Xứ sở cây thuốc quý: Truyền kỳ về ‘cây thuốc giấu’

18/05/2015 10:54 GMT+7

Với 832 loài cây thuốc đã phát hiện, trong đó 36 loài cây thuốc có tên trong “Sách đỏ Việt Nam”, Quảng Nam thực sự là xứ sở của cây thuốc quý nhưng cũng dễ đối diện nguy cơ tận diệt nếu không cấp thiết bảo tồn.

Với 832 loài cây thuốc đã phát hiện, trong đó 36 loài cây thuốc có tên trong “Sách đỏ Việt Nam”, Quảng Nam thực sự là xứ sở của cây thuốc quý nhưng cũng dễ đối diện nguy cơ tận diệt nếu không cấp thiết bảo tồn.

 
Dược sĩ Đào Kim Long (bên phải) trở lại núi Ngọc Linh sau 40 năm tìm ra “cây thuốc giấu” - sâm Ngọc LinhDược sĩ Đào Kim Long (bên phải) trở lại núi Ngọc Linh sau 40 năm tìm ra “cây thuốc giấu” - sâm Ngọc Linh - Ảnh: Thanh Tuyền
Hai chuyến khảo sát liên tiếp mới đây của đoàn công tác H.Nam Trà My và UBND tỉnh Quảng Nam cùng với đề án phát triển và xây dựng thương hiệu quốc gia đối với sâm Ngọc Linh đang trình Chính phủ… đã gia tăng lượng thông tin về loài cây đặc biệt này.
Ngay trước khi khởi động chuyến khảo sát lên tận đỉnh Ngọc Linh, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch H.Nam Trà My không giấu giếm với các nhà báo (trong cuộc gặp gỡ đầu năm) về ý định “giải mã” một số câu chuyện truyền kỳ về đỉnh Ngọc Linh, nơi có loài sâm quý nằm trong top 4 sâm quý của thế giới (Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên, VN).
Từ lâu, đồng bào Xê Đăng rỉ tai nhau về một bãi đá lớn bí ẩn ở đỉnh Ngọc Linh, tảng nào cũng to như cái nhà. Nhưng chuyến đi hồi cuối tháng 3.2015, đoàn cán bộ H.Nam Trà My đã không tìm thấy bãi đá khủng đó. Cũng có thể họ đi khác hướng, vì phải tự mở đường để lên đến đỉnh. Nhưng một vị cán bộ huyện tâm sự rằng, có dịp hỏi chuyện những người già ở sườn Ngọc Linh bên phía Kon Tum, ông nhận thấy họ cũng tỏ ý sợ sệt mỗi khi nói về đỉnh Ngọc Linh, như một đỉnh núi thiêng…

Sâm Ngọc Linh giúp bệnh nhân cải thiện thể chất, trí lực và thể lực, chống suy nhược, gia tăng sức đề kháng của cơ thể. Sâm cũng giúp cải thiện các chỉ số sinh hóa của cơ thể (tăng dung tích sống, giảm cholesterol, tăng số lượng hồng cầu, hemoglobin, cải thiện suy nhược thần kinh và sinh dục, phục hồi nhanh sau phẫu thuật dạ dày, hiệp lực với các thuốc hạ đường huyết trong điều trị bệnh tiểu đường.

Lộ diện cây thuốc bí truyền

Ở hai bên sườn của “nóc nhà miền Nam”, đồng bào Xê Đăng từ lâu đã biết đến một loại cây mọc tự nhiên dưới tán rừng có dược tính kỳ lạ. Các già làng thường dùng củ của cây ấy chữa bệnh cho dân làng, để hồi phục sức khỏe khi leo núi. Phụ nữ sinh con hay người bị thú rừng cắn cũng sử dụng rất tốt... Cứ thế, các già làng chỉ tiết lộ thông tin về “phương thuốc bí truyền” ấy cho người đáng tin cậy, coi như đó là báu vật của làng. Cái tên “cây thuốc giấu” ra đời từ đó… Mãi sau này, vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ 20, báu vật tự nhiên ấy mới dần lộ diện.

