Cách trung tâm thủy điện Hòa Bình chưa đầy 30 km, nhưng hơn 20 năm nay, người dân ở Tiểu khu 7, xóm Khả (xã Bắc Sơn, H.Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) vẫn không có điện, sống hiu hắt trong cảnh đèn dầu.
Hơn 20 năm nay những đứa trẻ trong Tiểu khu 7 phải học chung nhau dưới ánh sáng của chiếc đèn dầu- Ảnh: T.H |
Đến Tiểu khu 7 (người dân quen gọi là xóm “Đèn dầu”), hầu như không có một thứ gì liên quan hay dùng đến điện. Có lẽ, thứ nhìn thấy phổ biến nhất là những chiếc đèn dầu, đèn pin cùng những chai dầu hỏa mà người dân mua về dự trữ và những chiếc quạt được làm từ mo cau. Nhà nào "chơi sang" lắm thì sắm thêm bình ắc quy, và cái radio chạy bằng pin. Đó cũng là thứ duy nhất để họ cập nhật hay nghe ngóng về “thế giới” bên ngoài.
Hơn 20 năm sống trong bóng tối
Tiểu khu 7, được thành lập từ năm 1993, với 5 hộ dân được tách ra từ xóm Khả. Đến năm 2010, chính quyền xã thực hiện chính sách di dân mới, chuyển tiếp 12 hộ dân về Tiểu khu 7, nâng số dân lên 23 hộ với hơn 100 con người. Từ khi thành lập đến nay, người dân không hề được cấp điện mà chỉ sống bằng ánh sáng đèn dầu le lói. Bởi thế, ở đây có tên khác là xóm “Đèn dầu”.
Trong căn nhà cấp 4, đang xây dang dở, lởm chởm xi măng, anh Bùi Văn Chuyên, bức xúc nói: “Hơn 20 năm nay, người dân ở đây cực khổ lắm, đèn và dầu được coi như những thứ quý giá nhất trong nhà. Chúng tôi phải đi 4 – 5 km ra tận trung tâm xã mới mua được dầu, nhưng cũng hiếm lắm, thỉnh thoảng mới mua được hoặc dịp tết mới có. Thực sự, chúng tôi đang sống trong bóng tối”.
Về mùa đông, để xua đi cái giá lạnh nơi rừng núi, những người dân ở đây nhóm lửa to giữa nhà vừa cho con học bài, vừa tiết kiệm được dầu, hoặc đi ngủ sớm từ 18 giờ. Về mùa hè, người dân không thể chịu nổi cái nóng ở trong nhà thấp lè tè, lợp bằng ngói Fi brô xi măng, họ phải kéo nhau lên rừng, tìm hang đá để tránh nóng. Chị Bùi Thị Bằng (34 tuổi) vợ anh Chuyên cho biết thêm: “Để tránh nắng, người dân ở đây gồng gánh, chuẩn bị cơm nước, đèn dầu, chiếu…lũ lượt kéo nhau lên hang ở, trẻ con cũng lên đây để học bài. Sáng đi làm lại dọn về, chiều tối lại lên hang”.
Ở đây, hầu như người dân đang sống tách biệt với “thế giới” bên ngoài vì không được xem tivi. Những đứa trẻ thiệt thòi nhất vì hành trình tìm con chữ dưới ánh đèn dầu mù mịt. Chị Hoàng Thị Nguyện (27 tuổi) chia sẻ: “Chúng tôi phải sống mà không biết ánh điện là gì. Đi làm cả ngày, tối tăm mặt mũi mới về, nấu ăn thì lấy đèn pin đội lên đầu mà nấu, ăn tối thì đèn dầu không đủ, phải treo đèn pin lên cọc nhà. Trẻ con, khi mùa đông học dưới ánh sáng bếp lửa, mùa hè phải học dưới ánh trăng…”
Anh Bùi Văn Nhiện (40 tuổi), Tiểu khu trưởng, Tiểu khu 7, kể: “Mỗi tháng gia đình tôi dùng 2 lít dầu ma rút, mất 80 nghìn đồng, mà cũng phải để 4 – 5 km mới mua được, bình ắc quy chỉ dùng được vài lần hết điện rồi để đó. Gia đình tôi có 2 cái tivi do vợ tôi đi làm ở Hà Nội mua về, nhưng chỉ để kê sách cho con và để làm… cảnh!”.
