Rất nhiều người đồng tình với cách làm của em Thanh:
Em Thanh "rất dũng cảm!"
Tôi rất mừng vì lâu lắm rồi mới thấy một học sinh dám nói lên cái điều nhiều người vẫn nói nhưng không thành. Không phải vì nói không nghe mà nghe như "nước đổ đầu vịt". Bài văn của em Phi Thanh đã mang lại hiệu quả rất cao khi đánh động vào ngành Giáo dục.
Đúng, chúng ta có quyền thích những cái chúng ta thích và ghét những cái chúng ta ghét. Hơn ai hết chúng ta là những người hiểu điều đó nhất. Ví như bạn ăn món ăn nào mà bạn không thích nhưng vẫn phải khen ngon thì chắc chắn bạn đang lừa dối chính mình và những người xung quanh. Có ai muốn thế không? Chắc chắn là không! Những năm gần đây ngành Giáo dục cứ cải cách, đổi mới rồi thí điểm làm các em học không yên vì sự quá tải và thích nghi không kịp. Khi báo chí phản ánh dữ dội quá lại thay đổi (?!). Đành rằng chúng ta cần đổi mới và cải cách nhưng phải hợp lý. Cái gì cũng muốn nhồi nhét vào đầu các em thế thì chịu sao nổi. Đầu các em cũng có giới hạn chứ. Ngày xưa chúng tôi đi học chỉ học ít nhưng lại nắm chắc kiến thức không lan man như bây giờ. Nếu muốn các em có thể chọn ngành sau này nghiên cứu thêm. Bây giờ là học để thi và có kiến thức cơ bản. Thú thật thấy mấy đứa nhỏ cạnh nhà tôi học mà tôi thấy sợ, hơn cả học đại học.
Nhân bài của em Phi Thanh tôi cũng muốn góp ý kiến của mình tới Bộ Giáo dục. Đồng thời mong các bạn góp tiếng nói cho ngành Giáo dục nước ta thêm phát triển.
Thành Vinh (Đà Lạt-Lâm Đồng)
Tôi đồng ý với ý kiến của bạn Phi Thanh
Tôi là sinh viên năm nhất của trường Đại Học Bách Khoa. Tôi đã từng là học sinh của trường chuyên Lê Hồng Phong. Tôi thật sự đồng ý với ý kiến của bạn Phi Thanh. Sau 3 năm trời học ở cấp 3 tôi nhận thấy chương trình văn học cực kì nhàm chán. Các thể loại văn chương cổ thật khó hiểu đồng thời nó không còn phù hợp với hiện tại. Tôi nghĩ trong chương trình văn học hiện nay cần có những tác phẩm hiện đại. Tôi nghĩ chúng ta nên thay đổi chương trình văn học theo hướng hiện đại hoá, không nên quá tập trung vào thể loại văn cổ.
Trịnh Quốc Việt (Tân Bình, TPHCM)
Sau khi đọc bài văn của bạn Nguyễn Phi Thanh, tôi thấy Thanh đã nói đúng những suy nghĩ của tuổi trẻ chúng tôi. Lâu nay các thầy cô giáo và người lớn chỉ biết áp đặt và dạy chúng tôi một cách máy móc mà không hề biết lắng nghe ý kiến và suy nghĩ của chúng tôi. Họ cứ nghĩ những gì chúng tôi nêu ra đều là sai trái, là phá cách, là không chấp nhận được.
Xã hội chúng ta phát triển là do mỗi người có những suy nghĩ và cách làm khác nhau, điều đó làm cho xã hội phồn thịnh và đa dạng. Hãy suy nghĩ xem nếu ai cũng có suy nghĩ, cách làm và sở thích giống nhau thì xã hội này sẽ ra sao, con người lúc đó sẽ như những cái máy được lập trình sẵn, lúc đó xã hội sẽ phát triển hay lụi tàn.
Vì vậy thay mặt tuổi trẻ chúng tôi, tôi xin các thầy cô giáo và người lớn hãy lắng nghe và phân tích đúng sai những ý kiến của chúng tôi. Đừng áp đặt những suy nghĩ của mình vào người khác. Có như vậy chúng ta mới tạo ra được những con người năng động cho tương lai.
