Vụ việc ở vòng loại giải bóng đá U.19 quốc gia năm 2020 khi một số cầu thủ của U.19 Bình Định và Đăk Lăk bị VFF kỷ luật treo giò vài trận chỉ là cách xử lý trong phạm vi chuyên môn vì xét thấy biểu hiện bất thường của số cầu thủ này. Biểu hiện đó chắc chắn không phải là sự mua bán đổi chác ở các đội bóng trẻ vì một thực tế là các đội bóng đá trẻ Việt Nam đa phần hiện nay sống bằng tiền ngân sách, đội lớn đang chơi ở V-League hay Hạng nhất có hỗ trợ thì cũng chẳng thấm thía gì nên họ cũng không có tiền để làm chuyện “dàn xếp tỉ số” đó.
Thời điểm này phần nhiều các sự cố tiêu cực chỉ xuất hiện ở môt số vị trí chủ yếu trong đội, như thủ môn, trung vệ hoặc tiền vệ phòng ngự...thậm chí có cả bàn tay HLV tạo nên hiện tượng “đá theo chỉ đạo cá cược từ xa”. Chỉ cần những bàn tay bẩn muốn tỉ số bao nhiêu, tổng tỉ số thế nào, đánh “tài hay xỉu” thì cầu thủ trẻ như con chốt trong tay họ có thể điều khiển một cách dễ dàng. Ở đây xin mở ngoặc cầu thủ trẻ ở rất nhiều CLB đá giải thực tế làm gì có thưởng từng trận, được ăn ngày 3 bữa và có chút lương 4-5 triệu đồng/ tháng là mừng rồi nên khi được “hứa” cho tiền cỡ chục đến trăm triệu đồng/ trận thì chuyện “mờ mắt” là không tránh khỏi, nên xuất hiện sự rủ rê cùng tham gia làm bậy.
|
|
VFF biết, các CLB biết không? Xin thưa đều biết nhưng đa phần đều giống nhau ở kịch bản “giơ cao đánh khẻ”. Tất cả đều cùng hô hào sẽ chống tiêu cực, sẽ điều tra rõ ngọn nguồn nhưng rồi đều kỷ luật theo kiểu xoa dịu treo vài trận, phạt vài triệu đồng rồi đâu cũng vào đấy. thậm chí cũng chỉ nhắc nhở chung chung chứ không hề xử lý một cách mạnh mẽ.
Chính sự thiếu kiên quyết và không làm đến nơi đến chốn đó, nên những đường dây tiêu cực lại ngang nhiên mọc rễ, một số hiện tượng chỉ chờ cơ hội là bùng phát trở lại. Khi có sự cố nổi cộm, dư luận và báo chí phản ứng gay gắt thì những người có trách nhiệm cứ vin vào chuyện “không đủ chứng cứ” hoặc “lời khai chỉ một chiều” nên xử lý theo kiểu loa qua, thiếu tính răn đe nên “con bệnh” cứ thế lờn thuốc.
Nhiều người đã đặt vấn đề nếu VFF trong phạm vi quyền hạn của mình và Ban chấp hành nên sửa đổi quy định kỷ luật, không nhất thiết phải chờ cơ quan điều tra (vì việc điều tra sẽ không đơn giản và mất nhiều thời gian của ngành Công an) mà chỉ cần xét thấy hiện tượng không bình thường, có những biểu hiện dưới phong độ một cách lộ liễu, bị người xem phản ứng hoặc gây ra sự cố tai tiếng thì nên xử ngay. Cần thiết thì xử treo từ một mùa bóng trở lên và chế tài thật nặng với các cầu thủ “nhúng chàm” thì chắc rằng tiêu cực ở bóng đá trẻ bằng cách này hay cách khác cũng sẽ phần nào được kiểm soát.
|
Nếu những “con sâu” ở trận U.19 Bình Định gặp U.19 Đăk Lăk hay rộng hơn từ mùa trước cũng ở vòng loại U.19 cũng trên sân Hàm Rồng hay VCK U.19 quốc gia trên sân Pleiku với trận Hà Nội- Phú Yên (nhiều vị trí trụ cột ở hàng thủ Phú Yên thi đấu không bình thường ở 10 phút cuối, chuyền bóng qua lại trên phần sân nhà chỉ mong .. hết giờ dù đang thua) mà xử nghiêm thì sẽ không có những hệ lụy sau đó ở vòng loại U.21 liên quan đến một vài cầu thủ đội Đồng Tháp.
Nhưng VFF khi đó “đá trái banh” sang cơ quan điều tra, còn cơ quan điều tra thì quá bận bịu nên đến cuối năm vừa qua vẫn chưa có câu trả lời. VFF không làm, đơn vị quản lý trực tiếp các đội bóng trẻ cũng xuề xòa nên khi có chuyện với vài bản khai nhận từ người trong cuộc lòi ra thì những ‘con sâu” này đã làm rầu nồi canh!
Với những đơn vị này họ càng không muốn những ‘con sâu” tiêu cực đó gây tác hại tới cộng đồng, đến niềm tin của người hâm mộ địa phương và làm “nồi canh” đang sôi sùng sục của bóng đá Việt Nam dưới thời của HLV Park Hang-seo lại bị nguội lạnh. Lẽ ra VFF và các đơn vị quản lý trực tiếp các đội U trong phạm vi quyền hạn của mình hãy hành xử một cách có trách nhiệm nhất, thẳng tay và kiên quyết một cách mạnh mẽ nhất với tiêu cực dựa trên những báo cáo và tư liệu chuyên môn, chứ không thể "nằm im" hoặc làm cho nhẹ đi đến khi đụng chuyện mới "tá hoả" vào cuộc.
Nếu không thẳng thắn với chính mình, không nghiêm túc từ đầu và làm đến nơi đến chốn bằng những tư liêu chuyên môn ở thời điểm được cung cấp thì VFF và các đơn vị đang nuôi nấng, dạy dỗ bóng đá trẻ sẽ khó lấy lại được hình ảnh cho bóng đá Việt Nam. Phải dứt khoát xử lý mạnh hơn nữa mới giúp cho những doanh nghiệp đã và đang đầu tư, chung sức cho quê hương như trường hợp của 2 đội hạng nhất Bình Định hay Đồng Tháp cảm thấy họ không bị tổn thương, liên lụy chỉ vì những nhân nhượng không đáng có với những ‘con sâu đang làm rầu nồi canh”.
Bình luận (0)