Yemen và dư chấn từ Ai Cập

15/02/2011 09:23 GMT+7

Yemen đang đối phó với làn sóng biểu tình có chiều hướng dẫn đến một sự thay đổi tương tự như Ai Cập nhưng đẫm máu hơn.

Theo Reuters, hàng trăm người biểu tình chống chính phủ hôm qua xô xát với những người ủng hộ Tổng thống Ali Abdullah Saleh tại thành phố Taiz, phía nam thủ đô Sanaa. Nhân chứng cho biết cảnh sát đã bắn chỉ thiên nhưng không thể ngăn chặn đám đông dùng gạch đá tấn công lẫn nhau.

Trong khi đó, tại Sanaa, hàng ngàn sinh viên và luật sư xuống đường trong ngày thứ hai liên tiếp để đòi ông Saleh từ chức. AFP dẫn lời nhân chứng cho biết khoảng 3.000 người định tuần hành từ Đại học Sanaa đến Quảng trường al-Tahrir ở trung tâm thủ đô nhưng đã bị lực lượng an ninh dùng hàng rào dây thép gai chặn lại. Tại quảng trường này, hàng ngàn người ủng hộ ông Saleh đã cắm trại từ tuần trước, sẵn sàng đụng độ với phe chống đối.

Các vụ phản đối chống chính phủ ở Yemen đã trở nên mạnh mẽ hơn trong những tuần gần đây, có lúc thu hút hàng chục ngàn người. Nguy cơ bất ổn gia tăng khiến ông Saleh đưa ra những nhượng bộ đáng kể, bao gồm cam kết sẽ từ chức vào năm 2013. Vị tổng thống này đã cầm quyền trong 21 năm qua từ khi 2 miền Yemen thống nhất. Đó là chưa kể thời gian ông làm Tổng thống Bắc Yemen từ năm 1978.

Cùng với ông Mubarak ở Ai Cập, ông Saleh hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Washington cho biết các cuộc biểu tình ở Yemen chưa tác động đến hợp tác quân sự giữa hai nước và Sanaa vẫn cam kết chống tổ chức al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP). Theo AP, Mỹ sẽ bắt đầu một chương trình huấn luyện mới dành cho lực lượng chống khủng bố của Yemen.

Theo các nhà phân tích, một cuộc nổi dậy kiểu Ai Cập tại một đất nước nhiều phe phái như Yemen sẽ xảy đến chậm hơn nhưng sẽ đổ máu nhiều hơn. Một khi chính quyền trung ương sụp đổ, nội chiến sẽ xảy ra giữa các bộ tộc để giành quyền lợi cộng thêm nguy cơ “ăn hôi” của AQAP. Ngoài ra, tình thế giằng co cũng sẽ kéo dài vì Mỹ không muốn mất thêm một đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.

Cũng trong hôm qua, lực lượng an ninh Bahrain xịt hơi cay và bắn đạn cao su để giải tán những người biểu tình chống chính phủ trong các cuộc tuần hành được tổ chức nhằm đưa “làn gió cải cách” đến quốc gia này. Theo AP, cuộc đụng độ làm nhiều người bị thương và là vụ thứ hai kể từ hôm 13.2. Vương quốc nhỏ bé này là đồng minh chiến lược của phương Tây ở vùng Vịnh, đồng thời là nơi đặt đại bản doanh Hạm đội 5 của Mỹ. Phe đối lập đòi Hoàng tộc Al Khalifa chuyển giao thêm quyền cho Quốc hội và từ bỏ các chức vụ cao cấp trong chính phủ.

Còn tại Iran, hơn 2.000 cảnh sát được tăng cường trên đường phố Tehran để ngăn một cuộc tuần hành “bày tỏ tình đoàn kết” với Ai Cập và Tunisia, theo AFP. Chính phủ e ngại cuộc tuần hành sẽ khơi lại làn sóng chống đối rầm rộ năm 2009.

Ông Mubarak bị hôn mê

Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak của Ai Cập đang được chăm sóc y tế sau khi rơi vào tình trạng hôn mê ngày 12.2, theo tờ Almasry Alyoum hôm qua. Trước đó, có nhiều tin đồn rằng ông bị ngất 2 lần trong buổi ghi hình bài phát biểu cuối cùng vào tối 10.2. Hôm 11.2, ông Mubarak, 82 tuổi, đã rời khỏi Cairo sau khi chuyển giao quyền lực cho quân đội. Tờ báo trên cũng dẫn một nguồn tin của chính quyền cho hay gia đình Mubarak không phải đang ở thành phố Sharm el-Sheikh như thông tin trước đó mà đã được máy bay của quân đội đưa tới một trong những căn cứ ở miền nam. Chưa rõ động thái này của quân đội nhằm quản thúc hay bảo vệ cựu tổng thống.


Đại sứ Ai Cập tại Mỹ Sameh Shoukry xác nhận sức khỏe ông Mubarak (ảnh) đang khá xấu - Ảnh: AFP

Trong khi đó, hàng trăm người biểu tình, bao gồm nhân viên các ngành ngân hàng, giao thông và du lịch, hôm qua tiếp tục chiếm giữ Quảng trường Tahrir ở Cairo để đòi mau chóng cải thiện chế độ lương bổng và tình hình đất nước, theo BBC. Quân đội, đang nắm quyền kiểm soát Ai Cập, ra tối hậu thư cảnh báo nếu người biểu tình không giải tán thì sẽ bị bắt. Hôm qua, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang cũng có cuộc họp với đại diện phe đối lập nhằm thảo luận việc sửa đổi Hiến pháp.

Lê Loan

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.