Ngày 16.5, gần 200 doanh nghiệp (DN) đã có mặt tại TP.HCM để nghe thông báo chính sách mới về quản lý hóa chất của Liên minh châu u (EU). Hội thảo do Phòng Thương mại châu u (Eurocham) phối hợp với Công ty Bureau Veritas Consumer Products Services, Tổ chức phát triển Liên Hiệp Quốc về công nghiệp (UNIDO), Bộ Công thương tổ chức.
REACH là quy định của EU về đăng ký, đánh giá và cấp phép sử dụng hóa chất với yêu cầu cao hơn, ảnh hưởng đến mọi thành phần DN. Theo quy định này, mọi hóa chất được dùng với khối lượng lớn hoặc được cho là có khả năng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường đều phải đăng ký với cơ quan quản lý hóa chất châu u (ECHA). Được ban hành từ tháng 6.2007, REACH có hiệu lực theo các giai đoạn, bắt đầu bằng việc đăng ký từ ngày 1.6 - 1.12.2008. Giai đoạn này, các chủ thương hiệu, các nhà sản xuất và nhập khẩu cần công bố các thông tin về các hóa chất có trong các sản phẩm của mình được xuất sang EU. Kế tiếp, việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của REACH cần phải đạt được trong khoảng thời gian hạn định 10 năm, để chứng minh rằng các hóa chất đã công bố không gây hại đến sức khỏe con người và môi trường.
Để đạt được yêu cầu này, các DN cần phải nâng cấp hệ thống quản lý đối với các chất hóa học trong sản xuất. Ông Nicholas Greenfield, Giám đốc Phòng Thương mại châu u, cho biết: "Điều luật phức tạp này có khả năng tác động đến hầu hết các DN Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu u. Do vậy, việc trang bị cho mình sự hiểu biết đầy đủ về quy định REACH là điều vô cùng cần thiết đối với tất cả các nhà xuất khẩu Việt Nam". Theo quy định mới này, danh mục bắt buộc khai báo bao gồm tất cả các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp liên quan đến tiêu dùng như hóa chất, nhuộm, in, vải sợi, may mặc, giày dép, đồ chơi, hàng điện tử, vật dụng trong nhà, mỹ phẩm... Đây là những mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam. Ông David Horlock, Phó chủ tịch Bộ phận phát triển dịch vụ mới thuộc Công ty Bureau Veritas, nhấn mạnh: "Nghĩa vụ của các DN là phải đảm bảo khả năng truy tìm nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Sau thời gian từ 1.6 - 1.12.2008, các DN, nhà sản xuất không đăng ký các hóa chất hoặc đăng ký thất bại đồng nghĩa với việc không thể sử dụng hóa chất nay để sản xuất sản phẩm và không thể đưa sản phẩm này vào EU. Nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở, cảnh báo, tiếp theo là khởi tố, phạt tiền, nặng nhất có thể bị phạt tù". Một trong những điểm đáng chú ý theo quy định mới là người tiêu dùng tại châu u có quyền gửi thư yêu cầu nhà sản xuất cho biết thành phần trong sản phẩm và phải nhận được câu trả lời trong vòng 45 ngày về các chất có trong sản phẩm của mình, chất đó có gây thải độc hại ra môi trường hay không, nếu là chất thuộc danh mục các chất có nguy cơ cao, DN phải cung cấp thông tin đầy đủ của chất đó và bảng dữ liệu sử dụng an toàn của sản phẩm.
Ông Junichi Mori, chuyên viên thuộc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho biết: "Luật hóa chất của Việt Nam chỉ yêu cầu đăng ký các hóa chất mới, trong khi quy định REACH của EU bắt buộc đăng ký cả các loại hóa chất hiện hành và hóa chất mới, thậm chí phải đăng ký cả những hóa chất dự định sẽ sử dụng trong tương lai". Ông Horlock nhắc lại: "Các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam phải bắt đầu hành động ngay bây giờ, đừng để "nước đến chân mới nhảy" vì thời gian 6 tháng là quá ngắn, không đủ để thực hiện các bước đăng ký".
Quang Thuần
Bình luận (0)