Trong một chuyến công tác ở vùng núi Ngọc Linh hồi năm 1968, kỹ sư thực vật Vũ Đức Minh tìm được vài củ “cây thuốc giấu” mang về chữa vết thương cho cán bộ, chiến sĩ ở Khu 5. Khi thấy kết quả điều trị tốt, ông báo cáo lên Ban quân y Khu 5. Một cuộc khảo sát điều tra của Ban y tế Trung Trung bộ tổ chức 4 năm sau đó (tháng 10.1972) trên cả địa bàn Đắk Tô (Kon Tum) và lẫn Trà My (Quảng Nam).

Đến tháng 3.1973, nhóm của dược sĩ Đào Kim Long tìm thấy một cá thể tương tự ở độ cao hơn 1.800m, xác định đây là loại nhân sâm quý hiếm. Vậy là “cây thuốc giấu” của đồng bào Xê Đăng đã bước ra ánh sáng, được khoanh vùng bảo vệ, khai thác để làm thuốc chữa trị cho cán bộ, chiến sĩ Khu 5. Đấy là manh mối quý giá để mở ra nhiều đợt nghiên cứu sau này, và như một cơ duyên với sâm quý nếu biết rằng người Pháp cũng từng tổ chức những đợt khảo sát nhưng không tìm gặp.

Niềm hoan hỉ đã lan rộng ra ngoài biên giới VN kể từ khi dược tính và tác dụng đối với sức khỏe của cây sâm Ngọc Linh được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng vào những năm 80 của thế kỷ 20. Trên thị trường tự do lúc ấy, giá sâm Ngọc Linh đã tương đương giá sâm Triều Tiên, nhưng 10 năm sau đã đắt hơn sâm Hàn Quốc gấp nhiều lần. Ngay cả người dân ở Hàn Quốc, Nhật Bản cũng sang VN tìm mua sâm Ngọc Linh về chữa bệnh.

Loại cây đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh, cây thuốc quý hiếm của tỉnh Quảng Nam và quốc gia, đã “định danh” với hàng loạt cái tên: từ tên dân dã như cây thuốc giấu, sâm K5… đến sâm Ngọc Linh, sâm VN. Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy về mặt hóa học, thân và rễ củ sâm Ngọc Linh đã phân lập được 52 saponin, trong đó có 26 saponin thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật. Trong lá và cọng lá cũng phân lập được 19 saponin dammaran, 17 acid amin, 20 chất khoáng vi lượng. Theo các chuyên gia, sâm Ngọc Linh được ngợi ca là loài dược liệu quý bậc nhất VN hơn nữa lại sinh sống tự nhiên ở độ cao trên 1.000 - 2.400m ở vùng rừng già hỗn giao nguyên sinh.

Dưới tán rừng già bây giờ, sâm Ngọc Linh đã phát lộ giá trị kinh tế đặc biệt giúp đồng bào Xê Đăng thoát nghèo, thậm chí một số người nhanh chóng trở thành tỉ phú với bài toán thu 30 tỉ đồng/ha chỉ trong vòng 5 năm. Nhưng không vì thế mà “cây thuốc giấu” bị phai nhạt các câu chuyện truyền kỳ.

“Qua quan sát, tôi nhận thấy đồng bào Xê Đăng trân trọng cây sâm theo một cách rất lạ. Họ cũng sợ mất trộm sâm, cũng muốn nhân rộng diện tích để thoát nghèo, nhưng trong suy nghĩ của họ vẫn dành cho “cây thuốc giấu” một giá trị riêng biệt. Như cách họ nhổ bán sâm, họ đào bới rất nhẹ nhàng dù cây sâm rất dễ nhổ, khi xịt nước rửa củ sâm cũng tỏ vẻ nâng niu âu yếm”, ông Hồ Quang Bửu tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.