không thẩm định kỹ là Hawaii đã nộp tiền khi chuyển từ đất thuê sang đất giao hay chưa. “Tôi thừa nhận là thiếu kiểm tra, vì lúc đó chiều tối rồi, anh em trình tôi ký ngay. Cái này là linh hoạt cho doanh nghiệp. Hơn nữa lúc đó sắp phải đi tiếp thứ trưởng, nên ký liền cho anh em”, ông Bé khai tại tòa.

Còn ông Huỳnh Giác, Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận, khai: “Đã phân công cho anh Bé theo dõi. Chỉ ký mới (tức sổ đỏ mới) tôi mới ký”. Ông Giác thừa nhận: “Nhất định phải có người trong cơ quan mới có thể biết và giao giấy đỏ cho Hawaii khi doanh nghiệp này chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước”.

Cuối buổi chiều qua, bị cáo Khiêm bất ngờ lớn tiếng: “Tôi đề nghị tòa xem xét trách nhiệm của giám đốc và những người ký trong hồ sơ này”.

Hôm nay (21.2), tòa tiếp tục làm việc.

“Không biết hồ sơ từ đâu đến”

Chủ tọa đặt câu hỏi: “Có phát hiện điều gì lạ trong bộ hồ sơ này không mà làm nhanh vậy?”, thì các cán bộ của Chi cục Quản lý đất đai có mặt tại tòa, đều trả lời không biết. Ông Trần Đức Cơ (cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại phòng “một cửa” Sở TN-MT), nói nhận hồ sơ liền giao cho Phòng Thẩm định, nhưng không thấy hồ sơ quay lại phòng “một cửa” để trả cho doanh nghiệp như thông thường. Ông Nguyễn Thanh Cho (Trưởng văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất), ông Lê Văn Quý (Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai), ông Huỳnh Tùng (Trưởng phòng Thẩm định đất) và chuyên viên Nguyễn Quang Thành, đều khai “không biết hồ sơ này từ đâu đến”.

Quế Hà - Y.Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.