Tuyên
Chính kiến về "bài văn lạ"
Tôi là một người được học tập và trưởng thành trong môi trường giáo dục XHCN, và cũng đã từng trải qua nhiều kỳ thi, nhiều bài văn tương tự như ví dụ trên đây. Sau nhiều năm rời khỏi ghế nhà trường, khi nhìn lại tôi thấy rằng, quả thật học sinh chúng ta đã từng học, từng viết ra quá nhiều điều sáo rỗng, chẳng hề giống với những gì chúng ta hiểu và cảm nhận.
Ở lứa tuổi học trò, quả thật chúng tôi biết rất ít về mọi thứ, những bài học lịch sử khô khan trong sách giáo khoa (gồm toàn các dữ kiện về ngày tháng năm, tên nhân vật, tên địa danh) chẳng thể nào giúp chúng tôi cảm nhận được một cách chính xác quá khứ hào hùng của dân tộc trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước. Chúng tôi cũng viết nhiều bài "tập làm văn" về Truyện Kiều, về Nhật Ký Trong Tù, về nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng khác, nhưng nói thật, chúng tôi làm gì có cơ hội được đọc tác phẩm đó một cách trọn vẹn. (Do nhiều lý do, kể cả lý do không có thời gian dành cho việc đó). Tất cả những gì chúng tôi biết là những trích đoạn in trong sách giáo khoa. Những điều chúng tôi cảm nhận là do thầy cô giáo dạy văn truyền đạt lại. Và những điều chúng tôi viết ra không khác gì những con vẹt nhắc lại những cảm xúc của người khác, những chính kiến của người khác.
Bình luận, phê bình một tác phẩm văn học là việc của những người chuyên nghiệp. Phải đọc nhiều, hiểu nhiều, có điều kiện so sánh giữa nhiều tác phẩm, rồi mới thấy cái nào hay, cái nào dở. Học sinh chúng tôi làm gì có điều kiện, hoặc tư cách để mà làm việc đó.
Sao không dạy chúng tôi những tác phẩm gần gũi với thiếu nhi: như là các truyện lịch sử dành cho thiếu nhi như Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt, hay những truyện tương tự. Hãy cho chúng tôi đọc toàn bộ tác phẩm, rồi tự do nêu lên cảm nhận của mình về tác phẩm đó... Chúng ta hãy đừng lấy thước đo của người lớn để đo tâm hồn trẻ thơ. Vì logic của trẻ thơ không là logic của người lớn. Hãy để cho trẻ em học cái mà các em thích học. Đừng bắt các em chạy theo chỉ tiêu phần trăm khá giỏi, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường. Vì dù có đỗ tốt nghiệp 100% thì người thầy, người cô chân chính cũng vẫn biết rằng, học sinh của mình học trước quên sau, đối phó với từng bài thi, từng kỳ kiểm tra. Để rồi ra đời vẫn ngơ ngác như con nai vàng trong thơ của Lưu Trọng Lư mà thôi.
Nguyễn Trung Kiên (Hà Nội)
Em ủng hộ ý kiến của anh Thanh
Em cảm thấy ý kiến của anh Thanh rất hay vì nó thực tế hơn so với cách giảng dạy của giáo viên hiện nay. Em cũng rất muốn trình bày quan điểm của mình nhưng lại không có đủ can đảm.
Cao Thanh Phong (Biên Hòa-Đồng Nai)
Đáng trân trọng!
Dám nghĩ dám làm là điều đáng khích lệ.
Huu Hung (Nha Trang)
Bài văn không lạ
Tôi thấy rằng bài văn này không lạ. Nội dung bài văn đã phản ánh đúng thực tế của cách giáo dục, đào tạo của chúng ta. Những ai nói bài văn này lạ là do họ không chịu lắng nghe ý kiến của người khác, đặc biệt là giới học sinh mà thôi.
