Dẫn đầu thị trường xuất khẩu
Cuộc khủng hoảng nợ công ở một số quốc gia thuộc châu u (EU) khiến cho thị trường EU, thị trường truyền thống và lớn của doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng mạnh. Sức mua và nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, qua số liệu của Bộ Công thương cho thấy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của VN vào EU chỉ tăng 5,9%, trong khi các thị trường khác tăng mạnh như châu Mỹ tăng 22,2%, châu Á tăng 32,6%, châu Đại Dương tăng 33,7% so cùng kỳ năm 2009.
Riêng thị trường Mỹ, bất chấp dư âm của cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn bao trùm, đây vẫn là thị trường lớn nhất, tiềm năng nhất của DN VN với mức tăng trưởng 5 tháng đầu năm đạt 32,24% (6,09 tỉ USD) so cùng kỳ. Với mức tăng trưởng này, kế hoạch xuất khẩu cho cả năm 2010 là 12,4 tỉ USD vào thị trường Mỹ là hoàn toàn khả thi. Các mặt hàng chủ lực của VN xuất khẩu vào Mỹ đều tăng trưởng cao như dệt may trong 5 tháng đạt 2,66 tỉ USD, tăng 32% so với cùng kỳ; giày dép 621 triệu USD, tăng 28,25%; sản phẩm gỗ 595 triệu USD, tăng 37,25%; thủy sản 325,6 triệu USD, tăng 29,77%; máy tính, linh kiện điện tử 237 triệu USD, tăng 32,07%... Có thể thấy, hầu hết các mặt hàng chủ lực vào Mỹ đều có mức tăng trung bình trên 30% so với cùng kỳ. Như vậy, xuất khẩu vào Mỹ dẫn đầu khi chiếm tỷ trọng khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của VN, xếp trên những thị trường lớn khác là ASEAN (17%), EU (16%), Nhật Bản (11%) và Trung Quốc (9,5%).
Trao đổi với báo chí nhân chuyến làm việc tại VN hồi tháng 6.2010, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Mỹ (Ex - Im Bank) Fred P.Hochberg cho biết: Xuất khẩu của Mỹ vào VN tăng trưởng 40% trong những tháng đầu năm và theo kế hoạch, 5 năm tới xuất khẩu của Mỹ vào VN sẽ tăng gấp đôi kim ngạch 2009 là 3 tỉ USD nhằm cân bằng cán cân thương mại hai nước. Để thực hiện điều này, Ex - Im Bank sẽ tăng cường hỗ trợ DN VN vay vốn từ các ngân hàng Mỹ để mua hàng của Mỹ. |
Đơn hàng nhiều, giá tăng
Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty may Sài Gòn 3, cho biết các đơn hàng xuất khẩu vào Mỹ đang rất ổn định, số lượng lớn hơn và dài hơi hơn trước. Ngay cả giá cả của các đơn hàng cũng tăng từ 10 - 15%. “Nguyên nhân một phần do Trung Quốc đẩy giá sản phẩm dệt may lên cao, khiến các nhà nhập khẩu Mỹ chuyển đơn hàng qua các nước, trong đó có VN”, ông Hồng giải thích.
Xuất khẩu vào Mỹ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu của Sài Gòn 3, với khoảng 17 - 18 triệu USD trong 6 tháng đầu năm. Con số này có khả năng tăng cao hơn nữa nếu Sài Gòn 3 đủ năng lực sản xuất đáp ứng yêu cầu đơn hàng của nhà nhập khẩu Mỹ. “Mặc dù cơ hội rất lớn, nhưng năng lực của chúng tôi có hạn và còn phải làm cho thị trường Nhật. Khách hàng thậm chí năn nỉ đặt hàng nhưng chúng tôi không làm được”, ông Hồng cho biết thêm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Sài Gòn 3 sẽ đầu tư thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất và tăng dần tỷ trọng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), tìm cách khai thác tốt hơn thị trường Mỹ rộng lớn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng công nghệ chế tạo và sản phẩm công nghệ cao chiếm tỷ lệ lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ. Đây là xu hướng tích cực, phù hợp với chiến lược nhập khẩu của VN là khuyến khích nhập khẩu những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được để tiết kiệm ngoại tệ, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất... (Nguồn: Tổng cục Hải quan) |
Theo một chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp VN làm ăn lâu năm, có uy tín với thị trường Mỹ hiện nay trong tình trạng "làm không hết việc".
Năng lực và nguyên liệu là chìa khóa
Đây là 2 tiêu chí mà các DN có kinh nghiệm xuất khẩu vào thị trường Mỹ đúc kết. Các DN thừa nhận, vào được thị trường Mỹ là “có cửa” vào những thị trường khó tính khác. Ngoài việc phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng, Mỹ thường đưa ra nhiều luật mới mà nếu DN VN không nhanh chóng cập nhật sẽ dễ dàng mất thị trường. Chẳng hạn Luật Nông trại 2008 của Mỹ áp dụng cho các sản phẩm thủy sản; Đạo luật Lacey sửa đổi có hiệu lực từ năm 2009 áp dụng cho mặt hàng đồ gỗ... đã gây không ít khó khăn cho DN. “Thực tế, nếu DN chủ động trước những yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật của thị trường Mỹ thì khó khăn đều được giải quyết. Theo tôi, các DN VN khi làm hàng qua Mỹ nên hết sức chú ý ở khâu nguyên liệu”, ông Mạnh phát biểu.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của DN VN xuất khẩu vào Mỹ là ở năng lực sản xuất, vì vậy họ phải thường xuyên từ chối những đơn hàng lớn như ông Hồng đề cập. Đối với sản phẩm đồ gỗ, nhiều DN cho biết, nhà nhập khẩu Mỹ luôn đặt hàng số lượng lớn đồ nội thất. Để giải quyết vướng mắc này, Phó chủ tịch Hawa Trần Quốc Mạnh cho rằng vai trò của các hiệp hội rất quan trọng. “Các DN trong Hawa liên kết và chia sẻ đơn hàng với nhau. Nếu DN này nhận được đơn hàng lớn mà hạn chế khả năng sản xuất sẽ tìm đối tác uy tín hợp tác. Nhiều DN đã thành công”, ông Mạnh khẳng định.
Còn theo đại diện Vụ Thị trường châu Mỹ, một số mặt hàng của VN xuất khẩu vào Mỹ tăng trưởng quá nóng và đột biến về kim ngạch, vì thế rất dễ bị đưa vào danh sách báo động đỏ về kiện chống bán phá giá.
N.Trần Tâm
Bình luận (0)