Xuất hiện xu hướng 'nội địa hóa' nợ công

21/04/2015 09:12 GMT+7

(TNO) Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, đang xuất hiện xu hướng nội địa hóa nợ công, dựa vào trái phiếu Chính phủ, thay vì ODA và điều này dẫn đến nguy cơ lãi suất nợ cao, thời hạn nợ ngắn, tranh chấp vốn và cạnh tranh lãi suất với tín dụng khu vực kinh doanh.

(TNO) Theo cảnh báo của Viện trưởng Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2015 đang diễn ra tại TP Vinh (Nghệ An), xu hướng nội địa hóa nợ công, dựa vào trái phiếu Chính phủ, thay vì ODA sẽ dẫn đến nguy cơ lãi suất nợ cao, thời hạn nợ ngắn...

No-congDiễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015 đang diễn ra tại TP Vinh - Ảnh: M.Quân
 
Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân, mặc dù ghi nhận nền kinh tế có những dấu hiệu phục hồi rõ nét nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại và cảnh báo tình trạng nền tảng phục hồi nền kinh tế còn yếu và phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Một trong những vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nợ công đang ngày một tăng cao. Theo tiến sĩ Trần Đình Thiên, nợ công hiện đang tăng với tốc độ cao: năm 2015 dự báo nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách sẽ vượt “vạch đỏ” (25,9%).
“Đang xuất hiện xu hướng nội địa hóa nợ công, dựa vào trái phiếu Chính phủ, thay vì ODA và điều này dẫn đến nguy cơ lãi suất nợ cao, thời hạn nợ ngắn, tranh chấp vốn và cạnh tranh lãi suất với tín dụng khu vực kinh doanh”, ông Thiên cảnh báo.
Ngoài nợ công, ông Thiên cũng khuyến cáo, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay tuy đã được “xích” lại hầu hết nhưng chưa được xử lý theo nguyên tắc thị trường. “Cách xử lý nợ xấu hiện chưa đủ tin cậy. Đến lúc nợ xấu thoát xích thì hệ quả sẽ ra sao?”, chuyên gia này đặt câu hỏi.
Còn nhiều nút thắt
Trong phần thảo luận về môi trường kinh doanh, một chủ đề trọng tâm của Diễn đàn kinh tế mùa Xuân năm nay, một số chuyên gia kinh tế lo ngại môi trường kinh doanh trong thời gian qua chưa được cải thiện nhiều, còn nhiều ách tắc và can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp.
“Hiện đang tồn tại hàng loạt các nút thắt thể chế ngăn cản hoặc làm chậm lại tiến trình cải cách kinh tế đang dang dở ở Việt Nam. Các nút thắt đó vừa hạn chế sự hình thành và phát triển các loại thị trường, vừa tạo thêm méo mó, sai lệch thị trường, nhất là thị trường yếu tố sản xuất”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương nêu quan điểm. Theo ông Cung, thị trường ở Việt Nam chưa làm tốt chức năng của mình trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực; năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực suy giảm.
“Do đó, Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình ngay khi mức thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp”, ông Cung cảnh báo.
Vấn đề đáng lo ngại khác, theo tiến sĩ Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm dự báo thông tin kinh tế - xã hội quốc gia, là từ đầu năm tới nay, Việt Nam lại quay lại tình trạng thâm hụt thương mại sau khi đạt thặng dư thương mại năm 2014.
“Thâm hụt thương mại ở mức cao chủ yếu do nhập khẩu các mặt hàng chính tăng mạnh như máy móc, linh kiện, máy tính, điện tử, ô tô nguyên chiếc và phụ tùng lắp ráp. Việc nhập khẩu tăng mạnh chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất công nghiệp để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu sau kỳ nghỉ Tết, song cũng cho thấy cầu tiêu dùng đang tăng lên đáng kể”, ông Ân nhận định.
Ở góc nhìn khác, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, ông Hà Huy Tuấn cho rằng, qua quý 1.2015, có 2 vấn đề cần được tiếp tục theo dõi và có đánh giá thích hợp là việc giảm sút FDI và nhập siêu. "Đây có thể là những vấn đề sẽ tác động tới công tác điều hành chính sách tiền tệ cũng như các vấn đề kinh tế vĩ mô khác”, ông Tuấn lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.