Bệnh thành tích trong giáo dục nhiều nguy hại hơn là chúng ta tưởng

07/01/2007 21:49 GMT+7

Tôi là một giáo viên dạy môn tự nhiên khối PTTH (tại TP.HCM). Hai mươi năm trong nghề, chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của giáo dục nước nhà, chưa bao giờ, tận đáy lòng tôi cảm thấy chua xót như năm nay. Bệnh thành tích trong giáo dục âm ỉ suốt bao năm nay, càng lúc càng nặng.

Ngày ngày đọc báo, tôi không khỏi bàng hoàng khi biết rằng có những em học sinh cấp II không biết đọc chữ, không biết làm toán. Tôi quá ngạc nhiên với câu chuyện một phụ huynh xin cho con ở lại lớp nhưng không được. Mặc dù biết bệnh thành tích đã lan rộng trong giáo dục nhưng tôi không thể tưởng tượng được các câu chuyện này là có thật.

Nghĩ rằng những sự việc trên chỉ có ở vùng xa, cho đến hôm vừa rồi 5/1/2007, một đồng nghiệp nói với tôi lớp anh đang dạy (lớp 10) có những học sinh không làm được các phép tính đơn giản (1 không biết cộng mấy để ra 5; 8 không biết trừ mấy để ra 6), rồi một đồng nghiệp nữ than thở nhiều học sinh lớp 12 không biết chia động từ to be trong tiếng Anh (nên chú ý: chúng tôi đang dạy tại TP.HCM), rồi lại em X học lớp 10 không phân biệt được hình thoi và hình tam giác... Có phải chúng ta đang nhận lấy hậu quả của chính chúng ta gây ra?

Bệnh thành tích trong giáo dục đang "giết chết" một bộ phận thế hệ trẻ, nhiều học sinh càng ngày càng thụ động, lười biếng (vì không học gì cũng chẳng ai dám cho các em ở lại lớp). Tôi đã chứng kiến cảnh giám thị mời phụ huynh một em học sinh lớp 10 (niên khóa 2006 - 2007) để thông báo việc học tập tệ hại của em này. Sau khi cô giám thị trình bày xong, vị phụ huynh này mắng con một trận. Nhưng khi nghe em nói: "Mẹ đừng bắt con học nữa vì con chẳng biết gì!", thì bà rưng rưng nước mắt dẫn con thẳng ra văn phòng rút hồ sơ. Tôi cảm giác như có dao cứa vào tim. Vì sao không biết gì mà em vẫn phải ngồi ở lớp 10 để tiếp thu những kiến thức mà đối với em cao vời vợi và quá xa lạ? Ai đã đẩy em đến nông nỗi này?

Còn giáo viên thì sao? Bây giờ người ta phải giấu nghề thì mới đạt kết quả cao hơn người khác. Người đi trước phải làm sao để đàn em không giẫm lên chân mình.

Thủ đoạn không phải là bản chất của người giáo viên nhưng hoàn cảnh đã tạo ra những con người như thế. Tôi đã chứng kiến một đồng nghiệp A lấy bài thi của học sinh của một đồng nghiệp B để tìm ra những sai sót theo kiểu bới lông tìm vết chỉ vì học sinh của cô B làm điểm cao hơn học sinh của cô A; rồi cảnh các đồng nghiệp của tôi xích mích nhau vì cái thành tích hão huyền ấy đến nỗi không nhìn mặt nhau, phải lôi nhau đến Ban giám hiệu để giải quyết vấn đề. Rồi những đợt kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ, những người ra đề và duyệt đề thao túng, gian lận để học sinh của mình có điểm cao và cái chính là để bản thân mình đạt thành tích cao hơn người khác. Chúng tôi sống cảnh giác nhau, đề phòng nhau. Vì sao chúng tôi và các em học sinh phải chịu áp lực của bệnh thành tích như thế?

Bên cạnh những người bị bệnh thành tích hành hạ (đến nỗi bị stress) vẫn có rất nhiều thầy cô không bị nhiễm chứng bệnh nguy hiểm đó. Họ vẫn âm thầm trồng người, không màng danh lợi, tâm hồn luôn luôn trong sáng, sống luôn có trách nhiệm với xã hội, với bản thân. Thật may thay, chính các thầy cô này lại là những người luôn đạt hiệu quả cao trong giảng dạy, luôn nhận được sự kính trọng của các đồng nghiệp và những tình cảm trân trọng nhất của các em học sinh.

Đầu niên khóa 2006 - 2007, trường tôi hô vang khẩu hiệu "Nói KHÔNG với bệnh thành tích". Chủ tịch Công đoàn yêu cầu mỗi người chúng tôi phải làm một bài tham luận về việc "Nói KHÔNG với bệnh thành tích". Nếu ai không làm thì sẽ bị trừ điểm thi đua!

Nhưng... bao giờ mới có thuốc đặc trị bệnh thành tích trong giáo dục?

Một giáo viên (saurieng...@yahoo.com)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.