Thanh niên ở xã Bình Hòa nhận may gia công tại nhà - Ảnh: Hồng Ánh
Vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ - Ảnh: Hồng Ánh |
Lách cách trong đêm
Ngày nào cũng vậy, khi trời vừa sụp tối thì cả xóm kênh Hội Đồng Mỹ và kênh Cả Điền bắt đầu lên đèn sáng rực, tiếng máy may lách cách, tiếng cười nói của những người thợ vang lên vui vẻ. Không biết nghề may gia công chăn, màn, mùng, gối có tự bao giờ mà đến nay, nghề này đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương. Do công việc này dễ làm, nên mỗi nhà đều có từ 3 - 4 người nhận sản phẩm về may.
Ông Võ Văn Hải (55 tuổi, nhà ở xóm kênh Cả Điền) cho biết nghề may chăn, màn, mùng, gối đã gắn bó với ông tròm trèm 10 năm. Ông Hải tâm sự: “Cũng nhờ nghề may gia công này mà gia đình tôi có đồng vô đồng ra. Trước đây, nhà tôi rất khó khăn, không ruộng rẫy sản xuất, tới mùa thì đi cắt lúa mướn, bốc vác, nhưng cũng chỉ đủ ăn. Gặp đám tiệc là phải chịu cảnh thiếu trước hụt sau”. Từ khi thấy chị Xuyến hàng xóm kiếm sống được nhờ nghề may mùng gia công, vợ chồng ông Hải cũng tập tành nhận vải về may, dần dà làm cho đến nay. Hiện nay, trung bình mỗi ngày vợ chồng ông may gia công được khoảng 60 sản phẩm, kiếm trên 120.000 đồng.
Như đã thành thói quen, nhiều gia đình may gia công ở 2 xã Bình Hòa và An Hòa ít chịu làm vào ban ngày mà phải đợi đêm xuống mới bắt tay vào việc. Theo ông Hải, vì ban ngày trời nắng nóng và thường xuyên bị cúp điện nên ảnh hưởng nhiều đến người may. Do đó, bà con thường đợi đêm xuống mới bắt đầu miệt mài may cho đến 1 - 2 giờ sáng. Nghề may gia công mùng, màn, chăn, gối thấy đơn giản vậy nhưng đòi hỏi người thợ phải cần mẫn, chịu khó, từng đường kim, sợi chỉ sắc sảo và tránh bị chạy chỉ.
Vang xa khắp miệt
Đi từ quốc lộ 91, đổ dốc cầu Bình Hòa sẽ thấy nhiều cơ sở lớn, nhỏ chuyên cung cấp nguyên liệu cho các hộ may gia công. Ngoài ra, các cơ sở này còn là đầu mối cung ứng sản phẩm chăn, màn, mùng, gối cho TP.Cần Thơ, các tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang, kể cả một số tỉnh nước bạn Campuchia. Sản phẩm ở đây có đủ kiểu dáng và mức giá phù hợp với túi tiền từ dân lao động cho đến những người giàu có.
Chị Lâm Hồ Mỹ Hạnh, chủ Cơ sở chăn, màn Lâm Hạnh, cho biết: “Khoảng 20 năm trước, ở đây chỉ có chỗ của tôi làm nghề này, nhưng hiện nay đã mọc lên khoảng 20 cơ sở. Lúc đầu, tôi may ít lắm, chỉ vài ba cái mùng đem bán lẻ ở chợ quê. Sau đó, khi sản phẩm mùng, màn bán chạy, tôi phải tăng cường may ngày, đêm mới đủ cung cấp cho khách hàng. Chỉ sau 2 năm, sản phẩm mùng, màn, chăn, gối của cơ sở đã vang xa khắp miệt. Từ đó, bạn hàng các tỉnh lân cận tự tìm đến đặt hàng”. Mỗi ngày, Cơ sở Lâm Hạnh may gia công hơn 200 sản phẩm, giải quyết việc làm cho trên 30 hộ dân. Sản phẩm thường bán chạy nhất vào mùa lúa hoặc các ngày cận tết. Theo chị Hạnh, mùng có nhiều loại như mùng lưới, mùng thun… Tùy theo loại mỏng, dày mà giá bán chênh lệch từ 50.000 - 100.000 đồng/cái.
Hầu hết các cơ sở sản xuất mùng, mền, chăn, gối tại xã Bình Hòa đều có thuê 6 - 10 thanh niên may gia công. Những thanh niên này tuổi từ 18 - 25 và chủ yếu là nam. “Nghề này đòi hỏi phải khéo léo và có sức khỏe thì mới làm ra nhiều sản phẩm. Mỗi ngày, em may buổi sáng từ 7 - 11 giờ, chiều từ 13 - 17 giờ, cũng hoàn thành trên 30 cái chăn, kiếm được khoảng 90.000 đồng. Nghề may gia công tuy khá vất vả nhưng được cái làm ở trong mát, thu nhập cũng khá…”, em Trịnh Văn Chuyến, một công nhân may ở đây, tâm sự.
Ông Hồ Trường Huấn, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, cho biết toàn xã hiện có hơn 30 hộ chuyên may thủ công mùng, chăn, màn, gối. Mới đây UBND tỉnh An Giang đã quyết định công nhận đây là làng nghề tiểu thủ công nghiệp, với hàng trăm hộ may gia công, các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa.
Hồng Ánh
Bình luận (0)