img

Khi còn làm lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho đến lúc về hưu, ông Y Luyện luôn được đồng bào quý mến vì phong cách dung dị, gần gũi. Ông cũng là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk, được xem như "cây đa, cây đề" trong công tác dân vận.

Y Luyện - cây đại thụ giữa đại ngàn - Ảnh 1.

Giữa mùa mưa, Tây nguyên có những ngày trời đẹp, nắng ráo hiếm hoi. Chúng tôi về buôn Kram, xã Ea Tiêu, H.Cư Kuin (Đắk Lắk), thăm nhà ông Y Luyện Niê Kđăm, 81 tuổi, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 1999 - 2005.

Nhà ông Y Luyện ngay cạnh đường, đối diện trụ sở xã Ea Tiêu, phía sau dãy nhà thoáng rộng là khu vườn sum suê cây lá. Bước qua cổng, chúng tôi gặp ông vác cuốc từ vườn đi vào, dáng vẻ khỏe khoắn. "Tôi ra thăm vườn, sáng nào cũng phải đi vài vòng xem cây cối, dọn cỏ, xới vài chỗ đất cho khỏe chân tay", ông Y Luyện nheo mắt cười, mở đầu câu chuyện.

"Mình mới thu hoạch vụ bắp xong, rẫy bắp 1 ha cách nhà chừng 3 cây số. Làm cà phê giờ cần có sức khỏe, lại phải đầu tư nhiều, nên gia đình chỉ trồng bắp, hoa màu cho vừa sức, lại có thu nhập không ít", ông Y Luyện tự hào khoe, như một nông dân thực thụ.

Ông Y Luyện với những huân chương, huy chương cao quý được Đảng, Nhà nước trao tặng ghi nhận thành tích đóng góp của ông trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc

Khi chúng tôi thắc mắc "từng là lãnh đạo cao nhất tỉnh, sao chú không mua đất, xây nhà ở phố, lại chọn cuộc sống nơi buôn làng?", ông Y Luyện cười hiền: "Thời tôi làm cán bộ, còn vợ thì làm nông, nuôi 5 đứa con ăn học nên cuộc sống vất vả. Trước đã quen sống cảnh bình yên nơi buôn làng này rồi, về hưu thì càng gắn bó hơn với bà con, không thích ồn ào nơi phố thị".

Ông Y Luyện sinh ra ở xã Krông Jing (H.M'đrắk, Đắk Lắk). Năm 19 tuổi, ông tham gia bộ đội kháng chiến, ngày lui vào rừng chiến đấu chống càn, đêm lại ra vận động bà con theo cách mạng. Đôi chân của ông từng lặn lội hầu hết các buôn làng Ê đê, M'Nông ở H9, H10 giờ thuộc các huyện Krông Bông, Lắk…

"Thời đó khổ cực lắm. Ban ngày, tôi cùng đồng đội chống địch càn quét. Đêm đến, anh em lại vào buôn, vận động bà con giúp đỡ cách mạng, đừng để ngoại bang xâm lược cai trị. Chúng ta là con dân Việt Nam, cùng nhau đánh đuổi kẻ thù, xây dựng cuộc sống tự do, ấm no hạnh phúc. Bà con nghe theo, người góp công, người góp của cùng theo cách mạng", ông Y Luyện nhớ lại.

Y Luyện - cây đại thụ giữa đại ngàn - Ảnh 3.

Từ sau năm 1975 khi đất nước thống nhất, ông Y Luyện không còn ở bộ đội nữa nhưng tiếp tục tham gia đội công tác quần chúng chống lực lượng phản động Fulro. Lúc đó ông hoạt động chủ yếu ở khu vực buôn Kô Tam (Buôn Ma Thuột), rồi vùng Ea Tiêu. "Từ năm 1979 đến 1982, Fulro hoạt động mạnh ở vùng này, buôn Kram có khá đông người theo Fulro, cả buôn Luk, buôn Ea Tiêu quanh đây cũng vậy. Chỗ nào nhiều Fulro, bất ổn là mình ở đó", ông nhớ lại.

