Xóm trọ ân tình

12/11/2010 08:53 GMT+7

Nghĩ tới chữ “nhà trọ” người ta liên tưởng sự bấp bênh, không gắn bó. Người làm dịch vụ cho thuê nhà trọ cũng thường bị coi là những người sòng phẳng tới mức không nghĩa, không tình. Nhưng ở quận Bình Tân (TP.HCM) có nhiều xóm trọ lại ân tình ăm ắp.

68 tuổi, bà Trần Thị Quê ở miền Tây lên Sài Gòn cùng hai con trai đang làm công nhân ở đây. Hành lý của người mẹ nghèo và hai đứa con chỉ có vài bộ đồ cũ. Giờ trong căn phòng trọ nhỏ của ba mẹ con có thêm cây quạt, một cái bếp dầu và mấy bộ đồ mới của người mẹ. “Bà chủ nhà cho vì thấy nhà tui nghèo quá, không có tiền sắm sửa”, bà Quê xúc động giải thích.

Nghĩa tình xóm trọ

Bà Quê ở trọ tại nhà chị Doãn Thị Mai (143 Trần Thanh Mại, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân) được năm tháng nay. “Tháng nào bà chủ nhà cũng cho mượn hai, ba trăm ngàn đồng”, bà Quê nói, vì sau khi cân đối chi tiêu ba mẹ con lúc nào cũng túng thiếu. Đến nay bà Quê còn nợ chủ nhà 1 triệu đồng.

“Cái quý nhất là khi mình khó khăn có người giúp đỡ, có nhiều chỗ thân quen người ta còn không giúp được như bà chủ nhà ở đây. Từ hồi giờ tui chưa thấy ai tốt như vậy. Bà chủ biết thương người quá”, bà Quê chất phác.

147

Đây là số chủ nhà trọ tham gia chương trình xây dựng mô hình “Nhà trọ văn minh - nghĩa tình” do Hội Liên hiệp phụ nữ và Liên đoàn Lao động quận Bình Tân phát động tháng 10-2010. Mô hình đảm bảo năm tiêu chí về an ninh, vệ sinh và nêu cao tinh thần tương ái, giúp đỡ công nhân ở trọ, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Doãn Thị Mai - chủ nhiệm CLB nữ chủ nhà trọ khu phố 3, phường Tân Tạo - cho biết các CLB họp định kỳ ba tháng một lần. Nhiều hoạt động thiết thực của CLB đã diễn ra nhằm chăm lo đời sống người ở trọ như thăm hỏi khi ốm đau, vận động chích ngừa, phổ biến luật...

May mắn sống tại khu trọ chan chứa nghĩa tình ở nhà bà chủ Bùi Thị Bửu (phường An Lạc. Q. Bình Tân), chị Nguyễn Thị Hương đi qua được những ngày tủi cực nhất trong đời mình. Sinh đứa con đầu lòng, chị Hương tưởng chừng không thể vượt qua được.

Từ Nghệ An, Hương vào TP.HCM làm công nhân. Được hai năm thì chị lấy chồng ở tuổi 28. Khi có bầu được năm tháng, người chồng để mặc chị bỏ về quê. “Lúc đó thật khó khăn, mình suy sụp lắm, nếu không có mọi người và nhất là má Ba (bà Bửu) khuyên nhủ, không biết mình có đứng vững được không”, chị nghẹn ngào nhớ lại.

Những ngày gần chuyển dạ, người mẹ trẻ cuống lên mỗi khi bụng đau âm ỉ vì chưa có chút kinh nghiệm nào.

“Hôm đó hơn 12 giờ đêm Hương chuyển dạ. Tui quơ đại cái bình thủy và mấy cái khăn rồi kêu xe cho Hương nhập viện liền”, bà Bửu nhớ lại. Một bé trai kháu khỉnh chào đời. Xóm trọ người cho than củi, người cho thịt, cho rau... giúp chị.

 “Ba tháng sau sinh nở tui không còn một đồng, nhờ mọi người xung quanh giúp cả. Má Ba cho nợ ba tháng tiền nhà và còn giúp đủ thứ”, chị Hương cho biết.

