Sòng phẳng để hội nhập

12/11/2007 08:48 GMT+7

Giới thông tấn mấy ngày qua xôn xao bàn tán về "Thỏa thuận trao đổi và bảo vệ bản quyền giữa 5 cơ quan báo chí". Theo đó, từ ngày 1.1.2008 trở đi, 5 tờ báo tham gia thỏa thuận là (theo thứ tự ABC...) Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi Trẻ được phép sử dụng tin, bài của nhau để đăng trên trang báo điện tử và trang tin tiếng Anh mà không phải xin phép, trả nhuận bút; các báo điện tử, trang tin điện tử không nằm trong thỏa thuận sẽ không được sử dụng tin, bài của các báo tham gia thỏa thuận nếu chưa được sự đồng ý.

Báo giấy, hay còn gọi là báo in ra đời tại VN đã trên 100 năm và đã ghi dấu ấn dấn thân và tiên phong nhất trong từng thời kỳ đấu tranh bảo vệ của dân tộc và xây dựng đất nước. Ngày 19.11.1997, Nhà nước VN chính thức quyết định kết nối vào mạng Internet toàn cầu. Báo điện tử ra đời tại VN đã làm phong phú thêm loại hình thông tấn báo chí. Với ưu thế có thể cập nhật nhanh, liên tục các sự kiện, báo điện tử đã kịp thời mang đến cho độc giả những thông tin ngồn ngộn, nóng hổi.

Hội nhập về kinh tế là hành trình không thể hoàn tất trong một - hai năm.

Nhưng thông qua Internet, sự hội nhập vào thế giới về thông tin và vấn đề thực hiện trách nhiệm đối với bản quyền thông tin đã diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn. Khách quan mà nói, một báo điện tử lớn đã khẳng định được thương hiệu và đã được đầu tư bài bản từ công nghệ cho đến đội ngũ làm báo trong những năm qua. Tuy nhiên, còn không ít báo điện tử, trang tin điện tử có nội dung chủ yếu được lấy từ các báo in, nhiều khi không chỉ không ghi rõ nguồn, mà còn cắt xén, lắp ghép theo ý đồ riêng làm bài báo bị sai lệch ý nghĩa so với nguyên bản.

Trên thực tế, nhiều tờ báo in hiện nay mỗi tháng phải trả vài ngàn USD hoặc vài chục triệu đồng để mua thông tin từ các hãng thông tấn trong và ngoài nước. Mỗi phóng viên tác nghiệp không chỉ đơn thuần là công sức, mà còn là tiền của đầu tư để có những tin bài tốt mang đến cho bạn đọc. Sự đầu tư đó, không chỉ cần được tôn trọng và bảo vệ bằng luật pháp, mà còn cần được trân trọng về mặt đạo đức nghề nghiệp.

Báo Bưu Điện - Cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông - số ra ngày 5.11.2007 đã nhận định thỏa thuận trên "sẽ đánh dấu một "bước ngoặt" trên thị trường thông tin báo chí VN và cách thức áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ nói chung tại VN...". Dù cùng trong báo giới, là đồng nghiệp cùng hội cùng thuyền, sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ nhau trong nhiều sự kiện, nhưng chúng ta không thể không sòng phẳng với nhau về vấn đề bản quyền thông tin. Đó không chỉ đơn thuần là vấn đề pháp luật của riêng VN, mà còn là tuân thủ luật pháp chung của quốc tế. Phải sòng phẳng như thế để tạo nền tảng hội nhập sâu vào xu thế thông tin toàn cầu.

 Thẩm Hồng Thụy - Báo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.