Ông Y Luyện kể, ở trong buôn làng cùng đội công tác quần chúng nhiều lần tổ chức họp dân, vận động, tuyên truyền, khi bà con giác ngộ thì kêu gọi con em họ (trước đó theo Fulro) về hàng. Lúc đó, Nhà nước có chính sách khoan hồng đối với người trở về, cấp gạo để ăn, cho cuốc xẻng để làm rẫy nên nhiều người lầm lạc trở về mà không còn e ngại.

Y Luyện - cây đại thụ giữa đại ngàn - Ảnh 4.

“Lão nông” Y Luyện vẫn lao động sản xuất, góp sức dựng xây cuộc sống ở buôn làng

"Tôi đi nhiều, hiểu nhiều, nói trúng, nói đúng nên bà con nghe. Tôi vận động Fulro về nhiều lắm, không nhớ hết. Lúc ở Buôn Hồ, tôi cùng ông Y Per vận động được hai người có "vai vế" trong Fulro trở về. Còn ở vùng này, lúc đầu những người theo Fulro về lẻ tẻ, sau đó có khi họ về tập thể, cả tiểu đoàn luôn", ông Y Luyện hào hứng kể.

Cũng trong quá trình xây dựng lực lượng cơ sở, ông Y Luyện chọn buôn Kram làm nơi định cư lập nghiệp cho gia đình mình. "Ngày trước, các buôn vùng này có tổ chức Fulro đóng quân, lôi kéo nhiều bà con đi theo để chống phá cuộc sống đồng bào. Tôi chọn buôn Kram làm nơi dừng chân để cùng bà con xây dựng buôn làng, đồng thời có điều kiện hoạt động, vận động những người lầm lạc quay về, xây dựng cuộc sống mới. Tôi sống thật, nói thật thì chẳng sợ gì cả", giọng ông Y Luyện khẳng khái.

Y Luyện - cây đại thụ giữa đại ngàn - Ảnh 5.

Y Luyện - cây đại thụ giữa đại ngàn - Ảnh 6.

Nói về công tác dân vận, ông Y Luyện cho rằng, đây là công việc đặc thù, phải thực hiện thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị. Bởi lẽ, ở trong bất kỳ thời điểm nào, các đối tượng chống phá cũng đưa ra những luận điệu xảo trá để kích động, dụ dỗ đồng bào dân tộc theo chúng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Ông Y Luyện lấy ví dụ các năm 2001 và 2004, bà con đồng bào tại Đắk Lắk bị các đối tượng phản động lừa phỉnh nên tập trung biểu tình rất đông. "Thời điểm năm 2001, ngay lúc Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk vừa kết thúc, tôi trúng cử Bí thư Tỉnh ủy, chưa kịp cùng Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ra mắt đại hội thì đã phải rời hội trường ra gặp đồng bào kéo lên ở ngã sáu Buôn Ma Thuột, vận động họ về nhà. Mình vừa chỉ đạo các lực lượng tiến hành công tác dân vận, vừa trực tiếp gặp dân, từ tốn phân tích, khuyên nhủ bà con đừng nghe theo lời xúi giục của những thế lực phản động", nguyên Bí thư Tỉnh ủy nhớ lại.

Ông Y Luyện kể, với bà con mình phải giữ thái độ mềm mỏng, linh hoạt; thậm chí, ở các ngã đường, còn bố trí lực lượng hỗ trợ bà con có thức ăn, nước uống. Từ chỗ tuyên truyền, giải thích thấu tình đạt lý của cán bộ lãnh đạo tỉnh cũng như lực lượng chức năng, bà con dần hiểu ra vấn đề, từ bỏ việc quấy rối, trở về buôn làng bình yên, lao động sản xuất...

Y Luyện - cây đại thụ giữa đại ngàn - Ảnh 7.

Ông Y Luyện cùng người bạn đời hơn 50 năm gắn bó ở buôn Kram

Theo ông Y Luyện, ở trong hoàn cảnh nào cũng phải đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ ở cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, không chỉ có gầy dựng nguồn tin, mà phải có cả những hoạt động, việc làm cụ thể, phải "nói được làm được" nhằm hỗ trợ, chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của bà con các thôn buôn. Đó là cái gốc để giữ ổn định chính trị, an ninh trật tự ngay từ các khu dân cư.