Le Cong Anh
Là một người đã từng được học văn, và học theo kiểu chỉ được tiếp nhận, không có phản hồi như em Thanh này nói, tôi hoàn toàn khâm phục và đồng ý với cách suy nghĩ và sự dũng cảm của em. Em đã làm cái việc mà thế hệ chúng tôi không hề dám. Có thể việc làm của em chỉ như một vết muỗi cắn vào cơ thể trì trệ và bảo thủ của ngành giáo dục, nhưng tôi hy vọng những người như ở thế hệ em Thanh là những người dám nói lên chính kiến của cá nhân và dám làm những việc mang tính cải cách giúp ích cho sự phát triển nước nhà.
Khac Bao
Cũng rất trân trọng sự dũng cảm của một học sinh phổ thông khi em dám nói lên những suy nghĩ thật của mình về những gì tiếp thu được trong quá trình học, nhưng nhiều người còn nhìn vấn đề này ở những góc độ khác, mang những ý nghĩa khác nhau:
Lỗi tại ai?
Đọc bài thi của em Thanh và lời phản hồi của một người có trách nhiệm, tôi thấy như thế là tương đối thoả đáng. Tuy nhiên, điều mà em Thanh nêu ra có thể nhìn nhận chung là hạn chế của quan niệm giáo dục chứ không thuần tuý là môn văn. Cái quan niệm giáo dục "theo khuôn phép" đã ăn sâu và trở nên sáo mòn, thay vì giáo dục là "tạo cơ hội và định hướng phát triển" cho từng cá nhân.
Trong tình huống cụ thể này, đề thi (chắc chắn là phải qua một quy trình chọn lọc rồi) cũng thể hiện cái khuôn phép ấy: "Giới thiệu nét đẹp...". Nói một cách cực đoan, bây giờ mà bắt cô giáo "giới thiệu nét đẹp của nhân vật Thị Nở" thì cô giáo có chịu không? Vẫn bài văn đó, đặt đề bài khác đi, rằng "Bình luận về..." hoặc "Phát biểu cảm nghĩ..." thì em Thanh hoàn toàn có thể đưa ra chính kiến của mình về bài thơ và những hạn chế của nó bằng kiến thức văn học. Nói cách khác, cách ra đề bài đã "áp đặt" cách làm của học sinh.
Suy rộng ra, tuy hô hào đổi mới phương thức giảng dạy, tích cực tìm tòi điểm mới... của giáo viên vẫn hàm ý coi giáo viên là khuôn mẫu để dạy học sinh. Nếu thế thì liệu có chuyện học sinh giỏi hơn thầy giáo được chăng? Dân ta có câu "Con hơn cha là nhà có phúc", vậy thì "trò hơn thầy" sẽ là phúc hay là họa đây? Theo tôi cái cần nhấn mạnh ở đây là tư duy về giáo dục: nhiệm vụ của giáo viên không phải là áp đặt khuôn mẫu cho học sinh, mà là trang bị kiến thức cơ bản, phương pháp học tập cho học sinh và khuyến khích học sinh đi theo con đường mình chọn. Nếu em thích Văn tế của cụ Chiểu, em sẽ phân tích được cái hay, cái đẹp, cái giá trị nhân văn trong văn của cụ, nếu em không thích Văn tế thì em cũng sẽ phân tích được nó hạn chế ở điểm nào, và có thể, em sẽ nghĩ đến một câu hỏi nữa, vậy tại sao nhân dân ta vẫn lưu truyền bài văn này của cụ?
Văn học nói riêng là môn học về thẩm mỹ, về văn hoá. Một nền văn hoá áp đặt sẽ là một nền văn hoá chết. Chính các em học sinh sẽ là người gìn giữ và phát triển cái vốn văn hoá ấy, vì thế, cần phải dạy cho các em chủ động nhận thức về các giá trị văn hoá truyền thống thì mới giúp các em đứng vững được trong thời đại giao lưu văn hoá rộng rãi hiện nay.
Nguyễn Hùng (U.K)
Tôi hoàn toàn thông cảm với em Thanh. Em đã rất dũng cảm khi dám viết như vậy trong bài thi học sinh giỏi của mình.
