Xưởng đóng giày cho bệnh nhân phong

09/12/2013 13:18 GMT+7

Hơn 10 năm qua, xưởng đóng giày thuộc Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh Cà Mau đã cho ra đời hàng ngàn đôi giày đặc biệt, giúp người khuyết tật do mắc bệnh phong vượt qua mặc cảm, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.

Xưởng đóng giày cho bệnh nhân phong
Bác sĩ Ngô Thanh Tân (bìa phải) kiểm tra mẫu mã và kỹ thuật đóng giày - Ảnh: Chí Tín

Giảm tổn thương bàn chân

Thầy thuốc ưu tú - bác sĩ Ngô Thanh Tân, Trưởng khoa Da liễu Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh Cà Mau, cho biết toàn tỉnh hiện có khoảng 400 người khuyết tật do mắc bệnh phong. Bệnh nhân phong nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ khỏi bệnh và không bị tàn tật. Tuy nhiên, do trước năm 1990 ngành y tế chưa có chương trình phòng chống bệnh phong nên bệnh nhân không được uống thuốc, dẫn đến nhiều trường hợp tàn tật. Ngay cả hiện nay, nếu phát hiện muộn hoặc người bệnh không tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ vẫn có nguy cơ bị tàn tật. Khuyết tật do bệnh phong gây ra có nhiều dạng: tay chân rút lại, mắt nhắm không kín, bàn chân loét hoặc bị mất cảm giác… Đối với trường hợp bị mất cảm giác, người bệnh phải giữ gìn bàn chân cẩn thận, nếu không bệnh sẽ nặng thêm. Song đa phần bệnh nhân ở đây là nông dân, quanh năm làm lụng nên đi lại dễ đạp đinh, đạp gai khiến bàn chân bị loét.

Thấy được khó khăn của người mắc bệnh phong, năm 2002 Hiệp hội Cứu trợ bệnh nhân phong Hà Lan (NLR) đã hỗ trợ thành lập xưởng đóng giày tại Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh Cà Mau để giúp người khuyết tật vì bệnh phong có điều kiện chăm sóc và bảo vệ bàn chân tốt hơn, đặc biệt là những người có bàn chân bị mất cảm giác. NLR giúp đào tạo thợ và tài trợ nguồn nguyên liệu đóng giày 2 lần/năm. Trung bình mỗi tháng, trung tâm sản xuất từ 8 - 12 đôi giày, với chi phí khoảng 400.000 đồng/đôi. Đặc biệt, những đôi giày này được cấp hoàn toàn miễn phí cho người mắc bệnh phong.

Ông Lê Hoàng Thám, kỹ thuật viên duy nhất tại xưởng giày, cũng là người khuyết tật do phong, cho biết sau khi vào làm tại đây, ông được cử ra Quy Nhơn học nghề 4 tháng. Hiện ông đang đóng các loại giày khuôn bột, giày đế latex...  cho bệnh nhân. “Vì đồng cảnh ngộ nên tôi dễ dàng tiếp cận cũng như thấu hiểu mặc cảm của bệnh nhân phong. Hơn 10 năm qua, những đôi giày do tôi làm ra được người bệnh đón nhận thoải mái, chân tình. Tôi cũng chưa từng bị phàn nàn về chất lượng hay mẫu mã giày”, ông Thám chia sẻ.

Xưởng đóng giày cho bệnh nhân phong
Ông Lê Hoàng Thám, kỹ thuật viên, đang kiểm tra những đôi giày thành phẩm - Ảnh: Chí Tín

Hết lòng vì người bệnh

Để phát giày miễn phí đến tận tay người bệnh phong, trung tâm cũng gặp không ít khó khăn. Số người tự đến trung tâm đặt giày không nhiều, do đường xa, tốn tiền tàu xe cộng thêm việc di chuyển khó khăn. Đa số bệnh nhân được cấp giày một lần rồi không quay lại. Trong khi đó, loại giày này phải làm phù hợp với từng bàn chân chứ không thể sản xuất hàng loạt. Do đó, ngoài vận động mạnh thường quân hỗ trợ tiền tàu xe, kỹ thuật viên phải xuống tận huyện, thậm chí tận nhà để đo ni đóng giày cho người bệnh. Ngoài ra, Cà Mau là vùng sông nước nên họ phải thường xuyên đi giày trong lúc sinh hoạt hay lao động. Vì vậy, cứ 3 - 6 tháng là giày bị hỏng cần phải thay. Nếu lúc hư rơi vào thời điểm có công ăn việc làm thì người bệnh không thể đi đến trung tâm được. Có trường hợp bệnh nhân mặc cảm, không thích đi giày đóng sẵn vì cho rằng nó “khác người”. Dù chân đã mất hết ngón nhưng họ vẫn thích đi đôi giày của người bình thường.

Theo bác sĩ Tân, động lực để các cán bộ y tế của trung tâm làm việc trong suốt thời gian qua là mong muốn giảm bớt phần nào những tổn thương do bệnh phong gây ra. “Bệnh phong và những tàn tật do phong có thể chữa được. Cộng đồng xã hội nên làm cho người bệnh cảm thấy tự tin để hòa nhập cộng đồng một cách toàn diện chứ không riêng về sức khỏe”, bác sĩ Tân nói.

Chí Tín

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.