Xử lý môi trường, cung cấp điện... để phát triển du lịch Côn Đảo

26/04/2019 20:33 GMT+7

Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mặc dù có tiềm năng về các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng nhưng du lịch Côn Đảo còn hạn chế, thiếu tính bền vững.

       
Thực trạng về điện, nước, môi trường ở Côn Đảo đang là bài toán nan giải của địa phương...
Ngày 26.4, tại huyện Côn Đảo, Báo Thanh Niên phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội thảo “Bảo tồn phát huy các giá trị di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo gắn với tăng cường, quản lý, phát triển du lịch”.
Đại diện Bộ Công thương, Bộ VH-TT-DL, Bộ TN-MT, Tổng cục du lịch, Cục điện lực và năng lượng tái tạo Bộ Công thương, Hiệp hội Du lịch VN, Hiệp hội Nhà vệ sinh VN, Khoa Du lịch ĐH Văn hóa TP.HCM, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các chuyên gia du lịch, doanh nghiệp du lịch... đã tham dự hội thảo, đưa ra nhiều góp ý, sáng kiến, giải pháp để phát triển du lịch Côn Đảo.

Bù lỗ 60 tỉ đồng tiền điện cho Côn Đảo

Các chuyên gia tham gia tọa đàm
Các chuyên gia tham gia tọa đàm
Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của TƯ, tỉnh, cùng với sự phát triển chung của cả nước, Côn Đảo có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế du lịch dịch vụ. Du khách đến Côn Đảo tăng theo từng năm và vượt một số chỉ tiêu về du lịch vượt mục tiêu phấn đấu vào năm 2020 như tổng lượt khách tham quan, doanh thu du lịch...
Khách đến Côn Đảo nhiều, trung bình mỗi ngày Côn Đảo đón khoảng 2.000 lượt khách đến tham quan. Điều này khiến cho chính quyền Côn Đảo cũng đang “nhức đầu” vì thiếu điện, nước. “Côn Đảo được cung cấp điện chủ yếu là nguồn phát diesel, công suất chỉ mới đủ đảm bảo an ninh quốc phòng, các cơ quan nhà nước, nhu cầu sinh hoạt của người dân. Còn nguồn điện cung ứng cho hoạt động sản xuất, các cơ sở du lịch đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong mùa cao điểm”, ông Phong chia sẻ.
Theo ông Đinh Duy Phong, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), ngành điện đang rất trăn trở về tình hình sản xuất, kinh doanh bán điện trên đảo hiện nay.
“Tập đoàn Điện lực VN và Tổng công ty Điện lực miền Nam thì từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm ngành điện phải bù lỗ khoảng 60 tỉ đồng để đáp ứng đủ nhu cầu điện phục vụ đời sống dân sinh và phát triển các ngành kinh tế của Côn Đảo. Do Côn Đảo ở cách xa đất liền, các nguồn điện cung cấp cho đảo chủ yếu là máy phát Diezel với giá thành đầu vào rất đắt đỏ”, ông Phong cho hay.
Ông Phong đánh giá, có nhiều dự án về phong điện, điện mặt trời được các nhà đầu tư triển khai ở huyện Côn Đảo nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào vận hành.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo
Do hạn chế về nguồn nên trong những năm qua hệ thống điện trên địa bàn huyện Côn Đảo chỉ đáp ứng được nhu cầu điện sinh hoạt và một phần điện cho dịch vụ, du lịch.
Điện dùng cho sản xuất công nghiệp gần như không đáp ứng được. Chính vì vậy các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên đảo gặp rất nhiều hạn chế.
Về giải pháp lâu dài cung cấp điện cho Côn Đảo, ông Phong đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các sở ngành rà soát lại các dự án năng lượng tái tạo đã được phê duyệt: tìm hiểu nguyên nhân chậm tiến độ, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các nhà đầu tư, hỗ trợ về vốn, cơ chế, đất đai …
“Phát triên lợi thế về năng lượng tái tạo, điện gió, mặt trời, điện rác … để hấp dẫn du khách bởi môi trường xanh sạch, nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển”, ông Phong đưa thêm giải pháp.

