Trước đây, việc “lấp xuống đào lên” chỉ cách nhau một đôi ngày mà không cần nêu lý do, đã là chuyện thường ngày trên nhiều đường phố. Thậm chí, đơn vị thi công lấp luôn cả lối ra vào của nhiều ngôi nhà mặt phố mà chẳng có một lời “xin thông cảm” nào cả. Người dân có bực tức cũng chỉ biết ngửa cổ kêu trời vì cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu đều có lý do “chính đáng” để họ phủi trách nhiệm trước dân. Nào đây là “công trình trọng điểm”, nào là “công trình chào mừng các ngày lễ lớn”, nào “chạy đua nước rút” nên phải đào lên hoặc lấp xuống cho kịp tiến độ…
Bây giờ, việc đào đường hoặc dựng lô cốt vẫn chưa chấm dứt nhưng các nhà thầu có thêm một lời “xin lỗi” như đã nói ở trên. Ban đầu thì người dân cảm thấy mát ruột với tấm biển “xin lỗi” ấy nhưng khi sự chịu đựng đã chạm đến giới hạn cuối cùng thì lời xin lỗi kia càng phản tác dụng. “Xin lỗi gì mà lâu quá!”. Đó là câu cửa miệng của người dân ở nhiều đô thị hiện nay khi nhìn tấm bảng “xin lỗi” cứ đứng lù lù trước nhà họ hết năm này qua tháng khác. Dự án cải tạo hệ thống thoát nước ở Nha Trang là một ví dụ. Đặt hệ thống ống cống mà gặp mưa thì đúng là bất khả thi, phải đợi hết nước mưa mới thi công được. Thế nhưng, ống cống lắp xuống rồi, đất đã lấp lên rồi, trời cũng đã nắng ấm khô tạnh rồi, hà cớ gì không thảm nhựa để cho dân nhờ?
Mới đây, bên thi công đào đường để đặt cáp ngầm cho Viettel gây cản trở giao thông và sinh hoạt cho người dân trên nhiều tuyến phố ở Nha Trang khiến họ kêu trời. Đơn vị thi công cũng quá ngao ngán với lời kêu ca của dân nhưng họ cũng đành bất lực trước những thủ tục quá rườm rà từ các cơ quan công quyền trong việc gia hạn giấy phép. Bên thi công cũng ê ẩm, bên người dân thì ngao ngán, vậy “bên” nào thì … yên thân đây? Rõ ràng, nếu đúng như phát biểu của đại diện bên thi công thì đích thị các “công bộc của dân” đang làm khó người dân vậy.
Xin lỗi dân bằng các tấm biển mỗi khi đào đường là một cử chỉ văn minh. Nhưng sẽ không còn văn minh nữa nếu tấm biển “xin lỗi” ấy cứ chường ra trong mắt dân quá lâu.
Hải Viên
Bình luận (0)