Chống đầu cơ
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trong quý 2/2011 trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới. Giá vàng trong nước ngày hôm qua giảm 150.000 đồng/lượng, theo giới đầu tư là do tác động từ thông tin này.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm phân tích, vàng miếng lưu thông trên thị trường tự do này đã “ngốn” một lượng ngoại tệ rất lớn của nền kinh tế, vì được chế tác, dập từ vàng thỏi nhập khẩu để cung cấp cho thị trường.
“Vàng miếng luôn sẵn sàng trở thành tài sản găm giữ và đầu cơ nên nó gây ra sự bất ổn cho thị trường ngoại hối” - ông nói, và cho biết hiện số lượng cụ thể vàng miếng đã xuất ra thị trường là bao nhiêu chưa có con số cụ thể. Nhưng chắc chắn khối lượng là không nhỏ, tương đương nguồn ngoại tệ rất lớn dùng để nhập khẩu.
Theo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối, vàng miếng là vàng đã được dập thành miếng dưới các hình dạng khác nhau, có đóng chữ số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của nhà sản xuất. Lâu nay, tại Việt Nam vàng miếng là một phương tiện tích trữ, thanh toán trong các giao dịch truyền thống. Những năm gần đây nhu cầu kinh doanh vàng tiền tệ với số lượng lớn ngày càng tăng, bởi nó thuận tiện cho việc tích trữ, thanh toán, trao đổi, vận chuyển gọn nhẹ. (A.V) |
Theo ông Kiêm, Chính phủ không cho phép kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do nhằm giảm nhập siêu, quản lý chặt chẽ lượng vàng thỏi nhập vào thị trường trong nước.
Thứ hai, do vàng miếng không phải là vàng tiêu dùng, vàng trang sức, thường trở lại dự trữ rất nhanh, cấm cũng để hạn chế tình trạng găm giữ, đầu cơ trục lợi. “Đây là một trong những giải pháp để giảm nhập siêu, ổn định thị trường ngoại hối, chống lạm phát” - ông Kiêm nói.
Lãnh đạo một NH quốc doanh tại Hà Nội cho biết vàng miếng hiện nay cũng như vàng nguyên liệu được xem như một dạng ngoại hối. Tuy nhiên, thời gian qua do NH nhà nước buông lỏng, chưa có những biện pháp quản lý chặt chẽ, nên tác động lớn tới thị trường tiền tệ.
“Chính phủ thấy rằng, vàng miếng là một dạng phương tiện thanh toán, chủ yếu được nắm giữ, đầu cơ chứ không phục vụ tiêu dùng như vàng trang sức. Vì vậy tác động rất mạnh tới thị trường tiền tệ, đặc biệt thị trường ngoại hối nên buộc phải cấm” - ông nói. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, hiện đang có nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng lách bằng cách làm xiềng, xích, dây đeo cổ… nặng đến hàng kg, do đó vàng miếng là như thế nào, quy định ra sao NH nhà nước phải có hướng dẫn cụ thể.
Trong khi đó, theo ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đề án quản lý kinh doanh vàng của NH nhà nước, trong đó có tiến tới cấm kinh doanh vàng trên tài khoản cần được tính toán thận trọng. Cần rà soát, thống kê được lượng vàng miếng đã được các doanh nghiệp dập và cung ứng ra thị trường trong thời gian qua, tương ứng với giá trị là bao nhiêu. Qua đó, đánh giá tác động của nó tới thị trường tiền tệ, đặc biệt ngoại hối nhằm có những biện pháp cụ thể để kiểm soát.
Bảo đảm người dân không bị thiệt
Theo ông Cao Sĩ Kiêm, nếu cấm NH nhà nước cần có cơ chế để “giải quyết” số vàng miếng đang tích trữ trong dân. Nếu NH nhà nước mua lại qua các đầu mối thì phải đảm bảo người dân không bị thiệt thòi. Bên cạnh đó, việc cấm nếu không được thực hiện thận trọng, không có sự kiểm soát chặt chẽ rất dễ hình thành chợ đen vàng, giống chợ đen ngoại tệ.
Ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng không có một nước nào mà người dân đem miếng vàng lủng lẳng chạy ngoài đường. Vàng cần được tập trung để có thể quản lý. Vì vậy, việc quản lý tập trung thị trường này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc tập trung như thế nào tùy theo quan điểm coi vàng miếng là tiền tệ hay hàng hóa.
Theo ông Dương, cũng giống như USD, các giao dịch mua bán vàng phải thông qua NH. Thế nhưng do tập quán của người dân từ xưa đến nay luôn nắm giữ vàng nên để "vượt qua" phong tục này cần phải có thời gian. Đồng thời các giải pháp đưa ra cần linh hoạt nếu không lại phát sinh thị trường vàng “chui” thì khó kiểm soát.
Ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) - cho rằng: “Thông điệp của Chính phủ về việc tập trung thị trường vàng miếng hoàn toàn hợp lý. Bởi ở nước ngoài, người dân không mua bán vàng thỏi, vàng miếng như ở Việt Nam. Việc mua bán vàng được thông qua các định chế tài chính, quỹ đầu tư. Các tổ chức này mua bán vàng qua hình thức ghi sổ, không mang vàng ra khỏi NH. Thế nhưng quá trình hình thành và phát triển của thị trường vàng Việt Nam từ trước và sau năm 1975 cho thấy vàng không chỉ là tài sản bảo toàn vốn mà có giai đoạn nó còn được dùng để thanh toán hàng hóa, đầu tư. Tâm lý giữ vàng đã trở thành một thói quen của người dân, nhất là trong những lúc lạm phát lên cao".
Ông Trần Thanh Hải kiến nghị, các giải pháp về việc quản lý thị trường vàng đưa ra cần phải có lộ trình cụ thể, xử lý vài trăm tấn vàng mà người dân cất trữ như thế nào và quyền sở hữu hợp pháp của người dân về vàng miếng ra sao, cũng như người dân mua bán vàng, cơ chế định giá vàng như thế nào… Ngoài ra, để giải quyết nhu cầu đầu tư vàng trong dân chúng, cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu thành lập sàn giao dịch vàng tập trung có thu phí và kiểm soát.
Giá vàng, USD cùng giảm Ngày 25.2, giá vàng giảm 150.000 đồng/lượng so với giá ngày 24.2. Giá mua vàng SJC giảm về 37,6 triệu đồng/lượng, giá bán giảm còn 37,68 triệu - 37,70 triệu đồng/lượng. Thị trường vẫn chưa phản ứng gì trước thông tin về việc “tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do” bởi hoạt động mua bán vàng trên thị trường vẫn khá ảm đạm. Giá vàng trong nước giảm do giá thế giới giảm 14 USD/ounce so với ngày 24.2 (tương đương 370.000 đồng/lượng), xuống 1.402 USD/ounce. Đồng thời giá USD tự do giảm 50 đồng/USD, còn 21.980 - 22.050 đồng/USD khiến giá vàng giảm. Giá vàng trong nước hiện vẫn đang cao hơn giá thế giới 380.000 đồng/lượng. T.Xuân |
Anh Vũ - Thanh Xuân
Bình luận (0)