Tôi cũng đã từng nhận thấy trong những câu chuyện in trong sách giáo khoa có nhiều tình tiết "không thể chấp nhận được" nhưng học sinh vẫn phải học và phát biểu "rất hay" trong bài thi của mình. Ví dụ thứ nhất, tôi chưa bao giờ muốn tự hào rằng mình là "con Rồng, cháu Tiên" khi được đọc trong sách Ngữ văn lớp 6 rằng: Lạc Long Quân sau khi lấy bà u Cơ đẻ ra trăm trứng, sau đó vì thấy chỉ quen sống dưới nước, không quen sống trên cạn nên chia ra làm hai: 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển. Theo tôi nếu Lạc Long Quân cùng u Cơ và 100 người con của mình lên rừng hay xuống biển cùng nhau thì có hay hơn không, có đáng ca tụng hơn không. Ví dụ thứ hai, khi đứa con đang học lớp 5 của tôi nhận được đề Tập làm văn "Em hãy kể một câu chuyện mà em thích và thử thay đổi đoạn kết của nó". Tôi đã cùng cháu làm bài Thánh Gióng trên tinh thần là sau khi thắng giặc n thì Gióng phi ngựa ngay về làng gặp mẹ trong tiếng reo hò vang dội của dân làng. Sau đó cùng mẹ bay về trời. Kết cục đó mới "không ác". Tôi đã hỏi cháu và chính cháu cũng không muốn rằng sau khi thắng giăc, nhiều lính tráng được ban thưởng, giải ngũ, về sum họp với gia đình còn Gióng và mẹ phải chia ly: "Trên lưng ngựa, Gióng hướng về làng, lạy tạ mẹ rồi bay về trời!" Tôi không dám nghĩ tới tâm trạng của mẹ Gióng mỗi chiều ra quét sân, nhìn lên trời trông ngóng con mình...
Suy nghĩ của mỗi người có khác nhau, nhưng tôi tin ai cũng mong muốn hướng tới cái đẹp hơn, tốt hơn. Giả sử khả năng ta không thể xoay trở được càn khôn, thì cũng xin lắng nghe hay cho phép trình bày một chút suy nghĩ của mình. Tại sao mọi người cứ phải cùng chung một ý kiến trong khi thực tế lại rất khác?
Vấn đề còn lại là em Thanh cảm nhận thế nào với kết quả 3/15! Tôi khuyên em dám làm dám chịu và vẫn nên ngẩng cao đầu. Tuy vậy, tôi nghĩ Hịch Tướng Sĩ, Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc... đối với em và những học sinh khác có thể không hay, không hợp thời, nhưng là những áng văn phản ảnh lịch sử, phản ảnh lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước của cha ông ta trong cuộc đấu tranh sống còn của dân tộc, dù không thích nhưng các em vẫn phải trân trọng. Nếu có đề cập đến hay nêu ý kiến, tôi nghĩ em hoàn toàn có thể chọn lọc lời văn thích hợp thì mới không tạo sự phản cảm ở giáo viên chấm thi.
Nguyễn Thị Hồng Phượng
Đồng tình với em Thanh
Tôi rất phục em Thanh vì em đã phát biểu thẳng thắn ý kiến của bản thân một cách công khai, nhất là lại trong một kì thi HS giỏi. Tôi không bình luận gì về cách hiểu của em về bài văn tế, nhưng việc em dám nói ra điều mình nghĩ là quan trọng và rất đáng quý.
Bản thân tôi trước đây học chuyên Toán nhưng cũng là một người rất yêu thích Văn học. Tôi cảm nhận Văn không hẳn là sâu, nhưng mà qua hơn trăm tiểu thuyết Việt Nam lẫn nước ngoài mà tôi từng đọc tôi cũng nhận xét được chỗ nào mình thấy hay, chỗ nào mình cho là dở. Quả thật ngay cả nhiều tác giả tầm cỡ như Tolstoy, Hugo, Dickens... đôi khi cũng có những đoạn viết kém hấp dẫn và chứa đựng những tư tưởng không thật đúng. Chính vì vậy nên chăng trong việc dạy học môn Văn bây giờ các thầy cô và các bạn không nên chỉ biết khen (hoặc cố tìm lời để khen) mà nên đưa ra những ý kiến phê bình trung thực.
