Vừa qua, báo chí có thông tin về chuyện nữ đại gia Diệu Hiền tại Cần Thơ xuất cảnh, để lại món nợ lớn.
Xin quý báo cho biết, trong tình huống bà Diệu Hiền không trở về thì tài sản và các khoản nợ sẽ được tính ra sao? Tài sản đã thế chấp có được bán để trả nợ hay không? Quy trình xử lý nợ của doanh nghiệp trước khi mở thủ tục phá sản như thế nào?
Hoàng Trần Duy
(Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Theo thạc sĩ, luật sư Phan Thông Anh - Trưởng cơ quan đại diện phía nam của Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Với trường hợp Công ty CP thủy sản Bình An, nếu bà Hiền không trở về thì việc cần thiết phải làm để các chủ nợ bảo vệ quyền lợi của mình là phải nhanh chóng khởi kiện tại tòa án (TA) có thẩm quyền (Tòa kinh tế TAND TP.Cần Thơ) để xác định số nợ. TA sẽ chốt lại số nợ và sẽ có những biện pháp ngăn chặn kịp thời nhằm hạn chế việc tẩu tán tài sản.
Mặt khác, người lao động hoặc chủ nợ còn có quyền khởi kiện yêu cầu TA mở thủ tục tuyên bố phá sản đối với Công ty Bình An. Khi TA chấp nhận đơn yêu cầu thì sẽ thành lập tổ quản lý tài sản để quản lý tài sản của công ty (những tài sản đang thế chấp cũng được xem xét), xác minh các khoản có (dư có) khoản nợ (dư nợ) của chủ nợ và con nợ có liên quan đến công ty để xác định số dư nợ thật. Trường hợp công ty không đủ tiền thanh toán thì TA sẽ tiến hành phát mãi tài sản. Sau đó, TA sẽ mở hội nghị chủ nợ để giải quyết nợ. Theo quy định của pháp luật, việc trả nợ sẽ được thực hiện theo thứ tự ưu tiên: Chủ nợ có bảo đảm (ví dụ các ngân hàng - NH, quỹ tín dụng, các tổ chức, cá nhân cho công ty vay nợ có thế chấp hợp pháp), các chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết vụ việc mở thủ tục phá sản, lương và BHXH cho người lao động, các khoản nợ ngân sách nhà nước (như thuế…), số dư còn lại sẽ thanh toán cho các chủ nợ khác theo tỷ lệ tương ứng.
Trong quá trình giải quyết, TA cũng sẽ xem xét phần góp vốn của các cổ đông trong công ty đã góp đủ với số vốn đăng ký hay chưa. Trên thực tế, nhiều DN đăng ký số vốn rất lớn nhưng số vốn góp trên thực tế lại nhỏ hơn rất nhiều. Trong trường hợp này, TA sẽ buộc các cổ đông góp cho đủ số vốn đã đăng ký góp theo giấy chứng nhận đăng ký DN, buộc các cổ đông phải chịu trách nhiệm hữu hạn trên số vốn đã đăng ký góp, kể cả việc truy cứu tài sản cá nhân để thực hiện nghĩa vụ theo số vốn đã đăng ký góp.
Trường hợp công ty có ý định bán tài sản (chưa thế chấp) để trả nợ thì công ty hoàn toàn có quyền đàm phán thỏa thuận, bán tài sản để thanh toán nợ cho từng chủ nợ, cho dù có một số chủ nợ đã chính thức nộp đơn khởi kiện đòi nợ, thậm chí ngay cả khi TA đã thụ lý thì việc bán tài sản vẫn là hợp pháp, trừ trường hợp TA đã chấp nhận đơn và có quyết định mở thủ tục phá sản hoặc tài sản đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kê biên.
Tuy nhiên, đối với tài sản đang thế chấp tại NH thì công ty không được quyền đem bán. Trong trường hợp này, chỉ có NH mới được quyền phát mãi tài sản ấy theo thủ tục của NH.
Hải Nam
(thực hiện)
Bình luận (0)