Vùng đất thiêng
Cảnh Dương được ví là phố trong làng, bởi nhà cửa kiên cố, trù phú nằm san sát nhau. Xưa, Cảnh Dương gọi là làng biển, nằm ở hữu ngạn sông Roòn, ngay cửa lạch ra biển. Phía đông là biển, phía tây có QL1 chạy qua cách làng chỉ chừng 1 km. Vì thế giao thông vào nam hay ra bắc, bằng đường sông, đường biển hay đường bộ đều rất thuận tiện. Nhìn toàn cảnh từ trên cao, Cảnh Dương trông như một bán đảo nhỏ với ba bề sông biển, người xưa từng ví làng như một con thuyền bồng bềnh trên sóng nước. Có người lại bảo, hình thế làng như 2 con cá voi quẫy nước. Phải chăng vì thế, cá voi dạt vào làng rất nhiều. Làng đang lưu giữ 2 bộ xương cá voi cực lớn và nơi đây có cả nghĩa địa cá voi, được gọi là cá ông, cá bà.
|
Làng thành lập từ năm Quý Mùi (1643), nằm trên cung tâm linh Hoành Sơn - Linh Giang (tức dãy núi Hoành Sơn và sông Gianh). Theo sử sách, thuở ban đầu làng chỉ là một xóm chài nhỏ với vài chục hộ gốc Châu Hoan (Nghệ An) vào lập nghiệp trên triền cát bờ nam sông Roòn. Dần dần, nơi đây trở thành một làng biển sầm uất. Cảnh Dương nằm trong vùng đất có địa thế đẹp. Dãy Hoành Sơn che chắn gió phương bắc, tạo nên những vụng kín gió thuận lợi cho tàu thuyền trú ngụ. Từ thời Lý Trần, đèo Ngang đã được xem là phên dậu phía nam; cửa Di Luân (lạch Roòn) từng là chốn dừng chân của các chiến thuyền trên đường nam chinh. Dãy Hoành Sơn đâm ra biển tạo thành nhiều mũi đá và được lấy tên theo hình dáng, như: mũi Đao, mũi Độc, mũi Ông, mũi Rồng. Vùng biển khu vực này cũng có nhiều đảo nhỏ...
Đón tết theo cách riêng
Từng được biết đến là 1 trong “bát danh hương” đất Quảng Bình, Cảnh Dương giờ đã là xã nhưng ai cũng quen gọi làng. Không có đất đai màu mỡ nên người dân tập trung vào nghề chài lưới và dịch vụ từ biển.
|
Đón tết, hàng trăm tàu thuyền lớn về đậu ken kín trên lạch Roòn. Ngư dân lên bờ nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm tết và cả tu bổ lại tàu thuyền chuẩn bị một mùa vụ mới cũng như sẵn sàng cho mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Tại vùng Roòn, không đâu nhiều lễ hội và mang nét riêng như ở Cảnh Dương. Với ngư dân ở đây, lễ hội tết có vị trí đặc biệt quan trọng. Trước tết, bà con xuống biển gánh cát về rải khắp nơi tạo không gian mới mẻ, sạch đẹp hơn. Phụ nữ đi mua gạo đổ đầy chum, gánh nước đổ đầy lu. Đêm 30 tết, làng đốt một đống lửa to ngay giữa sân đình; đến giao thừa, nhà nào cũng cử người ra lấy lửa ở đình về ủ trong bếp và được giữ đỏ 3 ngày tết với quan niệm âm dương hài hòa, thủy hỏa vượng mang lại tốt lành, ấm no, yên ổn. Ngày mùng 1 tết, tất cả gia đình con cháu tụ hội để thăm mộ tổ tiên ông bà. Đến mùng 2, làng mở các trò chơi dân gian, thể thao như bóng chuyền.
