Xung đột leo thang xung quanh biển Đỏ

14/01/2024 06:00 GMT+7

Hôm qua, tàu chiến Mỹ tiếp tục giáng đòn tấn công nhằm vào mục tiêu của phong trào Houthi ở Yemen, trong lúc Israel vẫn đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Dải Gaza.

Lực lượng Mỹ đã tấn công các mục tiêu Houthi trên lãnh thổ Yemen trong ngày thứ 2 liên tiếp, phớt lờ cảnh báo từ phía Houthi rằng lực lượng này sẽ sớm có động thái đáp trả.

Mỹ, Nga tranh cãi tại HĐBA

Trên X (tên cũ Twitter), CENTCOM, Bộ Tư lệnh của Mỹ phụ trách Trung Đông, Trung Á và một phần Nam Á, thông báo tàu khu trục USS Carney vào rạng sáng 13.1 đã khai hỏa tên lửa hành trình Tomahawk về phía các mục tiêu của Houthi.

Điểm xung đột: Mỹ tiếp tục tấn công Houthi; Ukraine học Nga đào hào đắp lũy?

Một trong các mục tiêu là trạm đặt radar của Houthi, mà theo CENTCOM nhằm làm suy yếu năng lực tấn công hoạt động hàng hải của lực lượng này và ngăn chặn Houthi tấn công tàu hàng. Cùng ngày, Al-Masirah, kênh truyền hình của phong trào Houthi, đưa tin Anh và Mỹ đã không kích thủ đô Sanaa của Yemen. Người dân thủ đô đã lên mạng xã hội đề cập một số vụ nổ lớn ở Sanaa nhưng chưa rõ thông tin.

CENTCOM gọi đợt tấn công mới nhất là "hành động tiếp diễn" theo sau cú đánh mở màn trên khắp Yemen vào rạng sáng 12.1 và chứng kiến sự tham gia của các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Anh và Mỹ. Reuters dẫn báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết tổng cộng 60 mục tiêu ở 28 địa điểm trên lãnh thổ Yemen đã bị tấn công.

Xung đột leo thang xung quanh biển Đỏ- Ảnh 1.

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy một cơ sở phía nam dọc theo bờ biển Yemen trước và sau đợt tấn công ngày 12.1

Reuters

Tuy nhiên, sau đợt tấn công đầu tiên do Mỹ dẫn đầu, Houthi tiếp tục khai hỏa ít nhất 1 tên lửa đối hạm về phía một tàu hàng trên vịnh Aden, phía nam Yemen. Tổ chức Thương mại hàng hải Anh (UKMTO) cho hay đã nhận được nhiều trình báo về vụ một tên lửa rơi xuống biển cách tàu thương mại khoảng 500 m. Đây là tàu chở dầu của Nga, lúc đó đang cách cảng Aden của Yemen khoảng 90 hải lý về hướng đông nam. Sau khi tiếp nhận thông tin trên, CENTCOM đã ra lệnh cho tàu USS Carney triệt phá trạm radar của phía Houthi, Đài CNN đưa tin.

Houthi thề ‘đáp trả mạnh mẽ’ sau cuộc tấn công mới của Mỹ

Tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield bảo vệ hành động quân sự của Mỹ ở Yemen, mà theo bà là nhằm khôi phục ổn định cho biển Đỏ và duy trì tự do hàng hải quốc tế. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo sẽ tiếp tục ra lệnh quân đội Mỹ tấn công nếu Houthi không ngừng ngay hành động bắn phá các tàu hàng và tàu quân sự trên biển Đỏ. Thế nhưng, quan chức Mỹ không nêu tên cũng cho rằng Houthi sẽ tiếp tục tấn công tàu thuyền bất chấp lời cảnh báo của Mỹ, Anh.

Trước đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia tố cáo việc Anh, Mỹ tấn công Yemen là động thái đơn phương khiến xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel lan khỏi Dải Gaza. Iran lên án chiến dịch của Anh, Mỹ, nhưng đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy chính quyền Tehran sẽ trực tiếp can dự vào cuộc xung đột.

Xung đột leo thang xung quanh biển Đỏ- Ảnh 2.

Tàu khu trục Mỹ khai hỏa tên lửa về phía mục tiêu Houthi trên lãnh thổ Yemen

Hải quân Mỹ

Chiến sự vẫn tiếp diễn ở Gaza

Hôm qua, các máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã triển khai các đợt không kích Gaza trong đêm. Vụ tấn công xảy ra ở khu vực rất gần chốt biên giới Rafah giữa Gaza và Ai Cập. IDF cũng tiếp tục chiến dịch quân sự nhằm kiểm soát hoàn toàn TP.Khan Younis, và Đài Al-Jazeera dẫn lời các nhân chứng cho biết giao tranh nổ ra dữ dội giữa các tay súng Palestine và phía Israel tại đây.

Cùng ngày, báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ) ghi nhận cuộc tiến quân của IDF ở miền bắc Gaza vẫn đối mặt sự kháng cự quyết liệt của các tay súng Palestine ở đây. Sau khi các chỉ huy bị tiêu diệt, các tay súng Hamas kiên trì bám trụ và chiến đấu theo chiến thuật tấn công du kích.

Người dân Gaza đau đớn giữa cảnh chết chóc

Tính đến hôm qua, Cơ quan Y tế Gaza thông báo đã có 23.843 người Palestine thiệt mạng và 60.317 người bị thương kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu từ ngày 7.10.2023. Đài NBC News dẫn lời Đại sứ Mỹ tại LHQ Thomas-Greenfield nhấn mạnh Washington dứt khoát bác bỏ yêu cầu của các bộ trưởng và nghị sĩ Israel về khả năng di dời dân Palestine khỏi Gaza.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller cho hay trong chuyến công du gần nhất Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp lãnh đạo của 9 nước và đạt được thỏa thuận với các đối tác Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề ổn định tình hình Gaza. Tuy nhiên, ông Miller bổ sung các nhà lãnh đạo Ả Rập chỉ hợp tác với Mỹ trong trường hợp Israel phải có cam kết tương tự. 

Sự chia rẽ trong đồng minh Mỹ

Không phải đồng minh nào của Mỹ cũng ủng hộ tấn công Yemen. Theo Reuters, Hà Lan, Úc, Canada và Bahrain chỉ cung cấp hỗ trợ về hậu cần và tình báo, trong khi Đức, Đan Mạch, New Zealand và Hàn Quốc ký vào tuyên bố chung biện hộ cho động thái quân sự của Mỹ, Anh, nhưng cảnh báo nguy cơ tiềm tàng nếu Mỹ tiếp tục tấn công. Còn Ý, Tây Ban Nha và Pháp quyết định không ký hoặc tham gia vào chiến dịch vì quan ngại xung đột có thể lan rộng. Ở Mỹ, các viên chức liên bang thuộc 22 cơ quan của chính quyền Mỹ lên kế hoạch đình công ngày 16.1 để phản đối cách thức chính quyền Tổng thống Biden xử lý cuộc xung đột ở Gaza.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.