Không thể không chế tài với những vi phạm pháp luật trên blog

04/10/2007 00:56 GMT+7

(Nhân đọc Những nạn nhân của blog "bẩn", TN 1.10.2007) Đâu có thể tự do muốn làm gì thì làm Tôi rất ủng hộ quan điểm của Báo Thanh Niên về vấn đề blog. Blog là một nhật ký trên mạng. Nhưng, về bản chất nó lại không phải là một nhật ký đúng nghĩa mà lại là một "tờ báo" công cộng. * Người bị hại có thể yêu cầu pháp luật xử lý

Một nhật ký đúng nghĩa phải là những ghi chép của riêng mình và cũng chỉ dành cho mình hoặc một số bạn bè thật thân tình đọc. Còn với blog thì lại hoàn toàn khác, nó là những ghi chép của mình nhưng lại được trưng ra nơi công cộng, mời gọi mọi người đọc, mọi người vào và mọi người có quyền tham gia viết tiếp. Để tiện hình dung, ta có thể lấy một ví dụ tương tự đó là khi một người viết những ý kiến/hình ảnh theo ý mình và dán lên băng-rôn, trưng ra ngã tư, ngã ba đường để cho mọi người qua lại đều thấy.

Vậy thì, liệu bất cứ ai cũng có quyền tự do trưng mọi ý kiến/quan điểm của mình ra nơi công cộng như vậy hay không? Theo tôi là không thể. Mọi người có quyền phát biểu ý kiến, có quyền đưa ra hình ảnh nhưng phải nằm trong khuôn khổ của luật pháp, phải không được phép phạm pháp. Tôi lấy một ví dụ, trước đây đã từng có một em học sinh ra Hà Nội chơi, sau chuyến đi đã tung lên blog của mình một số bài viết cực đoan theo kiểu địa phương chủ nghĩa. Những bài viết này đã làm dấy lên một phong trào địa phương nọ, tỉnh nọ nói xấu tỉnh kia. Nếu tình hình đó còn tiếp tục duy trì thì rất có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần thống nhất đất nước. Đó là những bài viết rất nguy hiểm không thể nào cho xuất hiện đại trà trên blog được.

Do vậy, tôi cho rằng quản lý các blog tiếng Việt và có chủ nhân là công dân Việt Nam là điều cần thiết. 

Ngô Mai  (Quận 7, TP.HCM)

Phải ngăn chặn  blog "bẩn"

Hiện nay có quá nhiều blog thiếu tính văn hóa khiến không ít người bị choáng khi "lỡ" vào xem. Tôi là người xem và đọc rất nhiều blog trên mạng và rất "dị ứng" với những hình ảnh sex, những ngôn từ thiếu trong sáng được những "khổ chủ" up lên. 

Phải thừa nhận một điều là hiện nay blog là một cầu nối giao lưu rất hữu ích đối với nhiều người. Song chúng ta không thể "thả nổi" cho các blog "bẩn" làm ô nhiễm môi trường văn hóa và xâm hại đến lợi ích của tổ chức, cá nhân. Câu hỏi tôi đặt ra là tại sao một số trang web dù lành mạnh lại không được phép hoạt động khi chưa có giấy phép trong khi các blog cá nhân, trong đó có rất nhiều blog "bẩn", lại hoạt động vô tư?

Võ Minh Huy (Quảng Ngãi)

Tôi xin được hỏi…

Nhân dịp quý báo đăng tải bài Những nạn nhân của blog bẩn, tôi có thắc mắc: 1. Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về tội bôi nhọ danh dự, nói xấu, đả kích người khác (trường hợp ẩn danh và hiện danh)? Trường hợp việc làm này gây ảnh hưởng nặng nề đến uy tín kinh doanh của tổ chức nơi người bị bêu xấu đang công tác thì sẽ bị xử lý như thế nào? (không phải dùng blog).