tin liên quan
Lễ hội cầu ngư của làng chài giữ 6 sắc phong vua triều NguyễnLễ động mõ của làng diễn ra vào sáng mùng 3 tết bắt đầu bằng lễ rước mõ và bát hương thờ thần từ đình Lớn sang đình Đụn - nơi dân làng dựng rạp, lần đàn khai mõ. Bát hương chỉ cắm 1 cây hương dài, cháy rất lâu được đặt trong kiệu 4 người khiêng; đi sau kiệu chính có kiệu nhỏ đặt các vật dụng của thần. Đoàn rước gồm các quan viên, chức sắc, nho sinh và thanh niên ưu tú của làng, trang phục kiểu quan binh; ngoài ra còn có dàn nhạc bát âm, cờ các loại. Khi đoàn về đến đàn thì bắt đầu lễ động mõ. Sau khi lạy tạ thần, vị quan viên vung dùi đánh mạnh vào cái mõ lớn sơn son thếp vàng để trên giá, đánh 100 tiếng mõ thì dừng lại. Sau lễ động mõ, dân làng mới bắt đầu các công việc lao động sản xuất.
Người Cảnh Dương cũng có tục xuất hành đầu năm mới, các chủ thuyền chọn ngày tốt, có thể từ mùng 1, họ đưa thuyền ra biển bủa một mẻ lưới, quăng đường câu lấy may. Những sản vật có được, ngư dân làng biển mang tặng bà con chòm xóm nhằm chia sẻ may mắn. Đến ngày rằm tháng giêng, làng mở hội cầu ngư và đây cũng là lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm. Sau lễ này, ngư dân làng bủa đi đánh bắt khắp nơi trên các vùng biển gần, biển xa mang về hàng tấn hải sản, tạo nguồn thu cho gia đình và cũng góp phần giữ gìn vùng biển Tổ quốc.
Rộn rã xuân mới
Là xã thuần ngư với diện tích nhỏ hẹp (chỉ khoảng 3 km2), trong đó 33 ha là đất thổ cư; đất tự nhiên hoàn toàn là cát, đất sản xuất không có nên bao đời nay, người Cảnh Dương sống dựa vào biển. Biển mặn mòi nhưng mang lại ấm no cho làng. Người Cảnh Dương chắt chiu, chịu khó phát triển giao thương tạo nên vùng quê trù phú, trở thành trung tâm thương mại của một vùng.
Thế nhưng, xã còn có 75 hộ nghèo (chiếm 3,36%). Không khoanh tay đứng nhìn, người làng đang trăn trở tìm hướng đi mới: làm du lịch. Một dự án bích họa phố trong làng có sự hỗ trợ của Sở Du lịch với 13 bức họa theo cung đường đang được triển khai tại làng. Một số bức đã hoàn thành, tạo cho làng biển mang diện mạo mới đầy thú vị dịp Tết Mậu Tuất.
|
Người làng cũng được cử đến những “trung tâm du lịch” tương đồng như tại Quảng Nam, hay học hỏi mô hình “homestay” ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Trở về, ai cũng hứng khởi và muốn bắt tay làm du lịch... Người miệt biển ăn to nói lớn, nhưng dự án làng bích họa ai cũng hào hứng. Ngư dân Phạm Đức Thuận (61 tuổi) cười lớn: “Vẽ làm sao đó mà nhìn vào thấy quang cảnh địa phương đẹp là được, sau đó có cơ hội phát triển du lịch”.
Toàn xã có 760 tàu thuyền, trong đó có 170 phương tiện tham gia đánh bắt vùng biển xa. Có 10 tổ hợp tác, 18 tổ đoàn kết và 34 tập đoàn câu riêng, 1 đoàn mành đèn ánh sáng, 3 đoàn giã và 5 tổ đoàn thúng máy. Tổng sản lượng khai thác đạt 4.214 tấn/năm (đạt 108% kế hoạch), doanh thu hơn 427 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người gần 28 triệu đồng. |
Bình luận (0)