Ý nhờ Trung Quốc giải vây tài chính

14/09/2011 01:18 GMT+7

Đến lượt Ý buộc phải tạo cơ hội cho Trung Quốc gia tăng sự hiện diện tại châu u do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ.

Ngày 13.9, AFP dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Tài chính Ý thừa nhận Bộ trưởng Giulio Tremonti đã gặp gỡ một phái đoàn Trung Quốc hồi tuần trước nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn tài chính đang đè nặng. Rome đang đề nghị Bắc Kinh mua một lượng lớn trái phiếu nhà nước đồng thời cho phép doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh chiến lược của Ý, theo báo Financial Times.

 
Hiện trạng tài chính Ý buộc Bộ trưởng Tremonti thay đổi thái độ với Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Trong phái đoàn Trung Quốc đến Rome gặp ông Tremonti hồi tuần trước có Chủ tịch Lâu Kế Vĩ của Tập đoàn đầu tư Trung Quốc (CIC). Đây là một trong những quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, quản lý một phần kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc. Ước tính CIC có đến 400 tỉ USD giá trị tài sản. Cũng theo Financial Times, vài tuần trước, các quan chức Ý đã có mặt tại Bắc Kinh để gặp gỡ đối tác CIC và Cơ quan Quản lý ngoại hối của Trung Quốc (Safe). Giới hữu trách cho hay những cuộc thương thảo sẽ tiếp tục diễn ra nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Ý là nền kinh tế lớn thứ ba trong nhóm các nước sử dụng đồng euro, chỉ sau Đức và Pháp. Tuy nhiên, nước này đang bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng nợ vốn đã quật ngã nhiều nước châu u như Hy Lạp, Iceland… Nợ công của Ý đã gấp 120% GDP (chỉ thua Hy Lạp) và chiếm đến 23% trong tổng số nợ công của EU. Vì thế, Rome buộc phải nhờ cậy Bắc Kinh, vốn tuyên bố luôn sẵn sàng hỗ trợ các nước EU gặp khó khăn.

Những diễn biến mới đánh dấu sự chuyển hướng về quan điểm của Chính phủ Ý. Bản thân Bộ trưởng Tài chính Tremonti từng nhiều lần cảnh báo về việc Trung Quốc đang “thực dân hóa ngược” châu u. Tuy nhiên, viễn cảnh kinh tế tài chính mờ mịt buộc ông Tremonti phải suy nghĩ lại.

Ý cũng không phải là thành viên EU duy nhất nhờ cậy Trung Quốc. Trước đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã liên tục công du châu u và đề nghị trợ giúp tài chính và tăng cường đầu tư đối với những nước đang gặp khó khăn như Hy Lạp, Hungary, Bồ Đào Nha, Iceland…

Nhiều chuyên gia đã bày tỏ quan ngại trước việc Bắc Kinh tận dụng cơ hội tăng cường hiện diện và ảnh hưởng ở châu u. Ở Hy Lạp đã xuất hiện ý kiến phản đối khi Công ty tàu thuyền Trung Quốc Cosco kiểm soát phần lớn cảng chiến lược Piraeus thông qua hợp đồng thuê trị giá hơn 4 tỉ USD trong vòng 35 năm, theo Reuters. Dư luận Iceland cũng xôn xao trước tin triệu phú Hoàng Nộ Ba, từng làm việc cho Ban Tuyên giáo trung ương Trung Quốc, muốn mua 300 km2 đất ở vùng đông bắc nước này. Một số chuyên gia nhận định nếu ông Hoàng mua được khu đất, Trung Quốc sẽ có cơ hội nắm được một vị thế chiến lược ở khu vực bắc Đại Tây Dương.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.