Xuất hiện hàng loạt công cụ 'check VAR' các khoản tiền ủng hộ

13/09/2024 12:11 GMT+7

Các lập trình viên độc lập hoặc theo nhóm nhanh chóng phát hành công cụ kiểm tra dữ liệu trên danh sách sao kê của MTTQ khiến cộng đồng mạng lao vào "check VAR" các khoản tiền ủng hộ.

Chưa đầy một ngày sau khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) công khai bảng sao kê các khoản tiền chuyển đến để ủng hộ đồng bào miền Bắc đang chịu thiên tai, lũ quét, một số lập trình viên trong nước đã tung ra công cụ trực tuyến giúp người dùng dễ dàng "check VAR". Đây là một thuật ngữ vốn sử dụng trong bóng đá, nay được sử dụng như từ lóng để nói việc kiểm chứng lại thông tin.

J2TEAM - một cộng đồng đa lĩnh vực nhưng được biết đến nhiều ở mảng công nghệ thông tin nhanh chóng công khai một địa chỉ web để phục vụ nhu cầu "check VAR" - hay kiểm chứng thông tin dựa trên dữ liệu bản sao kê từ MTTQ. Công cụ này hoàn toàn miễn phí và được đưa ra khá sớm. Trong sáng 13.9, đã có một vài thời điểm không thể truy cập địa chỉ này, dấu hiệu cho thấy lượng người truy cập có thể quá đông, vượt qua sức chứa thiết kế từ máy chủ.

Giao diện một công cụ trực tuyến để tra cứu thông tin sao kê từ danh sách của MTTQ

Giao diện một công cụ trực tuyến để tra cứu thông tin sao kê từ danh sách của MTTQ

Ảnh: Chụp màn hình

Một lập trình viên khác cũng đăng tải công cụ kiểm chứng trực tuyến mang giao diện khá đơn giản, trực quan. Với tiêu đề "Danh sách đóng góp bão số 3 Yagi cho MTTQVN", công cụ này dựa trên danh sách của MTTQ, người dùng tìm kiếm dựa theo từ khóa mong muốn, đồng thời có thể áp dụng kết hợp các bộ lọc khác nhau như thời gian chuyển, số dòng hiển thị trên mỗi trang, sắp xếp thứ tự, khoản tiền đã chuyển... giúp kết quả trả về được chính xác hơn.

Những công cụ tự động như vậy đều được miễn phí tới người dùng, giúp giảm thời gian và công sức tìm kiếm thông tin để "check VAR" khi văn bản gốc là một tập tin nặng trên 24 MB, dài tới hơn 12.000 trang khiến việc tra cứu thủ công sẽ lâu và rối mắt.

Các bên phát triển công cụ "check VAR" sao kê này cho biết dữ liệu hiện tại cập nhật theo danh sách ghi nhận từ ngày 1 tới 10.9. Danh sách chi tiết sẽ được bổ sung khi MTTQ công bố bản sao kê mới trong thời gian tới. "Chúng tôi sẽ cập nhật khi có dữ liệu mới từ MTTQ", phía J2TEAM thông báo.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam: Sẽ tiếp tục công bố sao kê tiền ủng hộ

Cẩn trọng với website giả mạo chứa mã độc, thông tin chưa kiểm chứng

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia bảo mật bày tỏ lo ngại với "làn sóng check VAR" như hiện nay, kẻ gian có thể lợi dụng tâm lý của người dùng đang muốn kiểm chứng thông tin để tạo ra những website giả mạo, cung cấp đường dẫn tới các địa chỉ xấu, ẩn chứa mã độc hoặc các công cụ đánh cắp thông tin.

"Người dùng cần hết sức cẩn trọng trước khi nhấp chuột vào những đường link (đường dẫn địa chỉ website) đang được chia sẻ tràn lan trên mạng. Truy cập các địa chỉ không rõ ràng tiềm ẩn rủi ro lớn về bảo mật, kẻ gian có thể lén cài mã độc đánh cắp thông tin, hoặc chiếm quyền kiểm soát thiết bị từ xa mà nạn nhân không hay biết", một chuyên gia khuyến cáo.

Cư dân mạng truy ra được thông tin chuyển khoản và tên trùng khớp như nhân vật khoe, chỉ khác về giá trị của số tiền ủng hộ

Nhiều trường hợp chỉnh sửa hình ảnh để khoe khoang, 'sống ảo' với khoản từ thiện giả đã bị dân mạng "check VAR" phát hiện ra

Ảnh: Chụp màn hình

Sáng 13.9, sau nhiều trường hợp chỉnh sửa hình ảnh số tiền chuyển khoản ủng hộ tới đồng bào đang chịu thiên tai tại miền Bắc bị phát giác, cộng đồng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam tiếp tục tìm ra thêm nghi vấn trong các khoản tiền từ thiện được chuyển tới. Ngược với những kẻ thổi phồng để khoe mẽ, "phông bạt" bản thân trên internet, có một số không nhỏ khoản tiền chuyển theo thông tin "Tập thể" nhưng chỉ vài ngàn đồng hoặc vài chục ngàn đồng. Việc này làm dấy lên nghi ngờ về hành vi "ăn chặn tiền từ thiện" của tập thể ngay từ khi chuyển đến số tài khoản của MTTQ VN.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam lên tiếng vụ ủng hộ 10.000 đồng cho đồng bào vùng lũ

Tuy nhiên, người dùng được khuyến cáo nên "tỉnh táo trước các thông tin xuất hiện trên mạng", bởi nội dung chuyển khoản là thông tin có thể ghi hoàn toàn tự do, vì vậy ai cũng có thể tạo một ghi chú mang danh nghĩa của tập thể hay cá nhân khác để phục vụ ý đồ riêng.

"Việc soi xét, đánh giá hay 'check VAR' như cộng đồng đang gọi vui hiện nay cần 'những cái đầu lạnh' bởi thông tin trên mạng luôn cần sự kiểm chứng và bình tĩnh xử lý, tránh tình trạng hào hứng chia sẻ những thông tin thất thiệt có thể gây phương hại tới uy tín của cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp ở thời điểm này cũng như về sau", anh Huy Nguyễn - quản lý kênh thông tin Schannel khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.