Đó là khẳng định của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) tại buổi tọa đàm về “Tiềm năng phát triển ngành xây dựng VN năm 2018” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 2.1.
Chiếm lĩnh thị trường nội địa
Theo TS Đinh Thế Hiển, xây dựng là ngành có tốc độ tăng trưởng hàng đầu trong 10 năm qua. Nếu năm 2007 doanh thu ngành này chỉ gần 5 tỉ USD thì đến nay đã lên gần 13 tỉ USD chỉ tính giá trị xây lắp, chưa tính giá trị vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, đồ nội thất... Nếu tính cả các con số này, doanh thu phải lên khoảng 50 tỉ USD. Năm 2017 ngành bất động sản (BĐS) có số DN thành lập mới nhiều nhất, tiếp theo là ngành xây dựng. Trong các công ty niêm yết, nhóm xây dựng cũng có doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh nhất trong 3 năm 2015 - 2017. Vốn FDI tiếp tục “chảy” mạnh vào VN kéo theo nhu cầu làm nhà xưởng, xây dựng nhà ở, hạ tầng... rất lớn. "Nói những con số trên để cho thấy năm 2018 ngành xây dựng sẽ tiếp tục tăng trưởng và đạt được mức như năm 2017", TS Hiển phân tích.
TS Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân Bizlight, đưa ra con số từ Bộ GTVT cho thấy trong 5 năm tới VN cần 48 tỉ USD để phát triển giao thông. Lĩnh vực BĐS sau một thời gian dài đóng băng đã bắt đầu tăng trưởng nóng từ mấy năm nay nên các DN xây dựng hiện làm không hết việc. Điển hình như tập đoàn Hòa Bình, năm 2013 doanh thu chỉ đạt hơn 4.700 tỉ đồng, đến năm 2016 đã lên gần 11.500 tỉ và năm 2017 đạt 18.000 tỉ đồng, lợi nhuận đạt hơn 900 tỉ. “Trước đây các công ty xây dựng trong nước phải làm thuê cho nhà thầu ngoại, nay chúng ta đã chiếm lĩnh thị trường xây dựng trong nước. Thậm chí Hòa Bình còn xuất khẩu ra nước ngoài, tham gia đấu thầu với các nhà thầu nước ngoài để làm tổng thầu”, TS Tín phân tích.
Ông Lê Quốc Duy, Phó tổng giám đốc Công ty Hòa Bình, bổ sung chưa bao giờ ngành xây dựng tăng trưởng “thần kỳ” như lúc này. Đến thời điểm này thị trường xây dựng nội địa đã vào tay các DN nội, còn các DN xây dựng ngoại đã gần như rút khỏi thị trường.
Phải ra nước ngoài
PGS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng thị trường xây dựng VN không thua các nước. "Tuy nhiên phải làm sao vươn ra nước ngoài chứ không thể “sống” mãi trong nước được, bởi nếu thị trường BĐS đóng băng thì ngành xây dựng sẽ chết theo", ông Hiệp nói. Để giúp DN ngành xây dựng vững vàng ra biển lớn, theo PGS Hiệp, nhà nước phải ưu tiên, định hướng bằng cơ chế và “mồi” để DN tiến ra nước ngoài.
tin liên quan
Đất Xanh quyết tâm trở thành nhà phát triển bất động sản hàng đầu Đông Nam ÁĐể xuất khẩu nhà thầu ra nước ngoài, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Hải cho biết Hiệp hội Nhà thầu VN đã trình lên Chính phủ kiến nghị 10 giải pháp. Việc ra nước ngoài là cần khi các DN xây dựng trong nước đã có đủ điều kiện. Nếu làm được điều này, có khả năng thị trường xây dựng sẽ tăng trưởng 15 - 20%/năm thay vì chỉ 6 - 7%/năm như hiện nay.
Bình luận (0)