Còn chị Nguyễn Thị Hiền, quê ở Thanh Hóa, làm công nhân hơn bảy năm và vẫn thủy chung với căn phòng nhỏ trong khu nhà trọ của bà Nguyễn Ngọc Khôi (khu phố 4, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân). Nơi đó với chị đã là nhà.

“Vào Nam kiếm sống, lúc đầu mình nghĩ những chủ nhà trọ cũng không thiện cảm. Sống ở đây mình thấy suy nghĩ ban đầu đó sai quá”, chị Hiền nhìn nhận.

“Nhiều lúc ốm đau tủi thân lắm vì một thân một mình, nhưng nhờ cô Khôi chủ nhà hỏi han, động viên nên thấy ấm áp hơn. Như lần mình sinh em bé, không chỉ mẹ ở quê thường xuyên nhắc nhở, dặn dò mà cô Khôi cũng truyền nhiều kinh nghiệm, kiêng cữ khi sinh con đầu lòng”, chị Hiền nhắc lại.

Còn bà Khôi thì cười xòa: “Khu trọ của tui phần nhiều là người từ phía Bắc. Mỗi dịp lễ tết lại được nhận đặc sản quà quê Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa... Quý nhau lắm”.

Như một gia đình

Ở khu phố 8, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, cô chủ nhà trọ trẻ măng Phạm Thị Sim thấy cảnh công nhân trọ phải chịu giá điện cao đã bỏ công “chạy” được hợp đồng xin mua điện đúng giá. Nhờ vậy mà từ năm 2007 tới giờ, ai ở trọ nơi này không phải trả tiền điện giá cao.

“Hồi đó bên Điện lực Bình Phú nhất định đòi có dấu mộc bên công chứng trong hợp đồng thuê nhà mới giải quyết cấp định mức điện cho công nhân. Còn bên công chứng nhất định đòi từng người lên ký. Hơn 300 công nhân, ban ngày lại đi làm liên tục làm sao mà ký được”, chị Sim kể lại cái khó những ngày mình đi xin hợp đồng mua điện.

Chạy lui chạy tới và tốn đủ thứ tiền, sau một tháng rưỡi chị Sim cũng làm được 45 hợp đồng mua điện đúng giá cho công nhân ở trọ nhà mình. Chị Sim bảo từng đi ở trọ, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, từng là người phát lương cho công nhân nên cảm thông nhiều với những người ở trọ.

Cửa hiệu tạp hóa chị mở đầu hẻm bán đủ thứ hàng hóa thông dụng như mì gói, dầu ăn, nước tương với giá rẻ hơn bất cứ nơi nào! “Siêu thị” này cứ sau giờ tan ca lại tấp nập hẳn lên. “Rẻ hơn không bao nhiêu đâu nhưng mấy em ở trọ quanh đây thích lắm”, chị nói. Cũng ở gần đấy, khu nhà trọ của chị Mai mấy năm nay vẫn giữ ở mức 500.000 đồng/phòng.

 “Tiền bạc ai không ham, nhưng ăn bao nhiêu cũng hết, tình người thì còn mãi. Với lại tui thấy giá cả vậy cũng được rồi”, chị Mai giải thích cho việc giữ giá của mình.

Những căn nhà trọ ở đây luôn đầy nghĩa tình. Những bữa cơm tất niên tại nhà chị Khôi luôn là món quà tinh thần cho những người ở trọ dịp xuân về.

“Khu trọ nhiều người Bắc, mỗi lần về là một lần tốn, nên tết nhất cũng hai, ba năm mới về một lần. Tết nào đêm 30 dì Ba (Khôi) cũng có mâm cơm để mọi người quây quần bên nhau” - anh Lê Bá Phúc, đã ở trọ bảy năm, cho biết. Trong đêm giao thừa ai cũng có quà, chai dầu ăn, gói bột ngọt... được bà Khôi gói lại cẩn thận rồi cho mọi người bốc thăm may mắn.

“Quà không nhiều tiền nhưng ai cũng có, tết vậy mới vui. Mấy em xa nhà đỡ chạnh lòng hơn”, bà Khôi cười.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.