2. Dùng blog viết về đời tư, chuyện làm ăn trong kinh doanh để bêu xấu người khác (đa phần là tình tiết suy luận) sau đó tuyên truyền tới mọi thành phần vào xem làm không chỉ ảnh hưởng đến đời tư, sự nghiệp mà còn ảnh hưởng cả đến tổ chức nơi người bị bêu xấu công tác, đặc biệt rất nguy hại trong thời buổi cạnh tranh gay gắt, tranh giành thị phần như hiện nay… thì pháp luật Việt Nam quy định xử lý như thế nào và mức truy cứu trách nhiệm nặng nhất có thể áp dụng đối với blogger ra sao? 

3. Người bị bêu xấu đích danh có thể nhờ cơ quan pháp luật Việt Nam hay tổ chức nào can thiệp để được bảo vệ? (chặn blog lại không cho phát tán chẳng hạn hoặc nhờ truy tìm blogger ẩn danh).

4. Ví dụ, nếu truy tìm được blogger ẩn danh thì người bị bêu xấu đích danh có thể kiện blogger ẩn danh này được không, kiện với tội danh gì và kiện tới cơ quan nào? (lấy các bài viết trên blog làm cơ sở để kiện).

Tôi có vài thắc mắc như nêu trên, kính nhờ quý báo tư vấn giúp.

Hoàng Hà  (Quận 5, TP.HCM)

Người bị hại có thể yêu cầu pháp luật xử lý

Đã là nhật ký trên mạng nên pháp luật tôn trọng quyền riêng tư và tự do bày tỏ quan điểm cá nhân của mỗi người, miễn là những ý kiến, thông tin đưa ra không xâm phạm đến trật tự, lợi ích công cộng hoặc xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức, hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của người khác. Về mặt pháp lý, nếu xảy ra tình trạng được gọi là "blog bẩn", bêu xấu, xuyên tạc, nhận xét cá nhân mang tính ác ý nhằm công kích, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, tùy theo tính chất, mức độ, nhận thức và hậu quả xảy ra, người bị hại có thể yêu cầu pháp luật xử lý trên hai phương diện:

Một là, nếu hành vi của blogger nói trên đã cố ý hạ thấp danh dự nhân phẩm của người khác, làm họ mất uy tín, nhân cách của người đó đối với người thân trong gia đình, bạn bè, cơ quan hay nơi họ sinh sống, nơi công cộng... (thể hiện bằng lời nói, chữ viết hoặc hành động), xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có dấu hiệu của tội làm nhục người khác theo điều 121 Bộ luật Hình sự; hoặc bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể bị xem xét theo tội danh vu khống được quy định tại điều 122 Bộ luật Hình sự năm 1999. Do không gian blog là không gian của cộng đồng và nhiều người có thể đọc, tiếp nhận thông tin khi đăng nhập vào mạng internet, nên có thể đánh giá sự phát tán của thông tin là nhanh chóng và nghiêm trọng.

Hai là, do hành vi xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người nên người thực hiện hành vi đó không chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà còn phải bồi thường những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Theo điều 42 Bộ luật Hình sự năm 1999, người phạm tội phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra. Trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, gây thiệt hại về tinh thần, tòa án có thể buộc người phạm tội công khai xin lỗi người bị hại. Theo các điều quy định từ điều 609 đến điều 625 Bộ luật Dân sự, người bị thiệt hại có thể khởi kiện ra Tòa dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người và đó là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề xác định chủ thể sở hữu blog tạo trên các website cung cấp dịch vụ blog không phải là điều đơn giản. Vì thế, trong điều kiện không gian pháp lý mở rộng ranh giới cho sự tự do bày tỏ quan điểm cá nhân, tôi đồng tình với ý kiến cần xây dựng những quy tắc ứng xử chuẩn mực của các blogger. Nhìn cho thật thấu đáo, với ý thức tôn trọng pháp luật và quyền con người, mỗi blogger có thể tìm thấy sự tự do.

Tiến sĩ, luật sư Phan Trung Hoài (TP.HCM)

V.N (ghi)

Bài tham gia trang này xin gửi về: Trang “Ý kiến”, Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM hoặc e-mail: .

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.