Xanh, đỏ, tím, vàng tưng bừng màu sắc, các nhân vật từ kinh điển đến hiện đại, từ lung linh như thần tiên tỉ tỉ tới xấu xí, dị hình lần lượt “nổi” trên News Feed của cô Thuỳ.
“Gõ kẻng”, tính giờ, nhắc gọi í ơi, bàn bạc, góp ý rộn ràng, lớp Hoá trang online khuấy rộn cả một góc cộng đồng mạng. Tất cả mọi việc cứ như… chưa hề có Covid-19, thạc sĩ Đào Thuỳ, Chủ nhiệm chuyên ngành Nghệ thuật Hoá trang và cũng là Chủ nhiệm nhóm học trò online - những nghệ sĩ hoá trang tương lai, chia sẻ.
"Mùa dịch Covid-19 thứ N" - Đào Thuỳ vẫn trêu đùa như vậy. Hễ cứ văn bản chỉ đạo chống dịch của Chính Phủ được ban hành, sinh viên phải ở nhà là cô trò lại chia nhóm và bật chế độ online.
Các sinh viên được thảo luận với cô về ý tưởng, sở thích, sở trường và triển khai đề bài. Mỗi giờ học được phát trực tiếp, trò làm, cô theo dõi và góp ý, từng sinh viên một.
Cuối ngày, cả nhóm họp lại, đẩy bài lên để cùng nhận xét. Hỏng làm lại, chưa ưng làm lại… Cứ thế, cô kiên trì dạy từng bài, hướng dẫn từng chi tiết, kỹ thuật, thao tác. Học trò thì cần mẫn chỉnh sửa, tỉa gọt từng đường, từng nét.
Những tác phẩm dần hình thành, đa dạng, rực rỡ và sinh động. Những mảng miếng phía sau hậu trường, nơi sản xuất ra các nhân vật điện ảnh, cổ tích kinh điển dần dần hiện lên đầy thú vị, thu hút sự theo dõi, bình luận, bày tỏ cảm xúc thán phục của đông đảo cư dân mạng.
Học nghệ thuật vốn vất vả, bởi đó là môn học thực hành. Giáo viên thị phạm, học sinh quan sát và làm theo. Kiến thức và kinh nghiệm tích luỹ phải ngang nhau. Lý thuyết ít bao nhiêu, thực hành và trải nghiệm phải nhiều bấy nhiêu. Đó là chưa kể ngành hoá trang của Việt Nam mới đang bắt đầu những bước đầu tiên đi vào chuyên nghiệp. Ngay chuyên ngành Nghệ thuật Hoá trang của trường Sân khấu Điện Ảnh cũng chỉ mới bắt đầu được đào tạo ở Việt Nam chừng vài năm gần đây.
Thế nhưng, học nghệ thuật online còn vất vả hơn nhiều lần như thế. Bởi nghệ thuật là thứ mang nặng tính thực hành, trải nghiệm và tương tác. Sách vở càng ít bao nhiêu thì yêu cầu tiếp cận, thực hành lại nhiều bấy nhiêu.
Mô hình học online lần đầu tiên được triển khai khi thế giới vướng phải đại dịch Covid-19. Tuy nó đảm bảo được một phần tiến độ của các hoạt động thường nhật. Thế nhưng, thực tế, học online rất vất vả bởi khoảng cách, sự tách biệt giữa thầy và trò, giữa các sinh viên, học sinh với nhau. Nó khiến cho sự tương tác, học hỏi, thấu hiểu nhau giảm đi đáng kể. Với các chuyên ngành nghệ thuật như Hoá trang thì việc cô một nơi, trò một nơi nói cho nhau nghe đã là khó huống hồ lắng nghe ý tưởng của nhau lại càng khó hơn.
Khi mà, một trong hai bên của cuộc thoại lại là người… đang tập, đang học, có khi còn chưa thể miêu tả hết những gì mà mình muốn làm, muốn sáng kiến vừa mới loé lên, còn chưa định hình hài.
Để có thể kết nối, không chỉ cô mà cả trò phải rất tập trung, kiên nhẫn. Và hơn hết là cả đôi bên phải rất say mê, mới có thể kiên trì được.
Cô giáo thì ở Hà Nội, học trò thì ở khắp các tỉnh. Lần dịch này, miền Bắc bị ảnh hưởng nặng nề, sinh viên của lớp có nhiều bạn ở tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang, quê nhà thiếu thốn đồ nghề, vật dụng, không đủ để làm bài. Không để học sinh bỏ bài, thiếu bài, cô giáo lại xoay sở mọi hướng để tìm cách chuyển đồ về cho học sinh.
Với cách làm đó, không học trò nào của cô Thuỳ thiếu đồ để học, để làm, kể cả những nơi tâm dịch đầy khó khăn, căng thẳng. Vùng có dịch cũng như vùng không có dịch, "chế độ - nghĩa vụ" như nhau. Đủ đồ dùng, thiết bị, bài vở làm - nộp đầy đủ, đều đặn, cô trò say sưa tới mức quên đi cả sự u ám của dịch dã.
Hoá trang và tạo hình là một mảng khó. Xác định mình là người truyền lửa, Đào Thuỳ chia lớp thành những nhóm nhỏ để hỗ trợ từng bạn và cũng là để “tiếp lửa”, tháo gỡ khó khăn cho từng bạn.
Làm nghệ thuật là phải cầu toàn, khắt khe, phải vượt khó để hiện thực ý tưởng. Khắt khe với chính mình để tác phẩm ra đời được hoàn hảo, sát thực ý tưởng và mong muốn sáng tạo nhất có thể.., Đào Thuỳ tâm sự.