Ý thức giao thông

25/10/2011 00:54 GMT+7

Với Hà Nội, việc thí điểm phân làn phương tiện ô tô và xe máy không chỉ là “quá tam” mà là “bốn bận”. Ba lần trước (năm 2003, 2006 và 2009) đều thất bại. Chúng ta cần chia sẻ với các cơ quan chức năng của Hà Nội sau nhiều lần loay hoay trước bài toán quá nan giải: kẹt xe.

Nay, đã tới hồi báo động đỏ: Dù không phải ngày khai giảng, không phải ngày tổ chức thi đại học, thi tốt nghiệp, không phải ngày lễ hội nhưng đường cũng tắc. Nguyên nhân thất bại có lẽ cũng nhiều. Song, với sự cảm nhận của nhiều người thì, ý thức tham gia giao thông của công dân Hà Nội chưa tốt, nếu không nói là “có vấn đề” đã góp phần làm cho một chủ trương cần thiết như vậy mà vẫn thất bại.

Tại sao TP.HCM đã làm và đến nay đã tỏ ra hiệu quả rõ rệt? Nếu nói rằng ở mỗi thành phố có những đặc điểm riêng, khó đánh giá và so sánh thì theo tôi, không phải. Có những cái khó chung, ví dụ như trong những đoạn đường phân làn, việc dừng đỗ ô tô bên phải đường, gây xung đột giao thông với xe máy thì ở đâu cũng thế. Việc ô tô hoặc xe máy khi đến điểm giao cắt cần rẽ, buộc phải sang làn đường của nhau thì ở đâu mà chẳng vậy. Song rõ ràng, nhờ có ý thức của người tham gia giao thông tốt mà hiệu quả cũng tốt hơn.

Vừa rồi, Hà Nội đang phân làn phương tiện trên 4 tuyến phố Bà Triệu, phố Huế - Hàng Bài, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn, Giải Phóng và đã có những tín hiệu tích cực cho dù cũng đã bộc lộ một số bất hợp lý. Chúng ta có thể mở rộng hơn ở những tuyến đường lớn, đường một chiều nhưng lại không nên làm ở những đường nhỏ mà chạy cả hai chiều, rất dễ gây ùn tắc. Cũng nên cân nhắc lưu lượng xe ô tô và xe máy ở mỗi tuyến đường mà điều chỉnh làn đường sao cho hợp lý, cũng có thể với đường một chiều có 3 làn xe, có thể khi thì dành 2 làn cho ô tô và khi thì chỉ dành một làn cho ô tô, không nên quá cứng nhắc. Với mỗi điểm giao cắt để rẽ, nên kéo dài đoạn đường cho phép các loại phương tiện được trộn dòng dài hơn nữa, nếu đoạn trộn dòng quá ngắn như hiện nay sẽ dễ gây ùn tắc.

Để chủ trương này đi vào nền nếp và thành công, rất cần có sự tham gia tích cực của các phương tiện truyền thông. Cần có sự tuyên truyền, nhắc nhở liên tục bên cạnh việc lực lượng cơ hữu túc trực ở các tuyến đường phân làn một thời gian dài, sau đó mới giảm dần, tiến tới thực hiện những chế tài nghiêm khắc. Còn nhớ khi triển khai đèn tín hiệu giao thông ở ngã tư Chùa Bộc - Tây Sơn - Thái Hà cách đây mấy năm, lúc đầu tình trạng ùn tắc so với trước chẳng khác là bao. Báo chí lúc đó phê phán rất dữ. Song, sau một thời gian thử nghiệm, điều chỉnh tăng, giảm từng giây một rất khoa học, đã thu được kết quả tốt. Người dân hằng ngày đi qua “điểm đen“ này ai cũng hài lòng rõ rệt. Điều đó chứng minh rằng, phải có thời gian thử thách, điều chỉnh và hoàn thiện.

Tất nhiên, ý thức tham gia giao thông của mỗi người dân vẫn là điểm mấu chốt tạo nên sự thành công. Nếu có sự đồng thuận và ý thức trách nhiệm cao của mỗi người dân, tôi  nghĩ chúng ta có thể làm tốt. 

Hành Thiện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.