Rác thải, nước thải chưa được xử lý

Với điều kiện ngày càng thuận lợi về phương tiện từ đất liền tới Côn Đảo, lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng trong các năm gần đây gia tăng đột biến là điều kiện thuận lợi để Côn Đảo phát triển các ngành dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo các vấn đề môi trường cần được giải quyết kịp thời, đảm bảo cho Côn Đảo phát triển bền vững.
Bà Hoàng Thanh Nguyệt, Chánh văn phòng Cục Bảo vệ môi trường (Bộ TN-MT) cho hay, hiện nay nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Côn Đảo chưa được thu gom, xử lý bảo đảm quy định trước khi xả thải ra biển ven bờ, do đó, nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng nước biển ven bờ phục vụ du lịch là rất lớn.
Chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Côn Đảo phát sinh khoảng 15 tấn/ngày được thu gom, lưu giữ tại Bãi Nhát. Đến nay, lượng rác đang tồn đọng tại Bãi Nhát khoảng 72.000 tấn, do đó, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là rất lớn, nhất là nước biển ven bờ khu vực Bãi Nhát nếu không sớm có biện pháp giải quyết.
Để có biện pháp bảo vệ môi trường cho huyện Côn Đảo theo hướng phát triển bền vững, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch sinh thái, Tổng cục Môi trường đề nghị huyện Côn Đảo thu gom, đóng gói, vận chuyển chất thải rắnvào đất liền xử lý và triển khai thực hiện dự án xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu trung tâm Côn Đảo đảm bảo đúng tiến độ.
Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia du lịch, doanh nghiệp, ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết sẽ tiếp tục cùng các ban, ngành liên quan và chính quyền huyện Côn Đảo tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những giải pháp, kế hoạch hành động kịp thời để sớm đưa di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ Hội thảo, TS Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh về cơ chế nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng phối hợp phát triển du lịch trên cơ sở chiều sâu, bên vững. Một số hạng mục bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt phải có cơ chế xã hội hóa để tận dụng mọi nguồn lực phát triển du lịch.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch VN, ngoài du lịch tâm linh thì Côn Đảo có nhiều bãi tắm đẹp, còn giữ được sự hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng, có rừng nguyên sinh, vườn quốc giao, hệ sinh thái động vật, thực vật đa dạng quý hiếm...
“Côn Đảo cần phải xây dựng các sản phẩm khác biệt dựa trên tiềm năng vốn có, từng bước phát huy về du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch tâm linh để thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế”, ông Thọ nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Mai Hà Phương, Trưởng khoa Du lịch ĐH Văn hóa TP.HCM cho rằng, Côn Đảo cần phải tính toán đến các loại hình du lịch khác ngoài tâm linh. “Đối với người trung niên thì có thể họ thích du lịch tâm linh, chứ còn giới trẻ thì thích sinh thái, thích tắm biển hơn. Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực quản lý, phát triển hoạt động du lịch”, ông Phương nói.
Thực trạng về vấn đề liên quan đến nhà vệ sinh “chưa đạt chuẩn” hiện nay đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất chính là trẻ em, người bệnh, rồi mới tới kinh tế xã hội. Nhà vệ sinh “chưa đạt chuẩn” là nguyên nhân trực tiếp gây ra và lây lan bệnh dịch nguy hiểm, là tác nhân gây ra tâm lý sợ đi vệ sinh trong quá trình sinh hoạt hằng ngày nơi công cộng.
Ông Đào Xuân Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cho biết, sẵn sàng đồng hành cùng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Côn Đảo trong việc đầu tư, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh thông minh để phục vụ cho người dân, du khách, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững cho địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.