Ý kiến về đáp án môn Hóa khối A: Không đồng tình với đáp án của Bộ GD-ĐT

08/07/2007 17:17 GMT+7

Đọc Báo Thanh Niên tôi đã thấy một số ý kiến về câu 21 mã đề 429 Đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2007. Trước hết, tôi phải nói rằng ý kiến này chưa chính xác. Sau đó, tôi có đọc trả lời của ban đề thi, các ý kiến vừa nêu đều nói rằng: theo sách giáo khoa môn hóa học không phân ban trang 102 đã viết...Tôi nghĩ rằng sự phân tích để trả lời như vậy là ngụy biện hoặc chưa thấu đáo.

Khi kết luận "Bằng phương pháp này, người ta có thể điều chế được những kim loại có tính khử yếu và trung bình (đứng sau nhôm)" không có nghĩa là toàn bộ các chất khử nêu trước đó là CO, C, Al, Hidro tất cả đều khử được ZnO. Bằng chứng là:

1. Trong hóa học vô cơ ở trường THPT (bồi dưỡng thường xuyên giáo viên THPT, sinh viên khoa Hóa ĐH và CĐSP) của Phó Giáo sư Nguyễn Đức Vận NXB Giáo Dục 1996 trang 14, mục 3 phản ứng khử oxit kim loại đã viết rõ ràng "các oxit của kim loại đứng sau Zn trong dãy thế điện cực có thể bị Hidro khử khi nung nóng".

Như vậy, ZnO không bị khử, vì phải là oxit của kim loại "sau Zn". Các giáo viên trực tiếp đứng lớp như tôi sẽ nói như thế nào với học sinh của mình đây, khi các em làm bài bị coi là sai theo đáp án của Ban đề thi. Nếu Ban đề thi đúng thì tài liệu bồi dưỡng thường xuyên của Bộ GD-ĐT sai, và như vậy đã có bao nhiêu giáo viên học sai, rồi dạy sai cho học sinh?! Điều này sẽ ít gặp trong đề thi tự luận, nhưng trong bài thi trắc nghiệm thì chỉ một chữ thôi "từ Zn trở về sau... hay sau Zn..." đã khác nhau hoàn toàn.

2. Về câu 4, mã đề thi 748, đáp án của Bộ là B. 4 (chất lưỡng tính) nhưng đúng ra phải là A. 3 (chất lưỡng tính). Vì (NH4)2CO3 không phải chất lưỡng tính, điều này nếu nói về thuật ngữ thì có thể bao biện rằng chất này vừa cho proton, vừa nhận proton, nhưng thực chất đây là hai chất, đó là cation amoni (là axit) và anion cacbonat (là bazơ). Nhẽ ra, nên tránh thuật ngữ "chất" ở đây. Năm học 1999-2000 đã có trường đại học ra câu tương tự và Phó Giáo sư Nguyễn Đức Vận (ĐHSP I Hà Nội) đã lấy ví dụ để khẳng định "không phải là chất lưỡng tính" vì sự nhầm lẫn về định nghĩa chất lưỡng tính là chất tác dụng được với cả axit và bazơ".

Tất cả những thông tin nêu trên trong tay tôi đều có văn bản chính xác để trả lời, nếu có ai hỏi. Vì vậy, tôi hi vọng đây là cơ sở để các ý kiến của các thầy cô, học sinh được trả lời rõ ràng, nhằm tránh xảy ra những điều tương tự về sau, và học sinh không bị thiệt thòi.

Phan Trọng Quý
(GV Hóa trường TH Thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.