Mòn mỏi chờ đợi
Tiểu khu 7, nằm ngay dưới đường dây cao thế chạy qua làng, dù điện có ngay trên “đầu” nhưng 20 hơn năm nay, người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi. Chị Bùi Thị Thoa (36 tuổi) cho biết: “Chính quyền xã nói chuyển về đây sẽ có điện mà bao nhiêu năm nay rồi vẫn không thấy. Trước khi chuyển về, chúng tôi cũng có văn bản ký kết của xã nhưng họ chỉ đọc khi họp dân, rồi bắt ký vào, chứ không cho chúng tôi cầm”. Theo người dân, suốt 20 năm nay, chính quyền xã còn báo cáo lên huyện là 100% hộ dân ở xã đều có điện.
Anh Bùi Văn Chuyên nói: “Chúng tôi làm không biết bao nhiêu cách, viết bao nhiêu đơn thư nhưng chỉ mòn mỏi chờ đợi và những lời khất từ chính quyền xã. Khi 23 hộ dân chúng tôi làm đơn trực tiếp gửi lên huyện, thì huyện mới “ngã ngửa” vì mới biết xóm tôi vẫn sống trong bóng tối, trong khi xã báo cáo lên huyện là 100% hộ dân ở xã Bắc Sơn có điện thắp sáng”.
Ông Bạch Kim Khánh, Trưởng thôn xóm Khả cho hay: “Lần nào họp dân, tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng báo cáo, đề nghị, làm văn bản lên chính quyền xã, nhưng xã cứ hứa từ năm này sang năm khác, tháng này sang tháng khác, mà cũng không đề xuất lên huyện. Khi chúng tôi thắc mắc, sao xã báo cáo lên huyện 100% hộ dân có điện, thì được mấy ông nói, đây là dự thảo!”
Sau đó, huyện đã chỉ đạo, nên cuối tháng 9 năm nay, mới bắt đầu hạ thế đường điện. Thế nhưng, điện chỉ mới kéo ngoài luồng, chứ không vào trực tiếp tận nhà dân vì thiếu cột điện. Theo tính toán, nếu điện vào được nhà dân thì phải cần thêm 2 cột điện nữa. Hiện nhà gần nhất cách cột điện cũng 100 m, nhà xa phải 300 m, nên tiền dây điện kéo từ cột điện vào dân đã mất 5 - 6 triệu đồng, chưa kể tiền đồng hồ điện thì phải lên tới chục triệu. “Chúng tôi có thể chịu từ 500 nghìn - 1 triệu đồng tiền dây, chứ lên gần chục triệu thì chúng tôi không chịu được”, anh Bùi Văn Nhiện than thở.
Trao đổi với PV Thanh Niên về thực trạng trên, ông Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết: “Năm 2002 xã mới có đường điện, vì khu “dầu” này vẫn chỉ có 5 hộ dân nên chưa làm đường điện đến đó. Theo nguyên tắc, là dân ở đâu thì đường điện kéo tới đó”.
Giải thích nguyên nhân, vì sao chính quyền xã lại báo cáo lên huyện là 100% hộ dân có điện thì ông Lương lý giải: “Do trưởng thôn không báo cáo, kiến nghị, đề xuất lên xã, nên chúng tôi cũng không biết!”. Tuy nhiên, ông Lương lại hé lộ thông tin: “Muốn đảm bảo nông thôn mới phải 100% (xã có điện - NV), chúng tôi đang phấn đấu nông thôn mới”. Đồng thời, ông Lương tiếp tục biện minh : “Do tôi mới lên làm chủ tịch xã 3 tháng nay, nên không nắm được tình hình ở địa phương”. Trong khi đó, trước khi lên chủ tịch, ông Lương đã làm phó chủ tịch xã.
Hỏi khi nào có điện cho người dân, thì ông Lương quả quyết: “Chúng tôi đang kéo đường dây hạ thế, cuối tháng 10 năm nay, sẽ có điện cho người dân”. Nhưng ông Lương vẫn cho rằng: “Hiện tại, mỗi gia đình cách đường dây cũng khoảng 300 m thôi, nếu tính thì mỗi nhà cũng mất khoảng 6 triệu đồng tiền dây. Các gia đình có thể chịu được mức phí này!?”.
Bình luận (0)