Xôn xao "Về đất Thăng Long"

18/01/2011 22:35 GMT+7

Tuy được thực hiện muộn nhất trong loạt phim lịch sử chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng phim truyền hình Về đất Thăng Long đang phát sóng đã thu hút sự chú ý của khán giả.

Khán giả chú ý vì từ khi chưa lên sóng, trailer của phim (cũng như một số phim khác về Lý Công Uẩn) đã được đem ra mổ xẻ, tranh luận dữ dội, nhất là về phục trang, kiến trúc… Mặt khác, đây là phim lịch sử do một hãng phim tư nhân đầu tư sản xuất (M&T Pictures phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM thực hiện, đạo diễn: Trần Ngọc Phong, Đinh Thái Thụy, Lê Chí Bửu; biên kịch: Phạm Thùy Nhân - PV), được thực hiện khá gấp rút: 40 tập trong khoảng 4 tháng.


Trang phục quân lính trong phim bị cho là giống thời vua Khải Định - Ảnh: M.T

Lê Long Đĩnh “nổi” hơn Lý Công Uẩn

Từ những tập đầu tiên, với phần âm nhạc tạo cảm xúc; tiết tấu nhanh; đa số các diễn viên được chọn hợp vai; ngôn ngữ, cách xưng hô gần gũi với tai nghe của người Nam Bộ nói riêng cũng như khán giả nói chung (như mong muốn ban đầu của ê-kíp làm phim - PV), bộ phim đã tạo được những thiện cảm ban đầu. Đặc biệt, sự nhập vai của diễn viên gạo cội Diễm My (vai Thái hậu Diệu Nữ) và diễn viên Lâm Minh Thắng (Lê Long Đĩnh) trong lần đầu đóng phim cổ trang đã ít nhiều ghi thêm điểm cho Về đất Thăng Long. Tình yêu, sự phân chia lòng thương của người mẹ dành cho các con, niềm hạnh phúc vô bờ khi Long Việt (Mã Hiểu Đông đóng) được phong Thái tử, hay nỗi đau tột cùng khi thấy Long Đĩnh giết Long Việt để cướp ngôi…, tất cả những diễn biến nội tâm, cao trào cảm xúc ấy đều được Diễm My hóa thân và lột tả tới nơi. Còn với Lê Long Đĩnh, trừ một số tình huống cho thấy nhân vật hơi bị gồng trong cách thể hiện, Lâm Minh Thắng đã thành công khi mang đến cho khán giả sự căm ghét, ghê rợn về một bạo chúa hoang dâm vô đạo.

Người được trông đợi nhiều nhất có lẽ là Lý Hùng khi vào vai Lý Công Uẩn. Tuy nhiên, do khán giả đã quá quen thuộc với một Lý Hùng trong các vai đeo gươm, cưỡi ngựa… và vì tính cách, khí chất của Lý Công Uẩn trong giai đoạn đầu của phim chưa nổi bật, ấn tượng lắm, nên sự xuất hiện của vị anh hùng này có vẻ khá lu mờ so với hai nhân vật trên.

Áo dài đã có từ thời Tiền Lê?

Theo đội ngũ làm phim, tuy kịch bản bám sát theo những ghi chú thành văn có trong Đại Việt sử ký toàn thư để tạo nên “bộ khung” vững chắc, nhưng bên cạnh đó, không thiếu những hư cấu nghệ thuật, từ sự kiện đến nhân vật, như: Hoàng hậu Ngọc Lâm tư thông với Minh Đề, Hoàng Khánh Tập sai sát thủ hành thích Lý Công Uẩn, cuộc truy hoan của Long Đĩnh với 10 mỹ nữ ngoại quốc… Những hư cấu nghệ thuật này góp phần làm cho câu chuyện sinh động, hấp dẫn và hoàn chỉnh hơn, song cũng được dừng đúng mực để lịch sử đi đúng quỹ đạo của nó, như nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân phát biểu trong buổi ra mắt phim.

Tuy nhiên, dẫu biết đó là hư cấu, một số nhân vật trong phim vẫn cho thấy họ đã quá đà, quá hiện đại. Ví như thời bấy giờ mà đã có một quận chúa Tầm Xuân (Kim Tuyến) thể hiện tình yêu lồ lộ, thấy Lý Công Uẩn đi đâu là theo đó, đang lễ chùa cũng nhanh chân ra bờ ruộng chào Tả thân vệ, đến nỗi chú tiểu đứng kề bên phải thốt lên: “Tiểu thư này ngộ quá, lúc nào cũng bám riết theo sư huynh”. Rồi cả chú tiểu này tuy là người xuất gia nhưng ăn nói nghe rất… trần tục, để Lý Công Uẩn nhắc khéo: “Chú tiểu lo tu đi nghe, suốt ngày để ý mấy cô gái đẹp, sao tu được!”.

Và cũng như nhiều phim lịch sử khác, điều khiến dư luận xôn xao trên các diễn đàn khi xem phim chính là về trang phục. Hỏi những người theo dõi, hầu hết đều cho rằng phục trang cho phim quá sặc sỡ, hội đủ kiểu dáng của nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều thời kỳ lịch sử. Chẳng hạn bà ngoại của Tầm Xuân thời ấy (thời Tiền Lê) đã có áo dài để mặc, hay quân lính lúc bấy giờ ăn mặc bị cho là giống thời vua Khải Định… Rồi xem những cảnh thiết triều hay khi các hoàng tử cùng ngồi tranh luận vấn đề gì, cùng sự đa dạng về thiết kế, người xem còn chói mắt vì những sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng có đủ!

Chuyện phim bắt đầu vào năm Ất Mão (Ứng Thiên thứ 10 -1003) khi vua Lê Đại Hành cùng các quan xa giá rời hoàng thành Hoa Lư ra ngoại ô cử hành lễ tịch điền. Tháng 3 năm Ất Tỵ (1005), vua Lê Đại Hành băng hà. Thái tử Lê Long Việt lên nối ngôi nhưng được 3 ngày thì bị Lê Long Đĩnh sai người lẻn vào cung giết chết. Sau đó Lê Long Đĩnh tự lên ngôi vua... Diễn tiến của phim như thế nào, vai trò của Lý Công Uẩn ra sao..., khán giả có thể theo dõi tiếp trên HTV9 lúc 22 giờ 30 các ngày thứ năm, sáu, bảy, chủ nhật hằng tuần.

Một số ý kiến trên các diễn đàn lịch sử, điện ảnh

* Thời Lê Hoàn (năm 1000) mà lính đã ăn mặc theo kiểu lính Khải Định (1916-1925) !!! Rồi, tại sao Lê Long Đĩnh lại đội cái mũ râu giống của Tần Thủy Hoàng? (lytuong - lichsuvn.info)

* Hoàng bào của vua may bằng lụa hay sa-tanh gì đó óng ả quá! Phía trên có in hoa văn, hình con gì nhìn mãi không biết con gì... (thaiuy - lichsuvn.info)

* Y phục của sư Vạn Hạnh đẹp y chang Đường Tăng trong Tây du ký vậy! (boconganh - lichsuvn.info)

* Áo dài đã có từ thời Lý cơ đấy, còn thường dân đã có vải xuýt bóng để mặc rồi ??? (dienviennghiepdu - dienanh.net)

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.