Xin tạm ứng 5.000 tỉ đồng để 'hô mưa, gọi nắng'

Không chỉ gửi đề án 'gọi mưa', kỹ sư Phan Đình Phương (Giám đốc Công ty CP khoa học công nghệ An Sinh Xanh, trụ sở tại TP.Đà Nẵng) còn gửi cả đề án 'gọi nắng' cho Văn phòng Chính phủ với mục đích sẽ giải quyết triệt để nạn hạn hán, mưa ngập trên cả nước (!).

Kỹ sư Phan Đình Phương cho biết ý tưởng “hô mưa, gọi nắng” xuất phát từ tình trạng hạn hán xảy ra trên diện rộng tại Tây nguyên và các tỉnh ĐBSCL, và tình hình ngập nước do mưa ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.
Tính sơ cũng mất 3.087 cuộc họp
Kỹ sư Phan Đình Phương Ảnh: Hữu Trà
“Tháng 5.2016 tôi gửi đề án nghiên cứu tạo mưa bằng công nghệ “bùng nổ hơi sương” và lấy tên gọi “Lên trời gọi mưa” cho Văn phòng Chính phủ. Đến tháng 9.2016, tôi nghiên cứu gửi tiếp ý tưởng “giải tỏa mây” và lấy tên “Gọi nắng”. Bộ KH-CN cũng có công văn yêu cầu lãnh đạo Công ty CP khoa học công nghệ An Sinh Xanh liên hệ với 7 bộ để triển khai theo các lĩnh vực quản lý nhà nước” - ông Phương hào hứng kể.
Theo ông Phương, ban đầu cần thiết phải có chừng 1.000 trạm điều tiết gây mưa và phá mây cho cả nước. Bởi mây xuất phát chủ yếu từ biển. Khi gió đưa quá nhiều mây từ biển vào đất liền nếu muốn không gây mưa thì các trạm chủ động đón mây gây mưa ngay trên biển để giảm mây bay vào, giảm ngập lụt tắc đường cho các thành phố. Bên cạnh đó, các trạm này cũng kiêm luôn chức năng điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc cho 63 tỉnh, thành để có đủ nước phục vụ nông lâm ngư nghiệp. Ngoài ra, cũng cần đặt các trạm trên các dãy núi cao để gây mưa, giúp các nhà máy thủy điện có đủ nguồn nước để sản xuất điện lẫn các công trình thủy nông. Với lý luận đó, ông cũng đề xuất Chính phủ cho tạm ứng khẩn 5.000 tỉ đồng để triển khai, mà theo ông đầu tiên có thể thí điểm ở… khu vực Q.Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) từ ngày 10.10.2016.
Trước thắc mắc số tiền tạm ứng quá lớn, ông Phương giải thích vì Bộ KH-CN yêu cầu làm việc với 7 bộ liên quan, tính sơ sơ các cuộc họp với bộ, ngành, rồi 63 tỉnh, thành phải mất tới 3.087 cuộc họp. Đó là mới tính họp 1 lần là thành công, nếu không thì con số này phải cao hơn và như thế phải mất tới 10 năm họp hành.
“Vì thế, tôi mới đưa ra con số này để lo triển khai và làm thí điểm tại Đà Nẵng. Đó là số tiền tính chung cho cả 1.000 trạm. Nếu xây ít trạm hơn thì số tiền cũng sẽ ít hơn”, ông Phương nói.
Đừng “vẽ vời” tốn tiền thuế của dân
Đầu tư nghiên cứu làm mưa nhân tạo hiện nay ở VN là lãng phí vì chắc chắn là không có hiệu quả. Hay nói cách khác việc “lên trời gọi mưa” là rất viển vông. Lỡ mất tiền rồi thì cũng không thể bắc thang lên hỏi ông trời có đòi được không
TS Tô Văn Trường
GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi VN, khẳng định cách làm của công ty này là hình thức tạo ra mưa nhân tạo. Trước đây, trong chiến tranh một số nước đã làm mưa nhân tạo để ngăn chặn đối phương hành quân. Bây giờ, người ta sử dụng mưa nhân tạo để phục vụ tưới tiêu, hạn hán. Tuy nhiên, gây mưa nhân tạo không đơn giản. “Để gây mưa nhân tạo có mây thôi chưa đủ, cần phải có các yếu tố tạo ra mưa như: hơi nước, nhiệt độ, sức gió… Đây là vòng tuần hoàn của vũ trụ mà cho đến nay con người chưa khám phá được. VN chưa phát triển về công nghệ vũ trụ, chưa có vệ tinh địa tĩnh đo các thông số về thời tiết nên chưa làm được điều này”, TS Vũ Trọng Hồng nói.