Vả lại, nói cho cùng không phải ai cũng hiểu Văn thật sâu được. Trong việc đọc sách của tôi, cái lợi ích lớn nhất là ở chỗ tôi hiểu biết nhiều hơn về lịch sử và tâm lý con người, chứ không phải ở chỗ tôi sẽ trở thành người viết văn thật hay. Thiết nghĩ, có lẽ chương trình Văn học nước mình nên bỏ bớt phần văn nghị luận mà cần tập trung nhiều hơn một chút vào những kỹ năng diễn đạt cơ bản hơn như viết thư, viết đơn từ chẳng hạn (vì nhiều bạn tôi quen nói chuyện còn chẳng thành câu cú đàng hoàng, kể gì đến nghị luận văn học?!).
Cũng phải nói thêm rằng, để hiểu văn được tốt không phải chỉ cần quyển sách giáo khoa là đủ. Với hiện trạng ở nước mình các tài liệu về lịch sử và văn hoá còn ít và việc truy cập thông tin còn hạn chế như vậy thì việc nhiều bạn học sinh kém hiểu biết, kém cảm thụ là hiển nhiên. Đối với các bạn yêu Văn và ham đọc sách mà có điều kiện, tôi xin góp ý các bạn tìm một phần mềm bách khoa toàn thư điện tử, nó sẽ rất tiện lợi và có ích cho việc đọc của các bạn.
Tôi xin góp một số ý kiến như vậy. Mong rằng môn Văn ở nước mình sẽ sớm thay đổi thành một môn học nhẹ nhàng hơn mà bổ ích hơn, học sinh không phải học gạo nữa mà các thầy cô cũng không phải phát ngán với cách dạy gò bó như bây giờ.
Lương Thế Vinh
Là phụ huynh học sinh có con đang học lớp 12 và có cháu đang học lớp 9 đều là các lớp cuối cấp, tôi có rất nhiều nỗi buồn và bức xúc cho vấn đề học của các cháu. Bài văn của cháu Thanh thực sự đại diện cho tâm tư tình cảm của đa số học sinh hiện nay và không chỉ có vậy, bản thân tôi là phụ huynh cũng có cùng tâm trạng của cháu.
Vì con tôi đang học lớp 12, môn văn của cháu điểm thường rất thấp nên tôi có mời thầy giáo đến nhà kèm thêm cho cháu. Những lúc đợi cháu học, tôi vẫn thường lắng nghe các bài thầy giáo dạy kèm cháu và quả thực tôi cảm thấy rất hoảng với những gì các cháu phải tiếp thu, phải cảm nhận được những gì thầy giáo giảng. Bản thân chúng tôi là cha mẹ các cháu, đã trải qua những thời kỳ gần với văn học hiện thực hơn các cháu rất nhiều nhưng cũng không thể nào cảm nhận được như lời phân tích của thầy. Tôi thấy thầy nói rất hay nhưng để biến những ngôn từ của thầy thành cảm nhận của người nghe thì chắc chắn là không đơn giản. Mà không chỉ cảm nhận, phải phân tích, phải bình giảng, phải tìm những ví dụ liên hệ…. như là các nhà phê bình lý luận văn học. Thầy dạy văn ở lớp thường ca thán các cháu không thuộc dẫn chứng và các cháu thường bị không điểm vì khảo dẫn chứng không thuộc, học văn bây giờ cũng có phần giống như học sử vậy, phải thuộc lòng ngày tháng năm, phải thuộc lòng hoàn cảnh và nhân thân của tác phẩm-tác giả, nhìn các cháu đánh vần với môn văn thuộc lòng mà tôi cảm thấy xót xa và ái ngại vô cùng. Con tôi lại an ủi: "Chúng con còn đỡ, chứ thế hệ càng về sau này càng chết vì càng có nhiều ông sinh ra để phải học, họ có bớt cho ông nào đâu".
