Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã chính thức chạy thử vào ngày 10.8, theo Tân Hoa xã. Sau những vụ việc gây căng thẳng vừa qua tại các vùng biển đang có tranh chấp trong khu vực và với những hành động gần đây của Trung Quốc, nhiều bên tỏ ra không mấy tin tưởng vào lời khẳng định con tàu “chỉ mang tính chất nghiên cứu và huấn luyện” từ giới chức nước này.
Mục đích mập mờ
Trong buổi họp báo ngày 10.8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói Washington muốn Bắc Kinh “minh bạch hơn” về quân sự. Website Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lời bà Nuland nhận định Trung Quốc đã “không rõ ràng như các nước khác” về các hợp đồng mua bán quân sự, ngân sách quốc phòng... Vì thế, Mỹ “hoan nghênh bất cứ lời giải thích nào về việc Trung Quốc cần tàu sân bay để làm gì”, phát ngôn viên này nói.
Khi được hỏi liệu Mỹ có lo ngại tàu sân bay của Trung Quốc sẽ làm khu vực thêm căng thẳng hay không, bà Nuland đã khẳng định: “Có!”. Cho nên, Mỹ muốn “hiểu rõ hơn tàu sân bay có thể được dùng như thế nào và mục tiêu là gì” trong chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông.
Bên cạnh đó, AFP dẫn lời một số chuyên gia nhận định Trung Quốc muốn dùng tàu sân bay để “đánh đòn tâm lý” với các láng giềng đang có tranh chấp. Rich Fisher, chuyên gia quân sự Trung Quốc tại Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế tại Mỹ, nhận xét: “Trung Quốc rõ ràng muốn gây sức ép để các bên khác nhượng bộ mà không cần gây ra một sự cố an ninh lớn nào trên biển”. Còn theo một số chuyên gia khác, lâu nay Trung Quốc rất kín kẽ về các dự án quân sự của mình nhưng thông tin về tàu sân bay lại thường xuyên “bị rò rỉ” một cách cố ý. Ông Jonathan Holslag, thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại tại Bỉ, thì cho rằng con tàu sẽ “thúc đẩy các nước lân cận tăng cường năng lực quân sự của mình”.
Hình vẽ mô tả chi tiết tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - Ảnh: AFP - Đồ họa: Ngô Minh Trí |
Những ý kiến gây quan ngại
Ngày 11.8, một ngày sau khi tàu sân bay được hạ thủy thử nghiệm, website Chinamil.com.cn đăng một loạt ý kiến của các chuyên gia quân sự Trung Quốc chứng tỏ con tàu không đơn thuần “để nghiên cứu và thử nghiệm”. Cần nói rõ Chinamil.com.cn là trang tin thuộc tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Trên website này cũng ghi rõ là được PLA tài trợ.
Đáng lo ngại nhất là một bài xã luận cho rằng tàu sân bay “sẽ giúp giải quyết các tranh chấp lãnh thổ”. “Chúng ta chế tạo tàu sân bay làm gì nếu không sẵn sàng sử dụng nó để xử lý tranh chấp? Chúng ta sẽ tự tin và quyết tâm hơn trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ sau khi có tàu sân bay”, AFP dẫn lại bài xã luận viết.
Cũng trên Chinamil.com.cn, chuyên gia quân sự nổi tiếng Doãn Trác khẳng định việc Trung Quốc sở hữu tàu sân bay có “tác động tích cực tới sự ổn định và hòa bình của khu vực, do hạn chế được sự xâm chiếm của nước khác”. Ông này còn tuyên bố việc đóng tàu sân bay là một cách thức tất yếu để xây dựng hòa bình trên biển và đòi các nước khác phải thích ứng với việc “Trung Quốc đang đi vào vũ đài đại dương”. Tương tự, chuyên gia Lý Kiệt khẳng định: “Có tàu sân bay sẽ đem lại sức mạnh cho hải quân, sẽ mang lại sự biến đổi về toàn diện cả hệ thống và chất lượng”. Với lối suy nghĩ như trên của một bộ phận học giả Trung Quốc thì những lo lắng về mục tiêu thật sự của tàu sân bay nước này không phải là không có cơ sở.
Ngô Minh Trí - Ngọc Bi
Bình luận (0)