TS Tô Văn Trường không ngại ngần nói thẳng, VN đã từng nghiên cứu về mưa nhân tạo nhưng kết quả nghiên cứu là không khả thi và đến nay vẫn chưa có tiến triển gì mới. Vì vậy, xin đừng vẽ ra các dự án “trên trời” để lừa tiền thuế của nhân dân. TS Tô Văn Trường cho biết thí nghiệm đầu tiên về tác động lên mây đã được thực hiện vào cuối những năm 1940 của thế kỷ 20. Từ những năm 1950, nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và Liên Xô, sau đó là Nga đã tập trung nghiên cứu điều khiển thiên nhiên. Nước nào cũng mong muốn một ngày nào đó có thể bấm một nút vào buổi sáng để quyết định ngày hôm đó mưa hay nắng.
Ở VN cũng từng có một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ có tiêu đề “Nghiên cứu cơ sở khoa học để làm mưa nhân tạo tại VN”, do PGS Vũ Thanh Ca, thuộc Bộ TN-MT làm chủ nhiệm vào thời điểm 2005. Nhóm nghiên cứu của VN đã phối hợp với các chuyên gia hàng đầu đến từ Mỹ, Nga, Trung Quốc, Israel, Thái Lan nhưng không hiệu quả. Từ năm 2006, năm kết thúc đề tài đến nay, nhóm nghiên cứu VN vẫn tiếp tục theo dõi các kết quả nghiên cứu khoa học trên thế giới về tác động nhân tạo để biến đổi thời tiết và khẳng định rằng các nghiên cứu mới cũng chưa cung cấp được kết quả nào khác hơn với những nhận định trước đây.
“Vì vậy, đầu tư nghiên cứu làm mưa nhân tạo hiện nay ở VN là lãng phí vì chắc chắn là không có hiệu quả. Hay nói cách khác việc “lên trời gọi mưa” là rất viển vông. Lỡ mất tiền rồi thì cũng không thể bắc thang lên hỏi ông trời có đòi được không”, TS Trường kết luận.
Ý tưởng vui quá !
Từ góc độ những người làm chuyên môn, PGS-TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT), cho rằng đây là dự án thiếu thực tế và không khả thi. Không thể có chuyện mấy trạm mà điều tiết được cả hệ thống và thay đổi được thiên nhiên.
“Là cơ quan chuyên môn, khi chưa rõ Công ty khoa học công nghệ An Sinh Xanh sử dụng công nghệ gì để gọi mưa thì chưa thể bình luận gì thêm. Bao giờ nhận được hồ sơ và công văn của Bộ chúng tôi sẽ trả lời chính thức bằng văn bản”, ông Thắng nói. Nghe hỏi đề án này, ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, nhận xét: “Ý tưởng này vui quá. VN và thế giới trước giờ người ta chỉ làm công tác dự báo, có nghĩa là mang tính thụ động. Tôi cũng chưa biết có ai đó dám khẳng định mình sẽ dự báo đúng 100%, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới như VN thì công tác dự báo càng khó khăn hơn. Bây giờ người ta lại còn muốn chủ động điều tiết mưa thì thật không thể hiểu, tin được”.
Theo nhiều chuyên gia, trên thế giới có công nghệ gây mưa nhân tạo nhưng không thể biến nó thành “công nghệ” điều tiết mưa. Cách gây mưa nhân tạo đã được tìm ra từ những năm 1940, nhưng đến nay nó vẫn không phải là giải pháp được sử dụng phổ biến. Người ta gây mưa nhân tạo bằng cách bắn các viên đạn chứa i ốt bạc (AgI) lên các đám mây hoặc dùng máy bay rải nó lên các đám mây. Trong điều kiện tự nhiên, sự ngưng tụ hơi nước không đủ để gây mưa thì AgI là chất xúc tác giúp hơi nước dễ ngưng tụ hơn và gây mưa.
Trả lời Thanh Niên, ông Bùi Thế Duy, Chánh văn phòng Bộ KH-CN, xác nhận: “Bộ KH-CN đã nhận được công văn của Công ty CP khoa học công nghệ An Sinh Xanh. Do đây không phải dự án về công nghệ, vấn đề liên quan đến thời tiết và khí tượng thủy văn và địa điểm triển khai dự án, theo luật muốn thực hiện phải được phép của Bộ TN-MT và Bộ Quốc phòng. Trong tháng 7, Bộ KH-CN đã gửi công văn trả lời, đồng thời hướng dẫn công ty liên hệ với 2 bộ trên”.
Vào năm 2010, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tel Aviv (Israel) đã giám định dữ liệu thu thập hơn 50 năm qua về làm mưa nhân tạo. Kết quả báo cáo cho thấy lượng mưa tăng ở những nơi được con người can thiệp phần lớn là do thay đổi của mô hình thời tiết, chứ không phải ảnh hưởng trực tiếp từ quá trình tạo mưa, theo trang The Sydney Morning Herald.
Thụy Miên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.