Trong buổi họp phụ huynh, thầy chủ nhiệm dạy môn văn phàn nàn rằng một bài văn chỉ được phân bổ 2 tiết dạy nên có vắt chân lên cổ cũng không thể dạy kịp. Thầy phải tăng thêm 4 tiết nữa mà phải chạy mới dạy hết được. Vì vậy con cháu chúng tôi buổi sáng học chính khoá, buổi chiều học tăng tiết, còn buổi tối học thêm. Các cháu lao động khổ cực còn hơn cha mẹ của chúng. Tôi không tin học như vậy các cháu sẽ giỏi hơn, tôi không muốn các cháu phải khốn khổ như vậy nhưng vì trào lưu chung nên đành phải chịu. Thương con, xót xa cho con nhưng đành phải im lặng, chỉ cầu mong qua khỏi những năm học phổ thông này.
Có một người thầy ngọai quốc đã nói với chúng tôi rằng “Học để mà quên, không ai có thể nhớ hết những gì mình học nhưng biết phương pháp để tìm đến những gì mình cần”. Tri thức nhân loại vô cùng rộng lớn, không ai có thể học hết được, thời đại Internet ngày nay hoàn toàn hỗ trợ con người tiếp cận tri thức một cách dễ dàng, như vậy cái quan trọng nhất là phương pháp tiếp cận vấn đề, phương pháp tư duy sáng tạo chứ không cần phải học thuộc lòng.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải thật sự nghiêm túc nhìn lại vấn đề về chương trình học, nghiêm túc nhìn lại phương pháp dạy học và nghiêm túc nhìn lại nhu cầu của xã hội đối với con cháu chúng ta. Những người soạn chương trình đừng đứng trên vai tiến sỹ, giáo sư mà hãy đứng trên vai của những đứa trẻ theo độ tuổi của chúng, đứng trong thực trạng xã hội ngày nay, trong nhu cầu thực tế của thời đại thì các chương trình mới thực sự phù hợp với các cháu.
Phạm Phương Lan (Tân Bình)
Đây có phải là tự do hay không?
Ta phải xác định rõ đây là cuộc thi, tức là chấp nhận sự đánh đố và người tham gia thi không có lý do gì để từ chối đề thi cả. Thí sinh phải tưởng tượng và nhập cuộc để làm bài cho dù có khác so với thực tế. Qua sự việc của em Thanh, tôi thấy rõ sự mơ hồ trong khái niệm "tự do", tự do ngôn luận hay chỉ là sự phá rối làm hỏng nề nếp xã hội.
Henry Hoang (Hoa Kỳ)
Đúng là bài viết rất thẳng thắn. Nhưng đây là một vấn đề lớn. Theo tôi, cách hiểu như bạn đó là không được, vì làm gì có chuyện thích thì mới làm. Thích là phạm trù mang tính cá nhân, cùng một sự việc, hiện tượng, có người thích có người không thích. Bài văn, muốn hiểu cho sâu sắc, phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử của sự ra đời. Những gì thuộc về lịch sử thì tất cả chúng ta phải biết tôn trọng. Hơn nữa, đây là một vài văn tế những nghĩa sĩ đã hy sinh để bảo vệ đất nước, non sông - nơi mà chúng ta đang sinh sống ngày nay. Do vậy, việc đánh giá bài văn này cần phải được xem xét kỹ càng dưới nhiều góc độ.
huy hieu
Vấn đề là cách ra đề thi
Qua bài viết của cháu Thanh, tôi rất thông cảm và có một số ý kiến như sau:
Khi tôi bằng tuổi cháu, chắc tôi cũng chẳng thấy bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là hay và cảm động.(Lúc học lớp 9 hay lớp 10 tôi cũng chẳng thấy Truyện Kiều hay. Càng lớn tuổi tôi mới thấy được cái hay của Kiều và bài văn tế Thập loại chúng sinh của Nguyễn Du là cảm động, có tính nhân văn.
Vấn đề là tại sao cháu Thanh phản ứng? Theo tôi nghĩ là do cách dạy, truyền đạt một chiều của chương trình giáo dục, cứ bắt người khác phải nghe, phải khen, phải suy nghĩ và thưởng thức như các cụ, không được có ý kiến khác nên đám trẻ nghe riết phát quạu.
Tại sao không ra đề: Các em hãy bình giảng hay phân tích bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc để các cháu khen-chê ?
Lưu Ngọc Đỉnh
Bình luận (0)