Ngày 14.7, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”.
Theo báo cáo của sở này về tình trạng xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em, trong 4 năm (từ năm 2012 - 2015), cơ quan điều tra phát hiện và khởi tố mới 677 vụ án với 570 bị can; tòa án đã xét xử 538 vụ với 562 bị cáo. Như vậy, mỗi năm trung bình khởi tố mới 169 vụ án với 142 bị can về các tội XHTD trẻ em.
tin liên quan
'Xâm hại trẻ em với mức độ nghiêm trọng và gia tăng'Đó là nhận định của chuyên gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại hội thảo Thực trạng và giải pháp phòng chống xâm hại và buôn bán trẻ em (do Hội Bảo trợ Trẻ em TP.HCM phối hợp với một số đơn vị tổ chức vào ngày 16.6 tại TP.HCM).
Theo số liệu của Bộ Công an và Tổ chức UNICEF năm 2016, tại VN, mỗi năm trung bình có từ 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện, trong đó trung bình có 1.000 vụ XHTD trẻ em. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.
Xử lý rất chậm
Về thực trạng xâm hại trẻ em, ông Đào Quang Hưng, đại diện Sở Nội vụ TP.HCM, cho rằng vấn đề quan trọng là khi có thông tin về vụ việc thì cần phải báo cho ai...
Ông Hưng kể chuyện xảy ra tại địa phương mình để dẫn chứng: “Có lần tôi nhìn thấy 2 đứa trẻ chừng 13 - 14 tuổi quan hệ tình dục ở góc chung cư, tôi lên công an phường báo thì anh trực ban trả lời, nó làm gì kệ nó (!). Vụ thứ 2 là có một đứa bé 12 tuổi bị cha đánh, đại diện tổ dân phố lên công an phường trình báo thì công an phường lại nói: Chuyện của bà không lo, đi lo chuyện người ta làm chi. Gia đình người ta không làm đơn thì thôi mắc mớ gì bà lên báo (!)”.
Ông Võ Phi Châu, Phó trưởng phòng LĐ-TB-XH Q.4, thống kê trên địa bàn quận, năm 2016 có 24 vụ việc XHTD trẻ em. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ xử lý được 1 vụ! Ông Châu cho biết các cơ quan chức năng đưa ra nguyên nhân là do chưa đủ chứng cứ, điều này đã gây nhiều bức xúc. Ông đề nghị chính cơ quan điều tra phải có trách nhiệm điều tra và tìm ra chứng cứ để xử lý chứ không phải chờ người dân.
Phát biểu tại hội thảo, đại tá Nguyễn Thanh Huyền, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM, khẳng định việc công an phường không tiếp nhận xử lý tin báo về xâm hại trẻ em là sai và nhấn mạnh: Tiếp nhận và xử lý ban đầu về xâm hại trẻ em là trách nhiệm của công an phường.
Ông Phạm Đình Nghinh, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội trẻ em TP.HCM, cho biết hiện nay quy trình xử lý các vụ xâm hại trẻ em còn quá chậm. “Thời gian qua, có nhiều vụ việc nếu xử lý tốt, nhanh thì sẽ không bị đẩy lên thành những vụ nóng. Thực tế hiện nay có nhiều quận, huyện xử lý rất chậm, khi xảy ra vụ việc, các cơ quan chức năng lại yêu cầu công văn này, văn bản kia... trong khi nhiều vụ việc cần phải xử lý ngay, không thể chờ đợi được”, ông Nghinh nói và đề nghị bên cạnh việc xử lý, cũng cần có những dịch vụ hỗ trợ cho các em sau khi bị xâm hại, nhằm giúp đưa các em trở lại cuộc sống bình thường.
tin liên quan
Hơn 100 vụ xâm hại, hành hạ trẻ emTrong năm 2016 và 6 tháng đầu năm nay, tại TP.HCM đã xảy ra hơn 100 vụ xâm hại, bạo lực, hành hạ trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), đề nghị các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn, nhất là trong công tác tiếp nhận thông tin và giải quyết vụ việc. Ông Nam cho biết luật Trẻ em (hiệu lực từ ngày 1.6.2017) đã quy định Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.
Hiện nay, đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em số 18001567 tiếp nhận và tư vấn, hoạt động 24/24. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người chưa biết đến đường dây này. Thời gian tới, dự kiến sẽ thành lập tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em với 3 số đơn giản, dễ nhớ (ví dụ 111) để tiếp nhận tất cả thông tin về xâm hại trẻ em trên toàn quốc.
Bình luận (0)