“Tôi hoan nghênh loạt bài của Thanh Niên đã hâm nóng một thời kỳ lịch sử...”

14/03/2008 23:57 GMT+7

Sau khi đọc loạt bài "Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử" và những ý kiến trao đổi đăng trên các báo, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Khoa Điềm đã gọi điện thoại hoan nghênh Báo Thanh Niên về loạt bài này. Tiếp đó, trong cuộc gặp gỡ trực tiếp với Báo Thanh Niên, ông đã chính thức bày tỏ quan điểm của mình.

"Tôi không phải là người nghiên cứu lịch sử, tuy nhiên tôi đã đọc bộ Lịch sử Phật Giáo Việt NamLục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta của thiền sư Lê Mạnh Thát. Với cảm nhận của bản thân, tôi cho rằng những giả thiết mà thiền sư đặt ra là rất đáng trân trọng. Trước hết phải ghi nhận là thiền sư đã có một tinh thần dân tộc, luôn mong muốn làm sáng tỏ lịch sử nước nhà. Thiền sư đã cất công tìm tòi, dò sâu vào lịch sử, đọc những tài liệu, những công trình khoa học từ nhiều nguồn, nhiều quốc gia, nhất là trong các tạng kinh Phật. Đây là một cơ duyên mà không phải ai cũng có được. Trong bối cảnh mà nhiều nguồn tài liệu khác đã bị tiêu hủy, thì việc phát hiện những vấn đề lịch sử tiềm tàng trong kinh Phật là điều rất quý.

Riêng về mối quan hệ giữa Triệu Đà và An Dương Vương, đây là giai đoạn lịch sử cho đến nay vẫn còn nhiều điều lờ mờ. Trước đây các bậc tiền bối cũng đã có nhiều cách lý giải khác nhau. Ngô Sỹ Liên cho rằng Triệu Đà là tổ tiên của người Việt. Nhưng thái độ của Ngô Sỹ Liên cũng rất đáng để chúng ta suy nghĩ vì ông chỉ cho giai đoạn này là "ngoại kỷ". Trong khi đó, Ngô Thời Sĩ lại cho rằng Triệu Đà không phải là tổ tiên nước ta. Quan niệm của Ngô Thời Sĩ đã được giới sử học thời Tây Sơn thừa nhận. Nay thiền sư Lê Mạnh Thát đặt vấn đề Triệu Đà hoàn toàn không liên quan gì đến lịch sử nước ta cũng là một kiến giải mới. Câu chuyện Trọng Thủy được cử sang làm rể An Dương Vương để đánh cắp bí mật quân sự, tôi cũng có nhiều suy nghĩ. Bởi trong bối cảnh hai nước ở cạnh nhau, thế lực Triệu Đà lại lớn mạnh hơn ta, nhưng lại cử con trai sang làm rể, việc này ít thấy xảy ra trong lịch sử. Tôi đã có dịp đến Bảo tàng Triệu Văn Đế (tức Triệu Hồ, con trai Trọng Thủy (?), gọi Triệu Đà là ông nội) tại Quảng Châu, Trung Quốc. Bảo tàng được xây dựng sau khi các nhà khảo cổ học tìm thấy ngôi mộ của Triệu Văn Đế. Đây là ngôi mộ của một bậc đế vương còn giữ được nguyên vẹn di cốt lẫn những hiện vật tùy táng. Xem những hiện vật tại bảo tàng, tôi ngạc nhiên vì nó chứng tỏ một nền văn hóa phát triển cao, tuy nhiên nó không hề giống với những gì của chúng ta trong cùng thời kỳ ấy.

Tôi tán thành ý kiến của tác giả Hà Văn Thịnh nêu trên Thanh Niên, ngày 12.3.2008. Tôi hoan nghênh loạt bài viết của tác giả Hoàng Hải Vân, đã hâm nóng một thời kỳ lịch sử còn nhiều điều chưa sáng tỏ. Thực ra, sách của thiền sư Lê Mạnh Thát đã xuất bản từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề dường như đã bị chìm lắng. Loạt bài viết đã khơi dậy trong tất cả mọi người khát khao tìm hiểu và mong muốn làm sáng tỏ lịch sử của dân tộc. 

Đây là một vấn đề lịch sử cần trao đổi cởi mở, rộng rãi để nhân dân được nghe, được biết. Qua đó, biết đâu chúng ta sẽ có thêm được nhiều nguồn thông tin mới khác nữa từ trong nhân dân".

Nguyễn Khoa Điềm
(Bùi Ngọc Long ghi, đã được ông Nguyễn Khoa Điềm xem lại và đồng ý cho đăng báo)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.