"Bây giờ người dân lo làm ăn, làm giàu, không ai đi kiếm chuyện. Đời sống của bà con các buôn làng giờ cũng đổi khác. Nhiều hộ có nhà cao cửa rộng, nhiều gia đình đã sắm được xe máy, ô tô, cuộc sống đủ đầy hơn ngày xưa rất nhiều. Nhưng vẫn còn có những buôn làng xa xôi khó khăn, cần được quan tâm hơn, hỗ trợ nhiều hơn", ông Y Luyện nói.

Y Luyện - cây đại thụ giữa đại ngàn - Ảnh 8.

Nhắc lại vụ khủng bố tấn công trụ sở xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (H.Cư Kuin) hồi tháng 6.2023 khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh và 3 người dân tử vong, giọng ông Y Luyện trầm xuống. Ông cho rằng hành động của những kẻ khủng bố đã phơi bày bản chất tội ác man rợ của chúng. "Từ vụ việc này, hơn lúc nào hết, bà con mình phải thể hiện tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, phải tỉnh táo để không nghe lời xúi giục, kích động, chống lại mọi âm mưu thủ đoạn chống phá, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch", ông nhắn nhủ.

Ông Y Luyện cho rằng giáo dục tư tưởng, xây dựng thế trận lòng dân là biện pháp cảnh giới cao nhất trong công tác dân vận. Đặc biệt, phải chăm lo giáo dục tư tưởng cho lớp trẻ, bởi lẽ đây là lứa tuổi đang phát triển, dễ dao động về tâm lý, tư tưởng.

Y Luyện - cây đại thụ giữa đại ngàn - Ảnh 9.

"Giáo dục tư tưởng chính trị trong nhân dân, giác ngộ nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng bậc nhất và cũng là biện pháp cảnh giác cao nhất. Dù ở trong thời điểm nào chúng ta cũng phải hết sức cảnh giác và luôn phải chú trọng về công tác giáo dục tư tưởng chính trị trong nhân dân", ông Y Luyện nhấn mạnh.

Cũng theo lời ông Y Luyện, ngoài chú trọng những vấn đề trên, bản thân mỗi đảng viên, cán bộ lãnh đạo cũng phải tự nêu gương trong cuộc sống, phải thể hiện vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu trong các hoạt động để cho dân thấy, khi nói dân tin, dân nghe theo…

Y Luyện - cây đại thụ giữa đại ngàn - Ảnh 10.

Chiếc trống da trâu quý được ông Y Luyện giữ gìn nhiều năm

Y Luyện - cây đại thụ giữa đại ngàn - Ảnh 10.

Y Luyện - cây đại thụ giữa đại ngàn - Ảnh 11.

Sau gần 20 năm rời vị trí lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, ông Y Luyện về buôn làng, sống dung dị như một lão nông thực thụ của núi rừng. Ở tuổi ngoài 80, nhờ gắn bó với công việc nhà nông mà ông vẫn giữ mình khỏe mạnh, dù có gầy hơn ngày trước. Ông cho biết thường xuyên dự sinh hoạt Đảng ở địa phương, dù không còn ở cương vị lãnh đạo nhưng luôn có những ý kiến đóng góp xây dựng, giúp cho hoạt động của chi bộ thôn, buôn.

Y Luyện - cây đại thụ giữa đại ngàn - Ảnh 12.

Ông Y Luyện trao đổi kinh nghiệm về công tác dân vận với bà H’Kim Hoa Byă, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk

Gia đình ông Y Luyện có hơn 1 ha đất vườn và hồ cá rộng ngay giữa buôn Kram. Ông cho biết hồ do gia đình ông tự đào từ lâu, chẳng bao giờ cạn ngay cả vào mùa khô. Hồ này ông vừa nuôi cá, vừa giúp cung cấp nước tưới cho hàng chục héc ta cà phê, cây ăn trái của bà con trong buôn. Vườn nhà ông ngoài cà phê, sầu riêng sum suê, còn phủ kín với hàng chục cây sung, cây muồng cổ thụ như một khu rừng nhỏ. Ông nói nhờ vườn rẫy xanh tốt mà hồ nước luôn có mạch ngầm chảy quanh năm...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.