Thôn Đồng Di, xã Phú Hồ, H.Phú Vang, Thừa Thiên - Huế (thường gọi là làng Đồng Di) là "địa chỉ đỏ" trong phong yêu nước và cách mạng. Cả thôn chỉ có 120 hộ nhưng có đến 77 liệt sĩ ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến và 1 liệt sĩ ngã xuống trong thời bình. Thôn có 20 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1 người được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Sáng sớm ngày 27.7, cùng người dân cả nước tri ân các anh hùng liệt sĩ, PV Thanh Niên tìm đến làng Đồng Di. Tại nhà bia tưởng niệm khang trang phía đầu làng, hương khói nghi ngút. Người thân của các anh hùng liệt sĩ đang thành kính dâng hương...
Như thường lệ, năm nay bà Bạch Thị Châu (69 tuổi, sống tại TP.Huế) lại trở về làng để làm lễ giỗ chung cho người thân của gia đình và các anh hùng liệt sĩ. Chậm rãi tìm tên cha, mẹ và anh trai trên bia đá, bà Châu kể rằng, đi qua 2 cuộc chiến, nhiều thành viên trong gia đình bà nằm xuống tại chiến trường. Đến nay, bà là người duy nhất trong gia đình còn sống để lo việc hương khói. Những dịp này, ngoài để dâng hương đến những người đã khuất, bà còn mong tìm hơi ấm tình thân bên bà con lối xóm.
"Năm nào cũng vậy, dù có bận trăm công nghìn việc thì tôi cũng về đây để gặp gỡ dân làng, vơi đi sự cô đơn khi người thân đã mất. Những ngày này, tôi tủi thân vô cùng. Nhớ về ký ức bom đạn loạn lạc, người thân hy sinh, tự nhiên nước mắt cứ lăn dài...", bà Châu rưng rưng.
Dân làng góp gạch xây nhà tưởng niệm chung
Ông Lê Quang Pháp (75 tuổi, thương binh 4/4), Trưởng hội thân nhân liệt sĩ làng Đồng Di, tất bật chuẩn bị làm lễ dâng hương, tưởng nhớ những người có công của làng.
Cha và anh trai của ông đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bản thân ông cũng từng tham gia kháng chiến. Đất nước thống nhất, ông trở về làng Đồng Di với nhiều vết thương trên mình.
Năm 2012, trong vai trò Trưởng hội thân nhân liệt sĩ làng Đồng Di, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ông Pháp cùng nhiều thân nhân liệt sĩ khác đã kêu gọi kinh phí để xây dựng nhà tưởng niệm.
Trong hương khói nghi ngút, người thương binh bồi hồi: "Bản thân tôi cùng dân làng luôn có ước mong làm nhà bia tưởng niệm để ghi công những người đã nằm xuống mỗi dịp 27.7. Ban đầu, ước mong chỉ dựng lên tấm bia tưởng niệm vì kinh phí không nhiều, nhưng khi công trình đặt những viên gạch đầu tiên, bà con xa gần khắp nơi ủng hộ, đến nay đã hoàn tất khang trang".
Sau khi nhà tưởng niệm hoàn thành, hằng năm cứ đến ngày 27.7, thân nhân, con em liệt sĩ và bà con Đồng Di lại hướng về nhà tưởng niệm này để làm lễ dâng hương - giỗ chung cho các anh hùng liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng.
Bình luận (0)